Những vụ án tham nhũng nhức nhối lòng dân

10:40, 28/10/2016
|

(VnMedia) - Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng đình đám, gây nhức nhối lòng dân đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Cùng VnMedia điểm lại những đại án tham nhũng đã được xét xử trong thời gian qua.

Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa. Ảnh: Vietnamnet
Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa. Ảnh: Vietnamnet

Đại án tham nhũng hơn 9.000 tỷ đồng tại TMCP Xây dựng Việt Nam

Tháng 7/2016, đại án tham nhũng hơn 9.000 tỷ đồng tại TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã được TAND TP.HCM chính thức đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Theo kết luận điều tra, VNCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương tái cơ cấu ngày 6-9-2012. Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT) đã lập 29 doanh nghiệp, nhờ người thân, quen của Danh đứng tên làm giám đốc, đứng tên sở hữu cổ phần của VNCB. Thực chất, Phạm Công Danh quản lý toàn bộ con dấu, giấy chứng nhận cổ phần của VNCB. Dưới sự điều hành của Phạm Công Danh, VNCB làm ăn ngày càng thua lỗ, thiệt hại lên tới hơn 9 nghìn tỷ đồng.

Cáo trạng của VKS truy tố 5 bị can tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại 7 nghìn tỷ đồng. Ngoài Phạm Công Danh, 4 bị can còn lại là Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn và Nguyễn Thị Kim Vân.

Có 33 bị can bị truy tố tội “Vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, gây thiệt hại 2 nghìn tỷ đồng. Cáo trạng cho rằng, ở tội danh này, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã cho 14 công ty vay 14 nghìn tỷ đồng. Đáng lưu ý, tài sản đảm bảo đã được nâng khống về giá trị.

Về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, VKS truy tố 4 bị can là Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh. 4 bị can này là thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB. Để Phạm Công Danh và các đồng phạm rút số tiền gần 19 nghìn tỷ đồng, ngoài trách nhiệm của Tổ giám sát, còn có các cơ quan liên quan.

Cáo trạng xác định, Phạm Công Danh là bị can chính, chủ mưu chính của vụ án, phải chịu trách nhiệm toàn bộ về số tiền hơn 9 nghìn tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra cũng phát hiện Phạm Công Danh trước khi làm Chủ tịch VNCB đã từng có tiền án 6 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”.

Ngày 19/7/2016, TAND TPHCM chính thức đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh cùng đồng bọn kéo dài hơn 50 ngày. Với những sai phạm dẫn đến đại án 9.000 tỷ đồng tại VNCB, Phạm Công Danh nhận mức án 30 năm tù và phải khắc phục hậu quả vụ án do mình và thuộc cấp gây nên.

'Bầu' Kiên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm
'Bầu' Kiên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm

'Bầu' Kiên và những sai phạm của hàng loạt cựu lãnh đạo ngân hàng ACB

Từ ngày 20/5 – 9/6/2014 vụ án Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - ACB) và các đồng phạm được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử.

Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên ('bầu' Kiên) cùng các bị can: Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng gây thiệt hại số tiền 718,9 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM chiếm đoạt.

Đối với hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu ACB, ngày 2/1/2009, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) để mua cổ phiếu ACB. Chủ trương này trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB hơn 687,7 tỉ đồng. Cáo trạng lần 2 truy tố 2 bị can Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ về hành vi này. Về tội trốn thuế, năm 2009, Công ty B&B kinh doanh vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ACB, thu được số tiền lãi hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, "bầu" Kiên đã trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỉ đồng.

Về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, "bầu" Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, lấy 264 tỉ đồng, bất chấp số cổ phần này đang bị thế chấp cho ACB. Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỉ đồng.

Kết thúc phiên xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên: 20 tháng tù về tội kinh doanh trái phép, 18 năm tù về tội cố ý làm trái, 6 năm 6 tháng tù về tội trốn thuế và 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB): 5 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ trong vòng 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt; Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc ACB): 8 năm tù; Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB): 4 năm tù; Bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB): 3 năm tù và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên HĐQT ACB): 2 năm tù.

Ngày 28/11, phiên phúc thẩm được mở theo kháng cáo kêu oan của cựu Phó Chủ tịch ACB Nguyễn Đức Kiên cùng cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải, cấp phó Huỳnh Quang Tuấn và 3 cựu Phó Chủ tịch HĐQT Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang.

HĐXX TAND Tối cao tuyên giữ nguyên hình phạt với bị cáo Nguyễn Đức Kiên và 4 cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB. Duy nhất, cựu Phó Chủ tịch HĐQT Lê Vũ Kỳ được giảm một năm tù.

Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: Zing
Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: Zing

Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng

Từ 15/12/2014, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét xử vụ án lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Ngân hàng Công thương Việt Nam - Vietinbank chi nhánh TP.HCM) cùng 22 đồng phạm thực hiện.

Mặc dù chỉ có 20 bị cáo có kháng cáo, bị kháng nghị nhưng để phục vụ cho việc xét xử, Hội đồng xét xử triệu tập tất cả 23 bị cáo ra tòa. Phiên tòa kéo dài đến ngày 31/12. Hội đồng xét xử thông báo có tổng cộng 34 luật sư tham dự bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2007, Như với vai trò là cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã vay trên 200 tỉ đồng từ nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành.

Năm 2010, vì làm ăn thua lỗ, phải trả lãi suất cao nên Như mất khả năng thanh toán. Nắm được nghiệp vụ ngân hàng và lợi dụng là quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Như giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM huy động tiền.

Từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Như đã làm giả 8 con dấu đứng tên nhiều cơ quan, đơn vị lừa đảo hơn 4.900 tỉ đồng. Cho đến khi vụ án được phát hiện và khởi tố, Như còn chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng. Đa phần số tiền chiếm đoạt được Như dùng để trả tiền vay nặng lãi.

Bị cáo Huyền Như bị tuyên án chung thân khi kết thúc phiên xử vào ngày 7/1/2014 và phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các tổ chức, cá nhân gần 4.000 tỷ mà Huyền Như đã chiếm đoạt.

Dũng
Dương Chí Dũng và các bị cáo nghe tuyên án. Ảnh VnExpress

Cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng lĩnh án tử hình

Cuối năm 2013, phiên xét xử vụ tham nhũng tại Vinalines do Dương Chí Dũng đứng đầu trở thành tâm điểm thu hút giới truyền thông và người dân trong cả nước trong nhiều ngày.

Ngày 16/12/2013, Hội đồng Xét xử TAND TP. Hà Nội đã tuyên án đối với 10 bị cáo. Trong đó, có 2 án tử được tuyên đối với bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) và bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines). Trong đó, ông Dũng được xác định phạm tội gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng và tham ô 10 tỷ đồng.

Vụ việc liên quan đến vụ tham nhũng của cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng chưa dừng lại ở cái kết "tử hình".  Đến ngày 6/1/2014 vừa qua, trong phiên xét xử vụ án Dương Tự Trọng và 6 bị cáo đồng phạm trong vụ tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải được tòa mời đến với tư cách là nhân chứng.

Trong phiên xử này, ông Dũng bất ngờ tiết lộ về người đã báo tin để mình bỏ trốn. Đó là “một ông anh” ở Bộ Công an. Sau lời khai này, TAND TP. Hà Nội sau khi xem xét, đã chính thức khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước đối với những người có liên quan.

6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng sắp được xét xử

Ngày 1/10/2016, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo - để thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/4 và một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017, gồm:

1. Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank;

2. Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam;

3. Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh;

4. Vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin;

5. Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (phần nội dung bị tòa phúc thẩm TAND Tối cao hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ của 5 công ty);

6. Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank).

 


Ý kiến bạn đọc