(VnMedia) - Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Cảnh vệ. Nhiều ý kiến góp ý vào các quy định liên quan đến quyền của cảnh vệ, đặc biệt là điều kiện được phép nổ súng.
Theo đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), dự thảo mở nhiều quyền phạm vi cho từ chiễn sĩ cảnh vệ đến tư lệnh cảnh vệ, trong đó, tại Điều 22 và Điều 23 có nhiều nội dung trong dự thảo cảnh vệ được quyền mà ở Luật an ninh quốc gia, chỉ Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp cấp thiết mới được áp dụng.
“Đối chiếu Điều 21 Luật an ninh quốc gia với Điều 22, 23 dự thảo luật thì cấp độ một số nội dung của 9 biện pháp của Thủ tướng còn hạn chế hơn quyền của Tư lệnh cảnh vệ” – đại biểu Phan Văn Tường nói.
Theo đó, tại ý 1, Điều 2, dự thảo quy định Thủ tướng chỉ hạn chế người, phương tiện vào giờ nhất định địa phương hay khu vực nhất định, còn trong dự thảo này, quyền của Tư lệnh cảnh vệ là trên lãnh thổ Việt Nam.
“Cá nhân tôi đề nghị có tổng thể các biện pháp bảo đảm an toàn cho yếu nhân và các khu vực trọng yếu, các sự kiện quan trọng, không nên mở rộng quyền của lực lượng cảnh vệ lên quyền của Bộ trưởng, của Thủ tướng và quyền chung của lực lượng công an mà phải lấy chất lượng đội ngũ, chất lượng lập và xây dựng kế hoạch, phương án cảnh vệ, lấy vai trò nòng cốt của mình để nâng cao năng lực phối hợp hiệp đồng và sự tiên đoán dự báo tình hình làm trọng, lấy phòng ngừa là chính chứ không nên theo hướng hạn chế nhiều hơn quyền con người, quyền công dân để hoàn thành nhiệm vụ cảnh vệ” – đại biểu Phan Văn Tường nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Được |
Quyền Thủ tướng hạn chế hơn Tư lệnh cảnh vệ
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) thì góp ý về quy định chế độ cảnh vệ đối với nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội và nguyên Thủ tướng Chính phủ.
“Chúng ta quy định 3 biện pháp cảnh vệ cứng trong luật bao gồm bảo vệ tiếp cận, bố trí lực lượng cảnh vệ, vũ trang canh gác thường xuyên tại nơi ở, tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết. Quy định cứng như vậy trong luật nghĩa là ta phải áp dụng bắt buộc ngay cả khi các đồng chí đó không muốn. Chúng ta đều biết mỗi biện pháp cảnh vệ đều hạn chế quyền tự do của con người, quyền tự do của công dân. Khi các đồng chí lãnh đạo cao cấp đã không còn giữ những chức vụ trọng trách quan trọng của đất nước, của Đảng trở lại cuộc sống của người công dân, chúng ta hãy để cho các đồng chí đó có quyền lựa chọn là phù hợp nhất” – đại biểu Phùng Văn Hùng nêu quan điểm.
Ông Hùng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung trường hợp các đồng chí không có yêu cầu thì thực hiện theo nguyện vọng của các đồng chí đó.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (TP Cần Thơ), với trách nhiệm của người đã tham gia vào công tác cải cách tư pháp nhiều năm nay đã “thiết tha đề nghị trong Luật cảnh vệ lần này nên bổ sung một chức danh rất quan trọng là đối tượng cảnh vệ, đó là vị trí Chánh án” vì theo đại biểu này thì “vị trí của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cần phải được tôn trọng đúng vị trí là người đứng đầu cơ quan thực hiện quyền tư pháp”.
Đại biểu Quyền dẫn chứng, theo thông lệ quốc tế và hầu hết các nước trên thế giới đều rất coi trọng Chánh án Tòa án tối cao, có nước còn coi trọng chánh án ngang Tổng thống và Nguyên thủ quốc gia. “Thông lệ như thế này chúng tôi cho rằng đối với Việt Nam cũng cần có quy định phù hợp, nếu lần này quy định Chánh án Tòa án tối cao là đối tượng cảnh vệ là rất hợp lý. Nếu quy định như vậy chúng ta phải đánh giá đúng quyền tư pháp hiện nay trong mối quan hệ với quyền lập pháp, hành pháp khi chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền” – đại biểu tỉnh Cần Thơ tiếp tục nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Được (TP Hà Nội) cũng góp ý: “Quan điểm của tôi không nên mở rộng đối tượng cảnh vệ ngoài đối tượng quy định ở trên. Hiện nay, Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến về không mở rộng thêm đối tượng cảnh vệ và trình Quốc hội kế thừa quy định đối tượng cảnh vệ như Pháp lệnh cảnh vệ năm 2005 tại Khoản 1, Điều 10 dự thảo luật là hợp lý”.
Cần quy định chặt chẽ điều kiện nổ súng
Đại biểu Nguyễn Văn Được đề nghị quy định cho chặt chẽ trường hợp như thế nào mới được nổ súng, trường hợp nào không được nổ súng.
“Điều 19 Hiến pháp quy định mọi người có quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật” – ông Được nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Được cũng phân tích, quy định như Điểm c, Khoản 2, Điều 23 của dự thảo luật thì khi có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ thì được nổ súng tiêu diệt. “Nội dung này tôi thấy không ổn, dễ lạm dụng, do vậy tôi đề nghị phải quy định cụ thể điều kiện nổ súng tiêu diệt chứ không thể quy định có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ thì được nổ súng tiêu diệt là không ổn” – ông Được nói.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, thực tế đối tượng có hành vi tấn công đối tượng cảnh vệ hoặc hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ nhưng hành vi tấn công không thật sự nguy hiểm, không trong tình thế khẩn cấp, cấp bách, không bắt buộc phải nổ súng tiêu diệt mà còn cách khác để ngăn chặn đối tượng xâm hại hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ cứ có hành vi tấn công trực tiếp thì được nổ súng tiêu diệt đối tượng là không được.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc