(VnMedia) - Việc chúng ta có thể làm ngay để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông Hà Nội là trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Người ta sẽ phải cân nhắc giữa việc tìm một chỗ đỗ xe khác với chi phí đắt hơn hoặc đi xe buýt - Phó Chủ tịch UBATGTQG Khuất Việt Hùng nhận định.
Phát biểu ý kiến tại toạ đàm “Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội”, mặc dù nhấn mạnh rằng “những vấn đề bất cập thì nói cả tháng không hết”, tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, việc có thể làm ngay để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông Hà Nội là trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
“Nếu mỗi vỉa hè có 2m - 2,5m cho người đi bộ thì giảm được số xe đỗ ở đó. Phải đi tìm chỗ khác đỗ, chi phí đắt hơn hay là đi xe buýt, cũng có nghĩa là khuyến khích vận tải công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân” - ông Khuất Việt Hùng giải thích.
Theo ông Hùng, các quốc gia đang phát triển vừa phải đi hai chân, phát triển vận tải công cộng và quản lý sử dụng xe cơ giới cá nhân.
“Đừng mơ đến một đô thị mà đi đến đâu cũng có thể dùng ô tô, hay 80% người dân dùng vận tải công cộng. Hà Nội tắc đường nhưng cũng chưa quá tệ. Nhưng nếu không giải quyết được các vấn đề tôi vừa nói thì có khi còn tệ hơn” - TS Khuất Việt Hùng nói.
Liên quan đến việc Hà Nội tổ chức phố đi bộ, quan điểm của ông Khuất Việt Hùng là người dân ủng hộ, nhưng việc điều chỉnh sử dụng đất có vấn đề. “Không cho xe đạp đi vào đó là bỏ mất đối tượng phi cơ giới rất tốt" - ông Hùng nói.
Cũng ủng hộ quan điểm phải tạo điều kiện cho người đi bộ, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, chuyện quản lý phương tiện giao thông là điều tất yếu phải làm, phải tính toán để giảm phương tiện và cường độ phương tiện; sử dụng hiệu quả hạ tầng để phương tiện đi thuận lợi hơn; xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, trong đó có vấn đề đi bộ.
“Từ một bước lên xe thì ta phải thay đổi thành việc đi bộ đến nơi có phương tiện giao thông công cộng. Hệ thống chính trị phải vào cuộc để tuyên truyền vận động người dân thành phố thực hiện theo nếp sống này” - ông Quang nhấn mạnh.
Quản lý xe cá nhân phải theo nguyên tắc thị trường
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Huy Quang cho biết, hiện nay, ô tô chiếm 50 - 70% diện tích mặt đường ở chỗ tắc. Tỷ trọng ô tô và xe máy gần như tương đương. Ô tô và xe máy chiếm mặt đường như nhau.
"Phải quản lý phương tiện giao thông theo cách có tính toán chứ không thể để phát triển tự nhiên" - ông Quang nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, quản lý phải xuất phát từ nguyên tắc thị trường. “Ông nào dùng nhiều, chiếm đường nhiều thì phải chi, trả tiền nhiều. Đây là cách được đa số dân ủng hộ vì dân chủ yếu đi xe máy” - ông Hùng khẳng định.
Phó Chủ tịch UBATGTQG cũng cho biết, khi nói đến tai nạn giao thông thì thường nói đến xe máy. Nhưng thực tế 25% là do xe máy gây ra, 75% là do ô tô gây ra.
“Phải nhìn nhận khách quan để đưa ra chính sách quản lý phải chọn đúng đối tượng, tránh gây bức xúc. Bên cạnh đó phải có giải pháp về giao thông tĩnh. Từ đó mới tác động trở lại để tạo thị trường cho việc đi bộ, cho vận tải công cộng” - ông Khuất Việt Hùng nói.
Theo Phó Chủ tịch UBATGTQG, ngõ ngách của Hà Nội là thế yếu nhưng cũng là rào cản tự nhiên với việc sử dụng ô tô. Tuy nhiên, cần điều chỉnh để nơi xa nhất của ngõ ngách chỉ cách nơi có phương tiện giao thông công cộng 500 - 700m.
Về việc phát triển phương tiện giao thông công cộng, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện nay mới chỉ có 1,3km đường dành riêng cho xe buýt, còn lại là giao thông hỗn hợp, trong đó có một bất cập rất cơ bản, đó là chạy bên trái nhưng dừng đỗ đón khách bên phải gây bức xúc cho nhân dân.
“Chúng tôi kiến nghị với Thành phố, từng bước, có quy hoạch xây dựng, tổ chức giao thông phải có đường dành cho xe buýt, đường ưu tiên cho xe buýt. Xe buýt được đi sang làn bên phải, chuyển xe máy đi sang làn bên trái. Làm sao cho xe buýt chạy men men vỉa hè. Phải có điều kiện như thế, không có hạ tầng thì xe buýt không thể hoạt động, phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ" - ông Triều nói.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc