(VnMedia) - Những kết quả nghiên cứu, phân tích đánh giá tỷ lệ người dân có tiềm năng sử dụng hệ thống đường sắt đô thị cảnh báo thực trạng rất đáng lo ngại cho thành công của sự phát triển của loại phương tiện công cộng này...
TS Phạm Thái Sơn (Trường ĐH Việt Đức) đã có một nghiên cứu đánh giá tỉ lệ người dân có tiềm năng sử dụng hệ thống đường sắt đô thị (UMRT) với các bán kính phục vụ 300m, 500m quanh các ga đường sắt đô thị của toàn bộ mạng lưới 8 tuyến đường sắt đô thị với vị trí tuyến đã xác định trong quy hoạch giao thông vận tải của TP Hồ Chí Minh.
Kết quả cho thấy, với hiện trạng phát triển đô thị hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh thì trong phạm vi 300m quanh tất cả các ga UMRT, tối đa cũng chỉ gom được 8% dân số, trong phạm vi 500m cũng chỉ đạt 21%. Theo kinh nghiệm của các nước thì chỉ khoảng 50% dân số trong phạm vi bán kính phục vụ các ga đường sắt đô thị sử dụng giao thông công cộng. Do vậy, tỷ lệ đảm nhận thực tế của đường sắt đô thị trong tương lai có thể còn thấp hơn nhiều, nếu TP không có các giải pháp hiệu quả.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trong tổng số 1.221 dự án đầu tư mới (phát triển nhà ở cao tầng, khu văn phòng tổ hợp thương mại,…) chỉ có 17% lọt trong phạm vi bán kính 500m quanh các ga và cho tới 800m cũng chỉ đạt 29%.
Bên cạnh đó, trong phạm vi 300m, 500m và 800m quanh các ga đường sắt đô thị, rất nhiều khu vực có điều kiện cho người đi bộ hoặc xe đạp rất kém; vị trí một số ga không phù hợp do đặt ở các nút giao lớn hoặc gần các tuyến đường dành cho xe cơ giới, hoàn toàn không thuận tiện cho người sử dụng giao thông công cộng.
Dựa trên kết quả nghiên cứu của TS Phạm Thái Sơn, TS Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng - Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (HUPI) cho rằng, kết quả nghiên cứu đó cảnh báo thực trạng rất đáng lo ngại cho thành công của sự phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cũng như TP Hà Nội trong tương lai.
“Nó chứng tỏ rằng, quy hoạch đô thị chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với định hướng phát triển của mạng lưới đường sắt đô thị. Điều này đòi hỏi các nhà quy hoạch và các nhà hoạch định chính sách cần nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, đánh giá lại chiến lược phát triển đô thị và phát triển giao thông công cộng nói chung, đường sắt đô thị nói riêng, nhằm hướng tới phát triển đô thị theo hướng bền vững hơn trong tương lai” - TS Nguyễn Trúc Anh nói.
TS Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh, mặc dù một số tuyến đường sắt đô thị đang được triển khai đầu tư xây dựng, nhưng mô hình phát triển tích hợp mật độ cao ở khu vực xung quanh các ga chưa được đặt ra. Điều đó đã gây khó khăn cho việc xác định các quỹ đất cần được khai thác hoặc kiểm soát để tái cấu trúc nhằm hỗ trợ cho đường sắt đô thị sau này.
Mô hình phát triển tích hợp mật độ cao ở khu vực xung quanh các ga đường sắt đô thị chưa được đặt ra - ảnh minh họa |
Giao thông công cộng phải tốn ít thời gian hơn xe máy
Cùng với cảnh báo trên, một nghiên cứu khác của tác giả Nguyễn Ngọc Quang và TS Nguyễn Trúc Anh cho biết, thời gian đi làm hàng ngày từ nhà đến nơi làm việc, học tập và ngược lại là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông. Nó cũng là một trong những yếu tố quyết định nơi ở và nơi làm việc.
Thực tế nghiên cứu cho thấy, trong khi giao thông công cộng kém rất xa so với xe máy và thời gian đi làm trung bình bằng xe buýt là trên 40 phút cho khu vực trong vành đai 2, trên 60 phút cho khu vực giữa vành đai 2 và 3; trên 90 phút cho khu vực ngoài vành đai 3. Trong khi đó, xe máy chỉ mất dưới 30 phút và 40 phút tương ứng. “Đó chính là lý do tại sao người dân lại thích sử dụng xe máy để đi làm hàng ngày mà không chọn giao thông công cộng” - TS Nguyễn Trúc Anh khẳng định.
“Có thể kết luận rằng, việc cấm sử dụng xe máy sẽ không khả thi khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian đi lại của người dân. Ngược lại, ùn tắc giao thông sẽ giảm đáng kể khi một tỷ lệ lớn những người đi xe máy chuyển sang sử dụng giao thông công cộng" - TS Nguyễn Trúc Anh nói.
Trước thực tế trên, ông Trúc Anh đề nghị Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị nói riêng và giao thông công cộng nói chung. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trúc Anh lưu ý, các chính sách cần tập trung thu hút những đối tượng có thời gian đi lại tương đối ổn định và thu nhập trung bình nhưng có số lượng lớn như cán bộ, công chức nhà nước, học sinh, sinh viên, nhân viên…
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc