(VnMedia) - Chiều nay (15/11), trong phiên chất vấn trực tiếp chiều 15/11, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm trong vấn đề môi trường, đặc biệt là trách nhiệm trong sự cố Formosa.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của cử tri |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, cử tri tỉnh Quảng Bình ghi nhận và đánh giá cao việc giải quyết hậu quả vụ Formosa. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn và lo lắng đặt câu hỏi: Cơ sở nào để đảm bảo tính vững chắc của Công ty Formosa sắp tới không gây ô nhiễm trong thời gian tới?
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề, khi xảy ra ô nhiễm, không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Luật bảo vệ môi trường đề cao người dân giám sát bảo vệ môi trường nhưng người dân lại không có thông tin, vậy Bộ trưởng sẽ làm thế nào?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo phân định quản lý Nhà nước từ Trung ương tới địa phương thì ở địa phương quản lý toàn diện về môi trường và dự án phân cấp ở địa phương. Vì vậy, khi vụ việc xảy ra gắn trách nhiệm cụ thể chứ không phải không thể.
“Tuy nhiên, việc phối hợp, quy định giải quyết giữa Trung ương và địa phương chưa thực sự rõ ràng. Cần giải quyết bằng những quy định cụ thể, từ cơ quan quản lý Trung ương, địa phương, trách nhiệm mỗi cấp.” – ông Trần Hồng Hà nói.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện tại, luật quy định phê duyệt đánh giá tác động môi trường là Trung ương, nhưng cấp phép thì địa phương. Do đó cần xem xét trong luật thống nhất xác định trách nhiệm thông suốt, từ phê duyệt, giám sát đến khi hoạt động.
“Trên thực tế, cơ quan Trung ương không thể đảm đương được việc xử lý môi trường ở địa phương. Cần tính toán phân cấp rõ hơn cho địa phương, tạo điều kiện để địa phương tổ chức bộ máy, thiết bị nguồn lực để thực hiện.” – ông Trần Hồng Hà nêu ý kiến và nhấn mạnh, việc kiểm soát tốt nhất là cơ quan quản lý môi trường ở địa phương.
Về đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, công cụ quản lý chưa thực sự sắc bén, thậm chí, có công cụ không còn thực chất. “Đánh giá tác động mới chỉ mang tính dự báo, chưa giúp cho quá trình thẩm tra, xử lý, điều chỉnh. Khi đánh giá, thông thường doanh nghiệp đề cập một nội dụng, bộ phận dự án. Còn liên hợp dự án thì ở những thời điểm khác nhau, nên không thấy tác động tổng thể lên môi trường.” – Bộ trưởng thừa nhận.
Riêng về vấn đề Formosa, ông Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập đoàn liên ngành, bao gồm các nhà khoa học để cùng nhau xem xét kế hoạch, yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể.
Trong quá trình Formosa khắc phục hậu quả, Tổ công tác trực tiếp giám sát 24/24 về nước thải, khí thải và chất thải rắn.
Về công nghệ xử lý nước thải phát sinh từ các nhà máy luyện cốc, cảng, ông Trần Hồng Hà cho biết đều có quy trình xử lý cụ thể, kèm theo tính toán nếu xảy ra sự cố thì có biện pháp phòng ngừa. Các thông số được theo dõi qua thiết bị, chuyển về Sở và Bộ Tài nguyên – Môi trường.
“Chúng tôi có tính toán, vấn đề tồn tại công nghệ sản xuất, từ nay đến 2018 Formosa mới hoàn thành thì yêu cầu tái tuần hoàn xử lý. Cuối đường ống có bồn sinh học rộng hơn 10ha xử lý đáp ứng quy chuẩn môi trường, áp dụng quy chuẩn như Hàn Quốc với nguồn thải cuối cùng. Trong hồ yêu cầu thả cá, trồng thực vật để trước khi nguồn chất thải ra môi trường là an toàn tuyệt đối.” – ông Trần Hồng Hà thông tin, đồng thời khẳng định nhà máy phải an toàn môi trường, đảm bảo phát triển bền vững ở địa phương.
Ông Trần Hồng Hà cũng cho biết, hiện nay, Bộ đang thiết kế hệ thống giám sát toàn bộ môi trường biển ở 4 địa phương. Các thông số hoàn toàn kiểm soát được nguồn thải của Formosa.
Vấn đề về trách nhiệm của vụ việc Formosa tiếp tục được đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Kết luận vụ việc Formosa cho thấy có 53 sai phạm, nhưng hiện mới xử lý 22 sai phạm, vậy 30 sai phạm còn lại là có hay không? Xử lý như thế nào?"
(Tiếp tục cập nhật)
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc