Đại biểu Quốc hội: "Đô thị của chúng ta lai căng không bản sắc"

15:38, 21/11/2016
|

(VnMedia) - “Ở nước ta mỗi địa phương quy hoạch một kiểu. Bộ mặt đô thị mỗi nơi một vẻ nhìn chung là chắp vá, lai căng không có bản sắc, dấu ấn riêng...” - đại biểu Phùng Đức Tiến nhận xét và đề nghị cần có bộ tiêu chuẩn chung cho cả nước.

Đại biểu Phùng Đức Tiến
Đại biểu Phùng Đức Tiến

Sáng nay (21/11), các đại biểu đã thảo luân tại Hội trường về Luật Quy hoạch. Các vấn đề như quy hoạch đô thị, thời hạn quy hoạch, thẩm quyền thẩm định quy hoạch... được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), ở các nước khác, quy hoạch hệ thống đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông rất đồng bộ và in đậm bản sắc văn hóa, dấu ấn quốc gia. Trong khi ở nước ta mỗi địa phương quy hoạch một kiểu.

“Bộ mặt đô thị mỗi nơi một vẻ nhìn chung là chắp vá, lai căng không có bản sắc, dấu ấn riêng. Do vậy, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn quy chuẩn áp dụng thống nhất cho hoạt động quy hoạch trên phạm vi cả nước" - đại biểu Tiến nói.

Đại biểu Phùng Đức Tiến cũng đề nghị cần mạnh dạn quy định một cách dứt khoát khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì chưa được lập quy hoạch ngành, vùng, địa phương. Ngược lại, muốn điều chỉnh quy hoạch ngành, vùng, địa phương thì phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia.

“Quy định như vậy vừa đảm bảo tính nghiêm minh trong quản lý quy hoạch, vừa tránh tình trạng quy hoạch tổng thể quốc gia chạy theo quy hoạch ngành, vùng, địa phương như đã diễn ra từ lâu, khi các tỉnh thành đua nhau làm khu công nghiệp trước khi có quy hoạch mạng lưới khu công nghiệp, đua nhau làm các khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển trước khi có quy hoạch tổng thể các khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển" - đại biểu Phùng Đức Tiến nói.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) thì góp ý, cần đưa thêm vào Luật hai nguyên tắc. Thứ nhất là quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên và quy hoạch cấp trên kế thừa quy hoạch cấp dưới đã được thực hiện nhưng không làm ảnh hưởng đến quy hoạch cấp trên. Nguyên tắc thứ hai là đề cao trách nhiệm, kỷ luật và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quy hoạch đối với tập thể, cá nhân.

Về thời kỳ quy hoạch, Dự thảo quy định thời kỳ quy hoạch là 10 năm tầm nhìn 20 năm, với quy hoạch kết cấu hạ tầng tầm nhìn 30 năm đến 50 năm. Theo đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, quy định như vậy là chưa hợp lý đối với quy hoạch cấp quốc gia và thời kỳ quy hoạch là 10 năm thì quá ngắn.

“Theo tôi, thời kỳ quy hoạch cần thống nhất trong từng cấp quy hoạch và mỗi cấp quy hoạch có thời kỳ quy hoạch khác nhau. Có thể các cấp quy hoạch liền kề hơn kém nhau 5 năm là hợp lý” - đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị.

Cùng quan điểm với đại biểu Trần Văn Tiến, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng, quy định cứng về thời hạn trong Dự thảo là chưa hợp lý.

“Tôi đề nghị xem xét để một số ngành, lĩnh vực, một số đặc thù phải có thời gian dài hơn, như thế thì sự phát triển mang tính chất bền vững" - đại biểu Nguyễn Văn Thể nói.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về quy hoạch vùng?

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) nêu lên một bất cập, đó là quy hoạch vùng sẽ khắc phục được tình trạng phân chia theo địa giới hành chính của các tỉnh mà chúng ta thường nói là 63 tỉnh là 63 địa giới hành chính kinh tế. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có cơ sở để làm quy hoạch vùng.

“Chúng ta làm quy hoạch vùng thì sẽ quy hoạch theo vùng nào? Chúng ta có 7 vùng về địa lý kinh tế, có 4 vùng về trọng điểm kinh tế: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; có cả vùng Thủ đô, vậy bây giờ quy hoạch vùng là quy hoạch theo vùng nào? Rõ ràng ở đây chúng ta không có cơ sở để thực hiện.” - đại biểu đoàn Hà Nội đặt vấn đề.

Đồng thời, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đặt câu hỏi: “Quy hoạch vùng này được xây dựng lên ai sẽ người quản lý quy hoạch, theo dõi triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch đó, không có một cơ quan làm việc này.”

 Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trước khi có quy hoạch vùng, phải có quy định về việc phân vùng, đồng thời phải quy định về việc thành lập các cơ quan quản lý vùng như là ủy ban quản lý vùng hoặc hội đồng quản lý vùng.

Cần quy định xử nghiêm hành vi vi phạm quy hoạch

Góp ý tại Nghị trường, ngoài góp ý về vấn đề thời hạn hiệu lực của các quy hoạch, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho biết chưa hài lòng về quy định các tổ chức và cá nhân vi phạm vào các điều cấm.

“Hiện nay, chúng ta có nhiều luật, nhiều quy hoạch, tuy nhiên khi thực hiện thì nửa vời. Đây là việc hơi phổ biến, do đó để thực hiện nghiêm Luật quy hoạch thì ngoài điều cấm này, chúng ta phải quy định nếu vi phạm thì phải xử lý như thế nào cho rõ ràng để tất cả các tổ chức, cá nhân không dám vi phạm điều cấm vì đây là điều rất tai hại cho quy hoạch.” – đại biểu Nguyễn Văn Thể nói.

Đại biểu tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị sửa Điều 65 về xử lý các vi phạm cụ thể hơn và hình thức xử phạt phải nghiêm minh hơn.

Về vấn đề thẩm định quy hoạch, đại biểu Nguyễn Văn Thể đề nghị nên xem xét vai trò của Quốc hội trong việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển quốc gia, nếu ta chỉ giao cho Chính phủ và các Bộ, ngành là chưa đủ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thể đề nghị Điều 26 nên viết lại để ràng buộc trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan với mục đích làm cho công tác thẩm định đảm bảo tốt nhất.

Nguyễn Văn Thể
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể

Về điều kiện điều chỉnh quy hoạch, đại biểu tỉnh Sóc Trăng nhận xét “việc điều chỉnh quy hoạch hơi tùy tiện.”

“Tôi muốn mỗi điều chỉnh quy hoạch thì cấp thẩm định phải tương đương như thẩm định để ban hành quy hoạch, có như thế thì việc xem xét điều chỉnh mới mang tính chất tổng thể, nếu dễ điều chỉnh quá thì dẫn đến chúng ta thực hiện quy hoạch không nghiêm. Tôi đề nghị phần quy hoạch nên viết lại để làm sao đội ngũ thẩm định này có trình độ, năng lực và các ngành liên quan tương đương với vấn đề chúng ta thẩm định quy hoạch.” – đại biểu Nguyễn Văn Thể nói.

Giải trình sau khi các đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng luật này là rất khó nên đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị và đã phải mời tất cả các chuyên gia hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực trong nước, cả các chuyên gia quốc tế. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đã đi tham khảo ở các nước liên quan đến công tác quy hoạch rất nhiều để tổng hợp, xây dựng lại và hoàn chỉnh rất nhiều lần trong vòng khoảng 5 năm qua đối với luật này nên “các đại biểu yên tâm.”

Về thời hạn của quy hoạch, Bộ trưởng cho biết thống nhất phải kéo dài hơn quy hoạch hiện nay. “Tuy nhiên, cũng tùy cấp độ của từng loại quy hoạch để có thời gian phù hợp".

Về thẩm quyền, Bộ trưởng thừa nhận thẩm quyền của quy hoạch tổng thể quốc gia đúng là rất quan trọng, rất đúng tầm của nó phải để Quốc hội phê duyệt. “Việc này chúng tôi xin tiếp thu, nhìn nhận và nghiên cứu để báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ và trình lại Quốc hội về phương án và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia. Tôi thấy như vậy cũng phù hợp" - Bộ trưởng nói.

Đối với quy hoạch vùng, Bộ trưởng cho biết, để quản lý được vấn đề này, đối với các quy hoạch đã được xác định thì Bộ, ngành nào quản lý về ngành đó và lĩnh vực đó. Ví dụ về giao thông vùng, Bộ Giao thông Vận tải phải quản lý, vấn đề thủy lợi, cấp nước, thoát nước cho tưới tiêu thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải quản lý. 

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc