(VnMedia) - Giá cau tăng mạnh khiến người nông dân thu nhập tăng vọt, mỗi hộ nông dân trồng 10.000 cây cau hiện nay có thể thu về khoảng 500 ngàn tệ (khoảng 1,7 tỷ đồng).
Thị trường tiềm năng
Theo thống kê, năm 2013, tại Hồ Nam có khoảng 50 doanh nghiệp lớn chuyên gia công chế biến cau với sản lượng khoảng 200 ngàn tấn/năm. Đạt giá trị khoảng 10 tỷ nhân dân tệ (NĐT), ông Chu Lợi Minh (Hội trưởng Hiệp hội Ngành nghề thực phẩm cau Hồ Nam) cũng cho biết, kế hoạch đến năm 2016 sẽ đạt giá trị khoảng 15 tỷ NDT từ cau, đồng thời mỗi năm có thể tăng thêm 20%. Cũng theo ông này, Trung Quốc có khoảng 100 triệu người sử dụng các sản phẩm từ cau nên còn rất nhiều không gian để phát triển các sản phẩm từ cau.
Do cau chủ yếu được nhập khẩu từ đảo Hải Nam nên nghề chế biến cau ở Hồ Nam phát triển cũng khiến những người nông dân trồng cau ở Hải Nam mỗi năm thu về hàng trăm ngàn tới hàng triệu NDT.
Cau khô sau khi sấy sẽ được nhập sang Trung Quốc |
Theo trang mạng “Tin tức Hải Nam” đưa tin, năm 2014, giá cau ở Hải Nam tăng mạnh. Theo đó giá quả tươi có thể bán được tới 21-22 NDT/kg (khoảng 70.000 đồng). Còn giá cau khô khoảng 80 NDT (khoảng 280.000 đồng). Hiện tượng giá cau tăng cao như vậy một phần là do sản lượng có phần giảm sút, ngoài ra nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu ngày càng tăng cao và một số nhà máy gia công ở Hải Nam cùng dồn tiền tích trữ hàng.
Ông Vương Tấn Tài (62 tuổi, nhân viên kỹ thuật trồng cau tại Hải Nam) cho biết: “Trước đây đều do các doanh nghiệp cau ở Hồ Nam quyết định giá cả, người Hải Nam phải theo giá đó để mua bán với họ. Nhưng hiện tại các doanh nghiệp cau Hải Nam gom tiền hàng tỷ tệ, cùng đoàn kết để gom hàng sấy khô, nếu các doanh nghiệp Hồ Nam trả giá thấp thì không bán cho họ. Nếu giá cả hợp lý thì mới bán”. Người này cho biết thêm: “Khi doanh nghiệp Hồ Nam không tìm được nguồn hàng thì đành phải tuân thủ việc mua bán cau theo sự điều tiết của thị trường. Như vậy thì người trồng cau hay doanh nghiệp gia công cũng đều được hưởng lợi”. Đồng thời ông này nhận định thêm, sang năm 2015, lượng tiền đổ vào để gom hàng của các doanh nghiệp Hải Nam còn tiếp tục tăng mạnh.
Nguồn hàng khan hiếm
Ông Thái Chính Học (Giám đốc Sở Ngành nghề cau Thành phố Vạn Ninh) đánh giá nguyên nhân giá cau tăng mạnh trên góc độ phân tích chuyên nghiệp cho rằng: Do nhu cầu ngày càng tăng cao, thị trường ngày càng mở rộng, sản phẩm cung không đủ cầu. Trước đây chỉ có doanh nghiệp ở Hồ Nam thu mua, nhưng hiện nay trên toàn bộ 29 tỉnh thành toàn Trung Quốc đều có khách hàng. Ngoài ra sản lượng cau có phần sụt giảm, mỗi năm chỉ đạt khoảng 500 ngàn tấn nên không thể đáp ứng nổi nhu cầu quá lớn của thị trường. Việc thu mua để gia công sấy khô còn khiến xảy ra tình trạng người ta khó kiếm được một quả tươi trên thị trường.
Thị trường ngày một mở rộng khiến không ít các doanh nghiệp từ đảo Đài Loan, Hồng Kông, Chiết Giang cũng tới Vạn Ninh để tìm cơ hội hợp tác khiến tình trạng khan hiếm hàng càng tăng mạnh.
Cau được giá nên mọi người đổ xô đi bán |
Một người dân sống ở đường Kim Đỉnh (khu Tú Anh, Hải Khẩu, Trung Quốc) phản ánh: “Giá cau bây giờ tăng một cách khủng khiếp, trước Tết (2015-PV) thì 5 tệ còn mua được có 2-3 quả cau, bây giờ thì 1 quả cau có giá 6-7 tệ (khoảng 24.000 đồng)”. Những người nông dân trồng cau cũng cho biết, vào tháng 9/2014, giá thu mua 1kg cau tươi khoảng 9 tệ thì cuối năm giá đã vọt lên 20-22 tệ, còn bây giờ thấp nhất cũng phải trên 50 tệ. Giá cau tăng mạnh khiến người nông dân thu nhập tăng vọt, mỗi hộ nông dân trồng 10.000 cây cau hiện nay có thể thu về khoảng 500 ngàn tệ (khoảng 1,7 tỷ đồng). Trong khi đó, ở trấn Bắc Đại (thành phố Vạn Ninh, Trung Quốc), ít nhất mỗi hộ cũng trồng khoảng 2.000 cây. Tới ngày 28/3/2015, giá cau bán lẻ đã lên tới hơn 100 tệ/kg, gấp 50 lần so với năm 2013. Nếu đem so với giá thu mua cau non của các thương lái ở Việt Nam là 15.000 đồng/kg (tính theo tỉ giá qui đổi thời điểm này là khoảng 4 tệ/kg) thì vẫn là quá rẻ.
Từ tình hình thực tế giá cau tăng chóng mặt ở Trung Quốc, có thể thấy việc thương lái thu mua cau tại tỉnh Thừa Thiên-Huế là do nhu cầu, thói quen sử dụng cau trong nước tại Trung Quốc. Tuy đây là thời điểm giá cau đang cao nhưng trước nay thị trường Trung Quốc vẫn tiềm ẩn đầy rủi ro nên cần có sự theo dõi tình hình biến động để người dân có thể chủ động trong giá cả, nguồn hàng. Và quan trọng nhất vẫn là đầu ra ổn định, dần tiến đến không phụ thuộc vào giá cả để tránh tình trạng bị ép giá.
Công dụng bất ngờ của cau
Thực tế, cau được người Trung Quốc gọi là Tân Lang hay Binh Lang, chủ yếu sinh trưởng ở các khu vực nhiệt đới như đảo Hải Nam, Việt Nam, bán đảo Mã Lai... Quả cau còn là một vị thuốc trong Đông y, có vị đắng, cay, tính ấm khiến khi ăn mặt nóng, đi vào dạ dày và kinh đại tràng. Có công dụng tiêu thực, trục nước, diệt ký sinh trùng đường ruột, trừ phong thấp, đau khớp, trừ phiền làm tỉnh táo đầu óc, phá các mảng kết bám trong bụng.
Cau được mang đi luộc |
Ngoài ra còn có thể trị các chứng phù thũng, đau tức ngực, kiết lỵ, đau bụng chướng bụng, đại tiểu tiện khó, đờm nhiều khó thở, sốt rét ác tính, sốt rét. Do nó có tính nhuận tràng dễ tiêu hao khí nên những người tỳ (lá lách) yếu đi ngoài hoặc khí hư thì không được dùng, phụ nữ có thai không được ăn. Dùng quá lượng gây hiện tượng chảy nước miếng, nôn ói, lợi tiểu, ngủ lịm hôn mê, co giật...
Tại Việt Nam từ xa xưa đã có tục ăn trầu với sự tích trầu cau, tuy nhiên ngày nay không còn nhiều người có thói quen này. Ở Trung Quốc, đảo Hải Nam là khu vực có sản lượng cau lớn nhất, khoảng 500 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, nơi có số lượng người ăn cau nhiều nhất lại là tỉnh Hồ Nam, nhưng khu vực này là khí hậu á nhiệt đới rất khác biệt, không thuận lợi cho việc phát triển của cây cau. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 16-19oC, mùa đông có lúc xuống tới dưới 0oC. Vì vậy Hồ Nam đều phải nhập cau từ Hải Nam.
Truyền thống ăn cau của người Hồ Nam bắt nguồn từ khoảng hơn 300 năm trước và có liên quan đến dịch bệnh. Tức vào năm 1779, Hồ Nam bị ôn dịch hoành hành, người dân đồng loạt mắc bệnh chướng bụng như cái trống, tuy nhiên những thương nhân người Hải Nam ở đây lại không hề hấn gì. Sau họ phát hiện các thương nhân có thói quen ăn cau nên làm theo thì bệnh hết. Từ đó trở đi hình thành thói quen ăn cau và trở thành một nét văn hóa. Các loại kẹo cau Hồ Nam có nhiều mùi vị, nhưng có loại tẩm hồ tiêu, hạt tiêu tê rất được ưa chuộng trong mùa đông rét buốt và được bán rộng rãi trên toàn lãnh thổ Trung Quốc chứ không riêng gì Hồ Nam.
Ý kiến bạn đọc