(VnMedia) - Tắc đường triền miên nhưng không thể cứ mãi mở thêm đường; cấm xe máy hay ô tô cũng sẽ gặp phản ứng mạnh của người dân, vậy Hà Nội sẽ phải làm gì để giải bài toán giao thông cho tương lai khi mà vấn đề quy hoạch không hợp lý là “chuyện đã rồi”?
Cấm xe máy không hợp lý cũng chẳng hợp tình |
Những ngày này, dư luận người dân Thủ đô đang đặc biệt quan tâm và tranh luận mạnh mẽ về Dự thảo Đề án "Tăng cường Quản lý Phương tiện Giao thông Cá nhân nhằm Giảm ùn tắc Giao thông trên địa bàn Thành phố". Người đi xe máy thì cho rằng, ô tô mới là tội đồ gây nên tắc đường và nếu cấm thì phải cấm ô tô, còn người đi xe con thì lại viện dẫn, chả có nước nào trên thế giới cấm ô tô.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tất cả những ý kiến này hầu như chỉ phản đối mà không đưa ra các giải pháp có tính khả thi. Và như vậy, chúng ta có thể phải chấp nhận tình trạng tắc đường ngày càng trầm trọng hơn, tai nạn giao thông ngày càng nhiều hơn.
Để rộng đường dư luận, VnMedia xin giới thiệu ý kiến của hai vị chuyên gia trong lĩnh vực này.
Không có quốc gia nào đủ đường cho ô tô, xe máy
Trao đổi với VnMedia về vấn đề này, ông Đinh Đăng Hải, cán bộ “Dự án Thành phố Sống Tốt” của tổ chức Health Bridge - cho biết, rất nhiều nghiên cứu, thống kê trên thế giới về giao thông đô thị đã khẳng định rằng: chỉ có ưu tiên phát triển giao thông công cộng, kết hợp với đi bộ, xe đạp mới giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông, an toàn giao thông, và nhiều vấn đề xã hội khác tại các đô thị. “Không có và không thể có giải pháp nào khác thay thế.” - ông Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận rằng, việc thay đổi thói quen đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân chưa bao giờ và không ở đâu là dễ dàng, bất kể là các nước văn minh như châu Âu, Mỹ, Úc, hay ở các nước kém phát triển, kém văn minh hơn như Châu Á hay Phi.
“Chắc chắn là chính quyền phải là người định hướng và đưa ra các chính sách để hỗ trợ, ưu tiên các hình thức đi lại năng động như: đi bộ, xe đạp và phát triển giao thông công cộng” - ông Hải nói.
KTS Đinh Đăng Hải phân tích, nếu vẫn thỏa hiệp, thậm chí vẫn ưu tiên đi lại bằng cơ giới cá nhân và cố gắng tìm những sáng kiến để làm cho việc đi lại bằng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân dễ dàng hơn thì kết quả tất yếu là chúng ta sẽ biến các Thành phố thành bãi đỗ xe. Vô hình chung, chúng ta đã lãng phí không gian sống của chính chúng ta cho khói bụi và xe hơi.
“Chưa một quốc gia nào từng xây dựng đủ đường cho nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, cũng chưa có quốc gia nào từng phát triển cơ giới cá nhân mà giảm được tỉ lệ về thương tật do giao thông gây ra” - vị cán bộ “Dự án Thành phố Sống tốt” nhấn mạnh.
Không có quốc gia nào đủ đường cho ô tô, xe máy |
Không cần cấm, không nên cấm và không được cấm
Cũng là người đặc biệt tâm huyết với vấn đề giao thông Thủ đô, trao đổi với VnMedia, chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang đánh giá, chủ trương cấm xe máy của Sở GTVT là “hoàn toàn không hợp lí, cũng chẳng hợp tình.”
“Người dân có nhiều mục đích di chuyển khác nhau và tùy thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh, mục đích chuyến đi mà họ sẽ chọn loại phương tiện di chuyển phù hợp nhất.” Chuyên gia Quang nêu quan điểm và đưa ra gợi ý một số vấn đề mà Hà Nội cần làm, thay vì “cứ loanh quanh với tư tưởng duy ý chí là cấm…cấm và …cấm.”
Cũng đồng quan điểm với KTS Đinh Đăng Hải, chuyên gia Quang cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án phát triển giao thông công cộng, bởi giao thông công cộng là xương sống cho phát triển đô thị.
“Trong khi nhiều thành thành phố trong khu vực tập trung đầu tư nên chỉ mất 3-5 năm đã xong 1 tuyến thì Hà Nội ì ạch 10 năm vẫn chưa xong. Trong 10 năm đó, đô thị đã phát triển theo chiều hướng khác, không còn hỗ trợ tốt cho tuyến Metro hoặc xe buýt nhanh đang xây dựng. Do vậy, các tuyến Metro và xe buýt nhanh kia chẳng khác nào “gái quá lứa, nhỡ thì”, sẽ rất khó đạt được mục tiêu ban đầu nếu thành phố không khẩn trương đầu tư cơ sở hạ tầng và có chính sách hỗ trợ cho giao thông phi cơ giới.” - chuyên gia Quang khẳng định.
Để khắc phục, chuyên gia Quang cho rằng, Hà Nội cần khẩn trương nghiên cứu, tạo cơ sở hạ tầng và không gian để phát triển giao thông phi cơ giới, sẽ hỗ trợ rất tốt cho giao thông công cộng.
“Một khi giao thông công cộng và giao thông phi cơ giới đã có đủ điều kiện thì các phương tiện giao thông cơ giới sẽ không còn được ưu tiên nữa. Khi đó, không cần cấm, chỉ cần sắp xếp mức độ ưu tiên theo khu vực thì tự khắc người dân sẽ cân nhắc cái nào có lợi cho họ” - ông Quang khẳng định.
Theo quan điểm của vị chuyên gia giao thông này thì thành phố không thể có đủ tiền để mở rộng đường mãi nên người nào muốn dùng xe cơ giới buộc phải chấp nhận việc diện tích đường cho xe cơ giới sẽ bị thu hẹp để dành không gian cho giao thông công cộng và các loại phương tiện phi cơ giới. Bên cạnh đó, cần đảm bảo diện tích chỗ đỗ sẽ ít hơn khi đi vào khu trung tâm, phí đánh thuế mua, sử dụng và dừng, đỗ sẽ tăng cao, vv...
“Lý tưởng nhất là phát triển mạng lưới đường dành riêng cho xe đạp, tách riêng với đường cho xe cơ giới để đảm bảo an toàn” - ông Quang nhấn mạnh.
Cuối cùng, theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Quang thì Hà Nội cần điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng hỗ trợ cho giao thông công cộng và giao thông phi cơ giới theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng), bởi thực tế, việc phát triển đô thị ở Hà Nội cho đến nay đều không theo định hướng phát triển giao thông công cộng, mà theo hướng đô thị của xe máy như trong luận văn tiến sĩ của ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
“Việc sửa chữa là rất khó nên chỉ còn cách khắc phục là phát triển xe đạp và các loại hình giao thông gom khác để hỗ trợ cho giao thông công cộng” - Chuyên gia Nguyễn Ngọc Quang đề xuất.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc