Được giao đất để thực hiện dự án xây nhà ở cho cán bộ chiến sĩ và xây dựng chung cư gia đình kết hợp dịch vụ thương mại và trụ sở làm việc nhưng Tổng Công ty Thành An đã “bán lúa non” cho các nhà đầu tư thứ cấp. Đến nay đã 7 năm trôi qua, dự án vẫn chỉ là một bãi cỏ hoang. Nhiều khách hàng đã góp vốn vào dự án này có nguy cơ mất trắng…
Dự án Thành An Tower |
Theo tìm hiểu của PV, năm 2009, Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11 – Bộ Quốc Phòng) đã xin chuyển đổi mục địch hơn 10000m2 đất quốc phòng được giao quản lý để thực hiện dự án xây nhà ở cho cán bộ chiến sĩ và xây dựng chung cư gia đình kết hợp dịch vụ thương mại và trụ sở làm việc.
Tuy nhiên sau đó Công ty này đã không triển khai thực hiện mà “bán lúa non” 2 dự án dưới hình thức Hợp tác kinh doanh. Trong đó Tổng Công ty Thành An đã bán dự án Chung cư Nhân Chính (hơn 9.174 m2 tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, nằm ở góc của hai con đường Ngụy Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm- Thanh Xuân, Hà Nội) cho 4 CTCP (do CTCP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 41 làm đại diện) và dự án Thành An Tower 4.182 m2 tại 21 đường Lê Văn Lương cho CTCP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình với lợi nhuận trước thuế lần lượt là 100 và 150 tỷ đồng. Các Công ty nhận chuyển nhượng gọi tắt là Công ty thứ cấp sau đó mặc dù chưa triển khai làm hạ tầng đã ồ ạt huy động vốn từ khách hàng mua nhà. Có khách hàng đã bỏ hàng tỷ đồng để đặt cọc mua căn hộ tại dự án này nhưng đến nay đã hơn 7 năm mà cả hai dự án vẫn chỉ là những bãi đất hoang cỏ mọc um tùm.
Câu hỏi mà dư luận quan tâm là tại sao cả hai dự án dù có vị trí đắc địa (có thể coi là đất “vàng” và được rất nhiều kỳ vọng) nhưng vì sao chủ đầu tư không triển khai mà phải chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp dẫn đến việc dự án bị “treo”, đất vàng bị bỏ hoang trong nhiều năm vô cùng lãng phí lãng phí. Do năng lực của chủ đầu tư hay vì những lý do nào khác? Tổng công ty Thành An chọn các nhà thầu đều “kém năng lực” để “bán lúa non” dự án có là ngẫu nhiên?
Khoản 3, Điều 18 Luật kinh doanh bất động sản năm 2005 có đề cập “Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về đấu thầu. Chủ đầu tư dự án phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án”. Hiện nay để tránh sự chây ỳ, lật lọng của các chủ đầu tư, tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định các chủ đầu tư dự án trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong vụ việc này, các chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm Luật Nhà ở 2005, quy định tại Điều 39: “Chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà – thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng” (Hiện nay được quy định tại điểm b khoản 1 điều 63 Luật nhà ở 2014 và điểm đ khoản 3 Điều 9 Nghị định 71/2010/NĐ-CP), tại thời điểm rao bán căn hộ, các chủ đầu tư chỉ mới tiến hành đóng cọc và làm lễ khởi công.
Trách nhiệm của Tổng Công ty Thành An và các chủ đầu tư thứ cấp đối với khách hàng trong vụ việc này đến đâu? Có ý kiến cho rằng Tổng công ty Thành An vẫn là chủ đầu tư trên danh nghĩa về mặt Pháp luật và vẫn phải có trách nhiệm thanh lý hợp đồng, thu lại và tái khởi động dự án nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng nếu các công ty thứ cấp thiếu năng lực triển khai.
Theo Kinh doanh pháp luật
Ý kiến bạn đọc