Hà Nội dự kiến cấm xe máy từ năm 2030

12:48, 28/10/2016
|

(VnMedia) - Lúc đầu Thành phố dự kiến sẽ cấm xe máy từ năm 2025, nhưng có lẽ sẽ phải kéo dài đến năm 2030 và thông báo trước lộ trình để người dân chuẩn bị - Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải nói.

Hoàng Trung Hải
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải bên hành lang Quốc hội sáng 28/10

Trả lời câu hỏi của PV VnMedia bên hành lang Quốc hội sáng 28/10, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trước áp lực về giao thông và dân số tăng nhanh, Hà Nội chắc chắn sẽ phải cấm xe máy và hạn chế ô tô ra đường. Để chuẩn bị cho việc đó, Thành phố đang đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông công cộng và tăng cường khả năng quản lý.

- Thưa Bí thư, có ý kiến cho rằng, Hà Nội dường như đang tập trung nguồn lực  cho ô tô xe máy, tức là giao thông cơ giới mà chưa quan tâm đúng mức đến giao thông phi cơ giới như đi bộ, xe đạp, vậy quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Không phải thành phố ưu tiên, mà việc phát triển là theo hướng tự phát theo nhu cầu mua ô tô, xe máy, và hạ tầng mình phải chạy theo.

Cho nên, phải làm thế nào phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng thuận lợi để người dân sẵn sàng, để người ta thấy dù đã mua cái xe này, nhưng không thuận lợi bằng việc sử dụng phương tiện công cộng.

Từ nay đến năm 2020, Thành phố sẽ phải tăng thêm khoảng gần gấp đôi lượng tuyến xe buýt. Hiện nay, tính độ bao phủ của xe buýt công cộng đối với các khu dân cư của chúng ta (12 quận nội thành) chỉ được 71%, chưa nói là rất nhiều tuyến không liền nên không thuận tiện cho người dân chuyển tuyến. Các tuyến xe buýt đấu nối với 18 quận huyện cũng vẫn còn thiếu. Lượng xe buýt hiện nay là 96 tuyến với 1500 xe nhưng ẫn chưa đủ, chúng tôi dự kiến phát triển lên 150 tuyến với trên 2000 xe.

Thứ hai là các tuyến đấu kết nối chưa thuận tiện nên phải thiết kế tích hợp phương tiện công cộng sao cho phù hợp, làm sao mỗi người dân chuyển từ phương tiện này sang phương tiện kia chỉ từ 500m-1km, chứ nếu xa quá thì không thuận tiện, và nói giời người ta cũng không đi. Phải thiết kế 8 tuyến tàu điện ngầm, rồi nhà ga... phải tích hợp như vậy.

- Thời gian qua, Thành phố đã tổ chức phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm nhưng càng ngày càng gần như quá tải khi ước tính mỗi tối có đến gần 2 vạn người đến tham gia. Điều đó chứng tỏ nhu cầu đi bộ của người dân rất lớn, vậy Thành phố có chiến lược phát triển thêm các không gian đi bộ khác không?

Đúng là khi mở các phố đi bộ mới thấy nhu cầu của người dân rất lớn, thiếu những không gian người dân đến nghỉ ngơi, thưởng thức, dùng thời gian ngày nghỉ... nhưng đồng thời mở không gian đi bộ ra mới thấy sức ép giao thông là rất lớn, nhưng mình không giải quyết về giao thông thì đi giải quyết những vấn đề nhỏ trước mắt cũng không giải quyết được. Nếu xe máy vẫn cứ tăng, ô tô vẫn cứ tăng mà tàu điện ngầm không có, giãn dân không nổi thì nói chuyện vỉa hè, không gian đi bộ hay không gian đi xe đạp vẫn chỉ là nói chơi thôi. Trong thời gian tới phải giải quyết đồng bộ.

-  Sở Giao thông Vận tải đã trình Thành phố phương án quản lý phương tiện cá nhân, vậy lộ trình của phương án là như thế nào, thưa ông?

Chúng ta biết tốc độ tăng về vận tải, về dân số cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng hạ tầng, nên đến một thời điểm nào đó phải hạn chế phương tiện cá nhân, và đồng thời phải tăng tốc đầu tư phương tiện công cộng.

Đề án của Thành phố đang lấy ý kiến toàn dân, nhận được nhiều ý kiến và cũng có ý kiến nhiều chiều khác nhau. Nhưng chúng ta phải hiểu, đến một lúc nào đó phải hạn chế, xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ, phải cấm xe máy. Nhiều quốc gia đã áp dụng phương án đó, nhưng người ta có nguồn vốn, có năng lực tài chính hơn chúng ta.

Trong dự thảo dự kiến đến 2025 sẽ cấm xe máy trong khu vực các quận nội đô, nhưng trên thực tế hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được. Có khả năng phải giãn thời điểm cấm xe máy trong nội đô đến 2030. 

Việc xây dựng 8 tuyến tàu điện ngầm ở Hà Nội rất khó khăn, Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng người ta không mặn mà. Giả sử trong kế hoạch chúng ta có thể phát triển các tuyến tàu điện ngầm đến năm 2030, thì chúng ta có thể công bố cho người dân biết là đến năm 2030, nội đô sẽ không lưu thông xe máy. 

Nếu mình công bố thì người dân có thời gian chuẩn bị, đến lúc đó người dân đã có khoảng 14 năm để chuẩn bị và thành phố cũng hoàn thiện được hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng, có thời gian chuẩn bị để nâng vận tải công cộng lên, không cho đăng ký các xe trong quận nội thành nữa để đỡ phí phạm tài sản chung của xã hội, để người dân biết mà chuyển sang ô tô hoặc xe buýt, không đầu tư tiếp xe máy, những xe máy hiện đang có thì vẫn sử dụng cho đến thời điểm đó. Đấy là đề án chúng tôi tiếp tục hoàn thiện và xin ý kiến HĐND trong thời gian tới.

Thực tế, việc thực hiện cấm xe máy phải cho người dân có thời gian để chuẩn bị, chứ không thể ngay lập tức ra quyết định, và người dân cũng hoàn toàn có quyền quyết định là đến thời điểm đó một là đi xe buýt, hai là đi ô tô. Nhưng xu thế giảm giá ô tô chắc chắn sẽ xảy ra, do vậy, ô tô cũng sẽ có quy định ngày chẵn ngày lẻ, không phải ô tô được ra đường thoải mái, bởi thực tế không có chỗ đỗ, rồi ô nhiễm lớn, chiếm chỗ... vấn đề ô tô, xe máy cá nhân ở Hà Nội không chỉ là giao thông mà còn là ô nhiễm cực kỳ lớn.

Cho nên, cách thức của mình là đẩy hệ thống công cộng lên. Thành phố đang thuê một công ty tư vấn nước ngoài để cùng ngành giao thông nghiên cứu lại toàn bộ hệ thống giao thông, quản lý giao thông của Thành phố, làm cách nào đó để tối ưu hoá quản lý của mình.

Mình vẫn công nhận là đã khó khăn lại quản lý kém, các tuyến đi cắt nhau hay đẩy vào trung tâm, xe khách xe dù..., quản lý của mình chưa tốt thì phải quản lý tốt hơn.

-  Đó là kế hoạch lâu dài, còn giải pháp trước mắt để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp hay đi bộ, đi xe buýt là như thế nào, thưa ông?

Năm nay, chúng ta có kế hoạch tăng thêm 8 tuyến xe buýt, từ đầu năm đến nay đã tăng thêm 5 tuyến, và khả năng sẽ tăng vượt lên thành 11 tuyến.

Hiện nay, do giá xăng dầu xuống, người dân chuyển sang đi xe máy và ô tô nhiều hơn nên xe buýt nhiều tuyến không đầy tải. Dù vậy, Thành phố vẫn phải giữ và bù lỗ (800 tỷ /năm và đến năm 2020 có thể phải bù lỗ 1.800 tỷ), nhưng người dân vẫn không đi chứ không phải các tuyến xe khách quá tải.

Nhưng cũng có phần do các tuyến xe buýt không phủ khắp các khu dân cư, chuyển tuyến chưa thuận lợi... thì phải khắc phục, hay trạm đỗ, bến đỗ chưa sạch sẽ, chưa hấp dẫn, các dịch vụ chưa tốt nên người dân không muốn đi, phải cải thiện.

-  Hiện nay, người dân đi vào khu vực phố đi bộ thường đi xe cá nhân bởi xe buýt chưa thuận tiện, nhất là lúc về muộn thường không có xe, vậy Thành phố có bố trí tăng thời gian và tần xuất các chuyến xe buýt để hạn chế việc sử dụng xe cá nhân hay không?

Việc này, tôi sẽ cho kiểm tra lại, nhưng nói chung là xe buýt sẽ hoạt động đến 11 giờ.

- Xin cảm ơn ông!

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc