(VnMedia) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có tờ trình Chính phủ dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lao động. Trong đó, Bộ đưa ra hai phương án tuổi nghỉ hưu: giữ như hiện hành (nam 60 và nữ 55 tuổi) và tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60.
Cụ thể, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Lao động nói rõ quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mức lương tối thiểu; tăng thời giờ làm thêm; tuổi nghỉ hưu...
Về đề xuất tăng tuổi hưu, Bộ Lao động cho hay, lần sửa đổi này tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì những lý do như: tuổi thọ bình quân của người dân những năm gần đây đã tăng; dân số đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt...
Nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn; bảo đảm sự không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO...
Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu dựa trên cơ sở: tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng so với giai đoạn trước, khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài, nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm; Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số. Đồng thời, nếu giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí đang mất cân đối.
Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu không nâng tuổi nghỉ hưu thì năm 2020, mức thu Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bằng mức chi và đến 2037, cán cân thu chi cân bằng, bao gồm cả kết dư quỹ, phải lấy ngân sách bù vào.
Dự án đang lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia và người dân. Tháng 1/2017, dự thảo Luật sẽ chính thức trình Thủ tướng và tháng 4/2017 trình Quốc hội.
Khánh An
Ý kiến bạn đọc