(VnMedia) - "Phòng thi chúng cháu sẽ chọn ra một bạn học giỏi nhất sau đó cho xức dầu gió rất nhiều. Cứ phương án 1 thì bạn ấy ho một tiếng cả phòng chúng cháu tích vào phương án 1, phương án 2 ho hai tiếng..." - đại biểu Quốc hội kể về thi trắc nghiệm.
Sáng 16/11, trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, phần lớn các chuyên gia đều nhất trí rằng, phương án thi trắc nghiệm đánh giá được số lớn, hàng triệu các em. Kiểm tra được kiến thức toàn diện chứ không học tủ, học lệch.
“Nếu thi tự luận thì tập trung vào một vài vấn đề, còn thường các giáo viên không để ý đến các vấn đề khác nữa, dẫn đến học để thi không toàn diện. Đây là vấn đề giáo dục chúng tôi xét thấy cần phải chấn chỉnh. Kinh nghiệm quốc tế các nước cũng làm như vậy. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng làm thế. Các nền kinh tế tiên tiến đều sử dụng công nghệ đánh giá trắc nghiệm” – Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, không đồng ý với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nói: “Theo như trả lời của Bộ trưởng, hình thức thi trắc nghiệm của chúng ta là hình thức ưu việt, tuyệt đối. Nhưng trên thực tế tôi thấy nó là ngược lại”.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga |
Phân tích ý kiến của mình, đại biểu Việt Nga cho rằng, thi trắc nghiệm đã không phát huy được tính tích cực.
“Với các môn khoa học tự nhiên như lý, hóa, sinh, chúng ta không rèn luyện được kỹ năng thực hành cho học sinh. Với ngoại ngữ, kỹ năng nghe nói của cả thầy và trò đều rất yếu và cần phải rèn luyện thêm. Tuy nhiên, thi trắc nghiệm không thể hiện được kỹ năng này. Với môn văn, bây giờ đang có tư duy nên thi trắc nghiệm cả môn văn thì tôi nghĩ điều này không cần thiết” – đại biểu Nga nói.
Đặc biệt, về ý kiến Bộ trưởng rằng thi trắc nghiệm rất có tác dụng trong việc đánh giá học sinh một cách công bằng và tránh gian lận trong thi cử, đại biểu Nga cho rằng, “điều này là ngược lại”.
Dẫn chứng cho quan điểm của mình, đại biểu Nga kể một câu chuyện mà theo bà là sự thực: “Các cháu học sinh đi thi về nói với tôi rằng chỉ thích thi trắc nghiệm. Vì sao? phòng thi chúng cháu sẽ chọn ra một bạn học giỏi nhất sau đó cho xức dầu gió rất nhiều. Cứ phương án 1 thì bạn ấy ho một tiếng cả phòng chúng cháu tích vào phương án 1, phương án 2 ho hai tiếng và trong quy chế thi không cấm thí sinh ho thế cho nên chỉ cần một bạn làm được bài là tất cả phòng làm được bài”.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi thi trắc nghiệm, mỗi học sinh có một mã đề thi riêng, tổ hợp bài thi riêng.
“Năm nay có 25 cháu trong một phòng, mỗi cháu một mã đề thi riêng, đề khác nhau chứ không phải chọn khác nhau và những câu hỏi này, chúng tôi đã có kỹ thuật để chuẩn hóa, chấm bằng máy. Đây là một trong những vấn đề tôi rất quan tâm đến tính minh bạch, khách quan của kỳ thi. Thực tế chúng tôi đã kiểm tra Đại học quốc gia Hà Nội, các cháu làm rất tự giác và hào hứng” – Bộ trưởng khẳng định.
Đến năm 2020 - 2035, phổ cập nói được tiếng Anh
Về đề án ngoại ngữ quốc gia, Bộ trưởng cho biết, chương trình được biên tập, biên soạn thành hệ thống, trong đó có tính đến hội nhập quốc tế, tránh tình trạng biên soạn theo năng lực của các thầy cô.
Theo Bộ trưởng, Đề án tập trung ưu tiên hàng đầu vào việc đào tạo đội ngũ giáo viên. “Chúng tôi có kiểm điểm lại, thấy khâu chuẩn bị về giáo viên chưa thực sự kỹ khi ban hành, dẫn đến trong quá trình tổ chức thực hiện gây khó khăn cho địa phương, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đào tạo, chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này” – Bộ trưởng thẳng thắn nói.
Về những phương thức để tổ chức giảng dạy, Bộ trưởng cho biết, Đề án tập trung vào thiết kế những chương trình học và phương thức đào tạo theo hướng trực tuyến từ xa và đặc biệt nhấn mạnh đến xã hội hóa.
“Xã hội hóa phải là tâm điểm để tạo ra môi trường, động lực, không phải tất cả trông chờ vào đề án này mà chúng ta đạt được mục tiêu như đề ra” – Bộ trưởng nói.
“Việc học để giao tiếp, học để biết không quá khó, chúng tôi nhấn mạnh cái đó, để tạo ra một xã hội học tập về tiếng Anh là động lực. Tinh thần như thế, chúng tôi xin nhận trách nhiệm để điều chỉnh và đây là dự án lớn bước đầu không phải đến năm 2020 - 2035 chúng ta phổ cập nói được tiếng Anh” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành giáo dcj cũng thông tin, đối với các giáo viên, khi tuyển vào đương nhiên tiếng Anh phải cao hoặc ngoại ngữ phải cao.
“Đối với nhóm thầy, cô hay cán bộ còn có điều kiện phát triển thì phải có lộ trình cho họ, tránh tình trạng đưa ra một cái áp luôn, đó là không khả thi, dẫn đến tình trạng mua bán chứng chỉ. Đối với những nhóm thầy, cô, đối tượng không còn điều kiện dài cũng không nên ép. Như vậy, khi đưa ra một chính sách có lộ trình và đúng phù hợp với nhóm đối tượng tôi tin rằng khả thi và việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bàn và trao đổi với Bộ Nội vụ để phối hợp làm sao cho khả thi, có lộ trình” – Bộ trưởng giải thích.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc