Tội ác của 2 đứa trẻ tại chốn thiền tự

08:44, 21/11/2016
|

Thấy ông Kích đã ngủ say, Sơn đã vùng dậy lấy chăn trùm lên mặt ông Kích, Dương cũng vùng dậy hỗ trợ Sơn đè chặt chăn vào mũi, miệng ông. Sau đó, Sơn dùng then cài cửa đánh ông Kích, đồng thời nhét giẻ vào miệng nạn nhân cho đến khi nạn nhân không cựa quậy được nữa...

Hai đối tượng Nguyễn Hữu Sơn và Nguyễn Huy Dương.
Hai đối tượng Nguyễn Hữu Sơn và Nguyễn Huy Dương.

9h30 ngày 16/11, quần chúng ở xóm 1, xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương phát hiện ông Nguyễn Hữu Kích (SN 1940, là người trông coi, quản lý chùa Minh Giám, thuộc xã Việt Hồng) tử vong tại gian nhà ngang của chùa, trên người có nhiều vết thương, bị nhét giẻ vào miệng.

Thông tin này được báo gấp tới Công an huyện Thanh Hà và PC45 Công an tỉnh Hải Dương. Vụ án xảy ra ở nơi tôn nghiêm thờ tự, thế nên dư luận vô cùng bức xúc và đó cũng là áp lực đối với lực lượng điều tra, phải bằng mọi giá bắt giữ đối tượng càng sớm càng tốt.

Nghi vấn từ hai vị khách tóc đỏ

Sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra nhận định, nạn nhân chết do bị ngạt. Cửa buồng được mở bình thường không bị cạy phá, cửa chùa cũng được mở bằng khoá, cho thấy, thủ phạm đã thông thuộc đường đi lối lại, nhiều khả năng là người quen của nạn nhân.

Qua khám xét, được biết, hòm công đức đã biến mất. Ban chuyên án nhận định, đây là vụ án giết người, cướp tài sản. Rà soát điều tra, sàng lọc gần 200 đối tượng có biểu hiện trộm cắp, nghiện game, có biểu hiện cướp tài sản, lãnh đạo Công an huyện Thanh Hà, mà trực tiếp là trung tá Lê Minh Hoàn - Phó trưởng Công an huyện và đồng chí Trần Hiệu - Đội trưởng Đội Trọng án PC45 Công an tỉnh Hải Dương - dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, đã cùng anh em truy theo dấu vết nóng của thủ phạm.

Công tác khám nghiệm mở rộng hiện trường đã thu giữ then cửa chùa và thùng tôn đựng tiền công đức  bị vứt ra bờ đê. Ngoài hòm công đức bị lấy mất thì hai chiếc điện thoại của nạn nhân cũng biến mất.

Công tác phát động quần chúng tố giác tội phạm thu được thông tin, sáng 16.11, có 2 đối tượng đi xe taxi từ trung tâm của xã Việt Hồng, một đối tượng cầm tập tiền lẻ 1-2 nghìn trả tiền taxi, một kẻ nhuộm tóc đỏ, một kẻ tóc vàng.

Một trong hai đối tượng có vết xước trên người. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã dựng được chân dung hai vị khách nhí đó là Nguyễn Hữu Sơn (SN 2001, trú tại xóm 1) và Nguyễn Huy Dương (SN 2002, trú tại xóm 6, xã Việt Hồng), có đặc điểm nhận dạng giống với hai đối tượng thuê xe taxi.

Xác minh nhanh cho kết quả, cả hai đối tượng vắng mặt ở địa phương, chúng bỏ nhà đi lang thang từ nhiều ngày nay, nghiện game nặng. Tiếp tục rà soát, cơ quan điều tra có thông tin hai đối tượng đang ở địa bàn Gia Lâm, Hà Nội và vào lúc 13h30 cùng ngày, tổ công tác đã bắt gọn khi chúng đang trên xe buýt bỏ trốn.

Vụ án được khám phá chỉ sau 5 tiếng đồng hồ nhận tin, cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của Công an huyện Thanh Hà và PC45 Công an Hải Dương.

Theo lời khai ban đầu, Sơn và Dương đã nhiều lần đến chùa chơi với ông Kích. Ông Kích thường xuyên cho Sơn và Dương ăn, ngủ tại khu vực trông coi chùa.

Bỏ học từ sớm, thường xuyên lang thang tại các quán game, do không có nghề nghiệp lại nghiện game, không có tiền chơi nên ngày 12.11, Sơn đã bàn với Dương vào chùa Minh Giám khống chế, đánh ông Kích để cướp tiền cũng như lấy tiền công đức của chùa.

Khoảng 18h ngày 15.11, theo bàn bạc phân công từ trước, Dương vào chùa Minh Giám xin cơm ăn và xin ông Kích cho ngủ lại chùa. Đến khoảng 21h30, Sơn mang theo một ba lô bên trong đựng tuýp sắt dài vào gặp ông Kích và Dương.

Sơn xin ngủ lại chùa, sau đó, cả ba ngồi xem tivi, đến 22h30, tất cả đi ngủ. Đến 23h, thấy ông Kích đã ngủ say, Sơn đã vùng dậy lấy chăn trùm lên mặt ông Kích, Dương cũng vùng dậy hỗ trợ Sơn đè chặt chăn vào mũi, miệng ông.

Sau đó, Sơn dùng then cài cửa đánh ông Kích, đồng thời nhét giẻ vào miệng nạn nhân cho đến khi nạn nhân không cựa quậy được nữa. Sau đó, Sơn đi lấy chìa khoá của gian tam bảo trong chùa và mở khoá.

Hắn bê hòm tiền công đức xuống gian nhà nạn nhân ở, trước đó hắn đã lấy đi hai chiếc điện thoại của ông Kích. Lục lọi các ngăn tủ của nạn nhân nhưng không phát hiện tài sản gì, thấy chiếc đèn pin, Sơn cầm luôn.

Sau đó, cả hai thằng bê hòm tiền công đức, ba lô đựng tuýp sắt đi về hướng đê Việt Hồng. Chúng phá nắp hòm, đếm được hơn 1,6 triệu đồng rồi ném hòm tôn, đèn pin xuống sườn đê và đi thuê nhà nghỉ. Đến 6h sáng, chúng bắt xe taxi đi về trung tâm xã và trả tiền cho lái xe bằng mớ tiền lẻ cướp được.

Sau đó chúng đi mua giày dép, quần áo rồi quay lại một quán game gần hiện trường và bắt xe buýt bỏ trốn lên Hà Nội. Nhưng khi chiếc xe buýt mới tới khu vực Công ty May 10 thuộc địa bàn Gia Lâm, Hà Nội thì tổ công tác do đồng chí Trần Hiệu - Đội trưởng Đội Trọng án chỉ huy đuổi kịp, bắt gọn.

Vì game nên gây tội ác

Cả hai thủ phạm sát hại ông Kích đều chưa đủ 16 tuổi. Nguyễn Huy Dương thời điểm bị bắt đang là học sinh lớp 9, còn Nguyễn Hữu Sơn lẽ ra là học sinh lớp 10 nhưng hắn đã bỏ học từ năm ngoái.

Cô giáo Nguyễn Thị Dụ cho biết, cô chủ nhiệm Dương từ lớp 6 đến lớp 9 nên hiểu khá rõ hoàn cảnh, tính nết của Dương. Mới tuần trước, Dương tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của huyện tổ chức đoạt giải B.

Dương bỏ học từ ngày 7.11 đến nay. Ở lớp, Dương có lực học trung bình yếu, thỉnh thoảng lại đánh bạn và cô giáo phải liên lạc về gia đình. Bố mẹ Dương đã bỏ nhau, hắn ở cùng ông bà ngoại, còn bố mẹ Sơn cũng sống trong cảnh ly thân, suốt ngày dằn hắt, cãi chửi nhau khiến Sơn chán nản, thường xuyên dạt nhà.

PV Chuyên đề CSTC tiếp xúc với đối tượng Nguyễn Huy Dương.
PV Chuyên đề CSTC tiếp xúc với đối tượng Nguyễn Huy Dương.

Dương bỏ nhà đi từ chiều thứ 7 tuần trước. Mẹ nó ra trường gặp cô giáo thông báo tình hình và cho biết, Dương đã cầm hết quần áo đi rồi. Nhưng thỉnh thoảng nó lại đi như vậy nên gia đình cũng chỉ biết đợi nó về chứ không biết tìm ở đâu.

Có lần Dương đánh bạn chảy máu, cô giáo gọi về cho gia đình thì ông ngoại của Dương bảo: "Tôi chỉ  quản lý ở nhà còn ở trường là việc của các cô". Tóc nhuộm đỏ, ban đầu Nguyễn Hữu Sơn tỏ ra bất cần và trả lời nhát gừng khi tiếp xúc với chúng tôi.

Nhưng cuối cuộc tiếp xúc, Sơn gục đầu xuống bàn rơm rớm nước mắt. Cả hai đứa đều không biết bố mẹ mình sinh năm bao nhiêu. Bố Dương thì từ hồi có vợ mới hầu như bỏ quên luôn con trai mình, thế nên lâu lắm rồi nó không còn nhớ mặt bố như thế nào. Cả hai đều chạc tuổi con trai tôi nên cất lời để hỏi chúng về tội ác đã gây ra đêm qua thật khó nhọc.

- Cháu bỏ học lâu chưa?

+ Từ năm ngoái.

- Cháu là con thứ mấy trong nhà?

+ Thứ hai. Anh trai cháu đang trốn nợ, còn hư hơn cháu.

- Cháu thích chơi game gì?

+ Cháu chơi game Liên minh, cháu cày 2 năm rồi.

- Ai cho cháu tiền chơi game?

+ Thỉnh thoảng ông Kích hay cho cháu tiền. Ông Kích là anh của ông nội cháu. Mỗi ngày cháu chơi hết tầm 2-3 triệu.

- Chơi game mà tốn tiền thế á?

+ Không, cháu còn đi hát karaoke, ăn uống. Cháu thường bao cả hội.

- Cháu cần tiền để làm gì mà lại giết ông Kích?

+ Cần tiền đi chơi.

 - Sao cháu không xin tiền mà lại cướp?

+ Cháu có về nữa đâu. Từ hồi cháu lừa ông Kích lấy 4 triệu, ông Kích không cho tiền nữa. Cháu nói dối xin tiền trả nợ cho mấy ông anh xã hội nhưng cháu lại ăn tiêu hết.

- Ở nhà buồn hay sao mà cháu lại hay bỏ nhà đi vậy?

+ Cháu không thích ở nhà. Bố mẹ cháu hay cãi nhau. Trước chưa có chuyện gì thì ngày nào cháu cũng ngủ ở chùa với ông Kích, từ hôm ông biết cháu lừa thì cháu không về chùa nữa.

- Hai đứa định lên Hà Nội làm gì?

+ Cháu cũng chưa biết, cứ lên thôi. Dọc đường đi, cháu bảo với Dương, chuyện xảy ra rồi, bị bắt thì chấp nhận.

- Cháu có nghĩ mình bị bắt nhanh thế này không?

+ Cháu có nghĩ như thế. Cháu lên Facebook thấy bọn nó bảo, công an đang đi lần nên cháu nghĩ sẽ bị bắt.

- Trước khi gây án, cháu có nghĩ đến hậu quả này không?

+ Có. Nhưng tại cháu ham chơi.

- Cháu quan hệ với Dương như thế nào?

+ Là anh em xã hội thôi. Cứ lúc nào nó dạt nhà cũng đều gọi cháu.

- Sao hai đứa không khuyên nhau ở nhà giúp đỡ bố mẹ mà lại thường xuyên lang thang?

+ Nó cũng chán ở nhà. Cháu cũng có nỗi đau của cháu.

- Ông Kích từng là người nuôi cháu ăn ngủ, cho cháu tiền, sau sự việc này, cháu cảm thấy thế nào?

+ Cháu ân hận.

Cũng như Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Huy Dương không nhớ mẹ mình sinh năm bao nhiêu, còn nói về người bố thì nó bảo "cháu không nhớ mặt". Dương kể, những lần bỏ nhà đi, nó ăn ngủ luôn tại quán net. Khi được Sơn rủ rê, bàn bạc lên kế hoạch lấy tiền của ông Kích, nó đồng ý luôn. Trong khi cô giáo chủ nhiệm - người chịu trách nhiệm giám hộ cho nó khóc nức nở vì thương, vì xót xa cho học sinh của mình thì mặt nó vẫn trơ ra, không chút xúc động. Thằng Sơn thì có vẻ lớn hơn, hiểu biết hơn, ý thức được tội lỗi của mình hơn, nhưng xét cho cùng, chúng vẫn là những đứa trẻ, mà tội lỗi của những đứa trẻ, thường có nguyên nhân từ phía gia đình. Trường hợp của cả hai đứa trẻ này, là minh chứng rõ nhất.

Theo Đinh Hiền - Xuân Mai (Cảnh sát Toàn cầu)


Ý kiến bạn đọc