Làm oan sai rồi lấy tiền dân ra đền là chuyện nhức nhối

06:28, 28/10/2016
|

(VnMedia) - “Một vụ ông Chấn bồi thường mấy tỷ đồng, bây giờ các anh làm sai lại bảo nhân dân bỏ ra đền thì đây là câu chuyện rất nhức nhối” - Chánh án TANDTC Nguyễn  Hòa Bình nói khi góp ý cho Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước...

Nguyễn Hòa Bình
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình

Chiều 27/10, thảo luận tại tổ về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo Luật Bồi thường Nhà nước cũ thì chủ yếu bồi thường trong lĩnh vực tư pháp hình sự, oan sai, còn trong lĩnh vực dân sự, hành chính thì chưa có.

“Bây giờ chúng ta mở thêm cả các quyết định hành chính nữa, đây là phạm vi chúng ta chưa có kinh nghiệm. Dù đã đưa vào luật, nhưng hướng dẫn để đi vào cuộc sống còn bất cập” – ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, ngay cả việc bồi thường trong lĩnh vực hình sự, dù đã làm nhiều năm nay và có kinh nghiệm nhưng vẫn có khó khăn.

"Tôi theo dõi mấy vụ án oan sai thì thấy, bồi thường theo kiểu nào cũng bị lên án. Nếu bồi thường theo đúng quy định của luật được Bộ Tài chính hướng dẫn thì phải có đầy đủ giấy tờ, xác nhận chi tiêu và chắc chắn bồi thường không được bao nhiêu. Lúc đó, dư luận sẽ lên tiếng” – ông Bình phân tích và lấy luôn ví dụ về vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, khi  làm đúng quy định của Bộ Tài chính thì dư luận lại đặt ra câu hỏi là "sao mười mấy năm lại chỉ có bấy nhiêu?"

Ngược lại, lấy ví dụ về vụ ông Chấn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, số tiền bồi thường quá nhiều cũng khiến một luồng dư luận khác lên án là “tại sao tiền của Nhà nước mất nhiều như thế.”

"Trên thực tế, khi vận dụng luật, có hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, bởi có những khoản không thể nào mà chứng cứ hóa được, ví dụ như thiệt hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần. Đây là câu chuyện không có định lượng và tùy theo sự vận dụng. Người thì nói như thế này nên phải vận dụng nhiều, người thì nói tạo ra sự tùy nghi, cho nên các cơ quan thi hành bị đặt vào tình thế cực kỳ nan giải. Riêng trong lĩnh vực hình sự thôi đã khó như thế mà ra lĩnh vực hành chính thì thước đo mênh mông như thế nào?", ông Nguyễn Hòa Bình nêu ý kiến.

Để giải quyết những bất cập, tồn tại, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cần phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn.

Góp ý cho Dự án luật, ông Nguyễn Hòa Bình cũng nêu lên một vấn đề rất được người dân quan tâm, nhưng lại chưa rõ, đó là việc thu hồi tiền bồi thường. Ông Bình cho biết, theo luật cũ thì ai bị kỷ luật người đó phải đền, nhưng giai đoạn tố tụng sau lại chịu ảnh hưởng, trách nhiệm của giai đoạn trước.

Ông Bình đề nghị, ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra phải đền, xin lỗi, điều tra viên phải bị kỷ luật. Còn ở giai đoạn truy tố thì Viện Kiểm sát phải xin lỗi, bồi thường, nhưng xử lý kỷ luật phải xử lý cả kiểm sát viên, điều tra viên. Đến giai đoạn xét xử, tòa phải xin lỗi, bồi thường nhưng phải xử lý cả ba.

“Phải chịu trách nhiệm thế chứ ông cứ làm xong rồi chuyển, rồi vô can là không công bằng" – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Về nguồn tiền để bồi thường oan sai, ông Bình nói: “Một vụ ông Chấn bồi thường mấy tỷ đồng, bây giờ các anh làm sai lại bảo nhân dân bỏ ra thì đây là câu chuyện rất nhức nhối”.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, trên thế giới, các nước lập ra quỹ từ các khoản tiền thu được từ buôn lậu, tham ô, ma túy... và lấy tiền đó để trả cho bồi thường. Như vậy, việc làm này sẽ không phải lấy tiền thuế của dân.

Trong khi đó, đại biểu Dương Ngọc Hải (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại như Luật hiện hành sẽ góp phần thực hiện bồi thường thuận lợi. Hơn nữa, cơ quan có cán bộ công chức gây oan sai phải có trách nhiệm bồi thường để ràng buộc trách nhiệm của cán bộ, giúp họ nhận thức được việc làm sai trái của mình.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) thì góp ý, người bị thiệt hại đã thiệt thòi nhiều năm trong tù không thể tính được nên phải bỏ thương lượng, phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm quyền cho người dân chứ không nên “kỳ kèo bớt một thêm hai” với họ. Còn đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị, cần phải có một cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm xác định việc này.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc