(VnMedia) - Theo đơn thư phản ánh, bà Trần Thị Ngọc Anh (SN 1950, trú tổ 16, phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) về việc UBND TP. Quảng Ngãi thu hồi không đúng quy định pháp luật 2.900 m2 đất của gia đình bà Anh.
Khu đất đang xảy ra những khúc mắc |
Theo đó, vào ngày 15-10-1994, UBND thị xã Quảng Ngãi (cũ), tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định 156/QĐ-UB thu hồi diện tích 2.900 m2 đất vườn nhà thờ nguyên là của gia đình ông Trần Quang Vinh đã giao cho ông Trần Ngọc Ân (em con chú ruột của ông Trần Quang Vinh) sử dụng từ năm 1975, đồng thời trong nội dung Quyết định số 156 cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Ngọc Ân, cho rằng ông Trần Ngọc Ân chiếm đất của Hợp tác xã nhà nước.
Trước sự việc này, ông Trần Ngọc Ân nhiều lần làm đơn khiếu nại, đề nghị cơ quan chức năng thu hồi lại quyết định 156 của UBND thị xã Quảng Ngãi.
Khi sự việc chưa được giải quyết thấu đáo, khu vực đất đai nhà ông Vinh tiếp tục xảy ra tranh chấp, khi 10 hộ gia đình cố tình lấn chiếm đất đai, xây nhà trái phép trên phần đất nhà ông Trần Ngọc Ân thừa hưởng lại của ông Trần Quang Vinh.
Trong báo cáo về sự việc này, ngày 02-02-1999, UBND phường Nghĩa Lộ (thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cho hay: "Nguyên thửa đất số 879 đất màu và thửa đất số 812 loạt đất vườn thuộc bản đồ 1/6 phường Nghĩa Lộ, thị xã Quảng Ngãi trước năm 1977 do ông Trần Hiển sử dụng. Sau khi ông Trần Hiển (chết) để lại cho con là Trần Quang Vinh tiếp tục quản lý. Năm 1975, gia đình ông Trần Quang Vinh vào miền Nam làm ăn không ai quản lý sử dụng kê khai đăng ký. Năm 1976, UBND xã và nông hội xã Nghĩa Lộ quản lý giao cho nông dân sản xuất canh tác".
Công văn này cho biết, năm 1987, có 10 hộ nhu cầu xin cấp đất và đổi đất nhà ở Đến năm 1991, ông Trần Ngọc Ân lại là người "tự ý lấn chiếm của các hộ xã viên đang nhận khoán".
Chia sẻ về việc này, bà Trần Thị Ngọc Anh nói: "Suốt nhiều năm qua, chúng tôi nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh những chưa được kiểm tra, xem xét lại quyết định sai pháp luật của UBND thị xã Quảng Ngãi (cũ), mà ngược lại, cho rằng cha tôi là ông Trần Ngọc Ân chiếm đất của hợp tác xã nông nghiệp là điều vô lý.
Chia sẻ hồ sơ, bà Ngọc Anh cho biết thêm: "Tại sổ biên sách điền chủ 321 của Sở địa chính tỉnh Quảng Ngãi dưới thời Pháp, ông Trần Hiển sở hữu 1 mẫu 9 sào đất. Đến khi ông Hiển mất, gia sản, đất đai để lại cho ông Trần Quang Vinh. Đến năm 1975, ông Vinh vào Nam lập nghiệp cùng gia đình và chuyển giao quyền quản lý nhà tộc họ Trần cho cha tôi là Trần Ngọc Ân. Hai người là cùng dòng tộc, anh em con chú con bác ruột, chứ không phải người lạ để nhận định rằng chúng tôi chiếm đoạt đất đai của ông Trần Quang Vinh. Điều này có nghĩa, gia đình tôi quản lý đất đai cho ông Trần Quang Vinh từ năm 1975 đến nay, chứ đất không hề vô chủ, buộc chính quyền phải bàn giao cho hợp tác xã như trong công văn của UBND phường Nghĩa Lộ".
Bà Trần Thị Ngọc Anh trình bày nội dung vụ việc với PV |
Để làm chứng, bà Ân đưa ra giấy báo số đảm phụ nông nghiệp nộp lần 1 năm 1976, khi UBND xã Nghĩa Lộ ghi gia đình ông Trần Ngọ Ân phải nộp 129 kg lúa cho "Nhà thờ Trần Ngọc Ân ở thôn 3, xã Nghĩa Lộ".
Theo gia đình bà Ngọc Anh cho biết, gia đình có giấy xác nhận của ông Bùi Tấn Tư (trú quán 237 Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) xác định. "Năm 1977, tôi (ông Bùi Tấn Tư) đang giữ chức Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thị xã Quảng Ngãi, được cơ quan phân công đến xã Nghĩa Lộ, thị xã Quảng Ngãi giải quyết việc như sau:
Tháng 4-1977, Nông hội thôn tự ý cho người đến chặt cây cối, tre, mít, mía... để lấy đất, gia đình ông Ân cản ngăn thì bị số người nói trên (Nông hội xã) bắt trói tại chỗ ông Nguyễn Hữu Tạo. Viện kiểm sát phối hợp cùng công an thị xã Quảng Ngãi bắt tạm giữ Nguyễn Trợ và Nguyễn Trung là người có hành vi sai trái, cột trói Nguyễn Hữu Tạo và bắt Nguyễn Trợ + Nguyễn Trung tạm giam 3 ngày", ông Tư nói.
"Đất vườn có nhà nguồn gốc là của ông bà nội ông Trần Ngọc Ân do ông Ân quản lý. Thời điểm này chưa có chính sách thu hồi đất vườn nhà có người đang quản lý sử dụng. Tôi xác nhận việc trên đang là thực tế, có gì sai trái, tôi chịu trách nhiệm pháp luật", xác nhận của ông Tư viết ngày 21-05-2001 được UBND phường Trần Phú (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi xác nhận).
Để khẳng định tính pháp lý của việc sử dụng đất, gia đình bà Ngọc Anh cung cấp giấy ủy quyền sử dụng đất định đoạt ký năm 1997, xác nhận ông Trần Quang Vinh đã mất từ năm 1987, nên gia đình mới bà Phạm Thị Triềng (SN 1933, vợ ông Trần Quang Vinh) và các con ông Vinh (đã ủy quyền sử dụng đất lại cho ông Trần Ngọc Ân (là em con chú ruột) sử dụng đất từ 15-02-1975.
Để khẳng định sự đúng đắn, hợp pháp của văn bản, bà Triềng và các con sẵn sàng từ xã Phúc Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai về lại Quảng Ngãi để làm chứng.
Chị Đỗ Thị Kim Ngân (SN 1972, người nhận ủy quyền của bà Anh) tiếp lời: "Không thể nói 10 người cố tình chiếm đất, xây dựng nhà trái phép trên đất gia đình tôi là "hoán đổi đất cho gia đình ông Trần Ngọc Ân. Bởi cũng năm 1999, UBND phường Nghĩa Lộ ra quyết định tạm đình chỉ 10 hộ xây dựng trên đất đang tranh chấp với gia đình tôi. Gia đình tôi chưa hề hoán đổi đất với bất cứ ai trong 10 người trên. Chưa kể, chúng tôi nộp thuế đất, cũng như sử dụng khu đất nhà thờ tộc từ năm 1975, song không được chính quyền thừa nhận. Vậy mà đến 2014, UBND TP Quảng Ngãi cấp sổ đổ cho 10 hộ đã chiếm đất sử dụng của gia đình tôi. Đến khi chúng tôi gửi đơn thư cho cơ quan báo chí, chính quyền phường Nghĩa Lộ đang đẩy nhanh việc biến 2.900 m2 đất gia đình tôi thành Trung tâm thể dục thể thao phường, nhằm xem như sự việc đã rồi".
Bức xúc trước quyết định này, gia đình bà Trần Thị Ngọc Anh tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Công văn mới nhất vào ngày 23-05-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã có văn bản 2490/UBND-NC giao Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh kiểm tra, rà soát xem xét giải quyết đơn của bà Trần Thị Ngọc Anh.
Liên quan về đơn thư khiếu nại của bà Trần Thị Ngọc Anh, luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt (Văn phòng luật sư Phiệt và Cộng sự, số 61 Hải Phòng, TP. Đà Nẵng) cho hay: "Căn cứ nội dung Quyết định 156/QĐ-UB của UBND thị xã Quảng Ngãi ký năm 1994, tôi thấy rằng đối tượng thu hồi đất không đúng sự thật khách quan. Bởi lẽ, ông Trần Ngọc Ân không có quyền về tài sản đối với 2.900 m2 đất như quyết định đã nếu tại điều 1. Ông Ân chỉ là người thừa kế theo quy định pháp luật".
Bàn về quyền về tài sản theo pháp luật quy định tại điều 100 Luật đất đai, tài sản này thuộc về ông Trần Quang Hiển thể hiện tại "giấy trích lục sổ địa bộ" số 321 của UBND thị xã Quảng Ngãi (bản tiếng Việt, tiếng Hán, dấu chữ Pháp). Khi ông Hiển chết, quyền tài sản được chia đều cho các bên thừa kế theo quy định pháp luật.
"Tôi phát hiện thêm mâu thuẫn nội tại trong quyết định 156 của UBND thị xã Quảng Ngãi", luật sư Anh Phiệt đánh giá, "Việc xử phạt hành chính không đúng bản chất. Ông Ân là người thừa kế theo luật, tức là hiện đang quản lý tài sản khi quyết định này được ký. Ông Ân không chiếm đất công vì đất này là của ông Hiển. Ngoài ra, chưa thấy quyết định, tài liều, sổ đỏ nào cho thấy 2.900 m2 đất này là đất công. Tóm lại, không thể xử phạt ông Ân và việc lấn chiếm đất công".
"Việc buộc ông Ân phải nộp thuế nông nghiệp từ 1991-1994, thì đã thừa nhận đất này (2.900 m2 - PV) là của ông Ân, nên mới buộc ông Ân phải nộp thuế đất. Từ đó, cho thấy tính không hợp pháp của văn bản bao gồm nhưng không giới hạn quyết định giải định giải quyết khiếu nại, các văn bản hành chính, quyết định 156, các văn bản quy phạm pháp luật khác do chính quyền, phường, thị xã, tỉnh... ban hành. Cần xem xét lại giá trị pháp luật của văn bản này trước khi xử lý rốt ráo quyền về tài sản 2.900 m2 đất này", luật sư Phiệt đánh giá.
Nguyễn Thuận
Ý kiến bạn đọc