(VnMedia) - Trao đổi với phóng viên VnMedia, ông Bùi Tiến Thành - Phó phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, bước đầu xác định có ba người là bố đẻ, mẹ vợ và vợ của ông Lục Minh Hoàn (Phó Tổng Giám đốc công ty Bic) đăng ký và được chấm điểm mua nhà ở xã hội.
Nhà ở xã hội thuộc dự án Rice City (Linh Đàm, Hà Nội) - ảnh: GĐVN |
Thời gian qua, báo chí đã đưa ra nghi vấn về việc người thân của ông Lục Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc công ty Bic Việt Nam, đã đăng ký mua nhà ở xã hội Rice City không đúng đối tượng nhưng vẫn được chấm điểm đủ điều kiện mua nhà.
Cụ thể, ông Lục Minh Kim là bố đẻ của bà Lục Thị Mai Trang (Tổng Giám đốc) và ông Lục Minh Hoàn (Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bic Việt Nam); bà Hoàng Thị Thanh Vân (vợ ông Lục Minh Hoàn) và bà Nguyễn Thị Vinh (mẹ vợ ông Lục Minh Hoàn) cùng có tên trong danh sách mua nhà ở xã hội thuộc dự án Rice City.
Trao đổi với phóng viên VnMedia, ông Bùi Tiến Thành - Phó phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, khi đơn vị đi kiểm tra, họ (Công ty cổ phần Bic Việt Nam - PV) không cung cấp giấy tờ hồ sơ của các đối tượng nghi vấn do Công ty đã trả lại hồ sơ cho khách hàng khi những người này xin rút khỏi danh sách mua nhà.
“Họ đã nộp hồ sơ đăng ký mua nhà và đã được chấm điểm. Nhưng sau đó, họ không nộp tiền và đề nghị cắt hợp đồng và nên phía Chủ đầu tư đã trả lại hồ sơ cho các đối tượng này rồi. Do đó, Công ty không thể phô tô hồ sơ gửi cho Sở Xây dựng được. Theo quy định, khi người mua nhà không mua tại dự án thì Chủ đầu tư có trách nhiệm trả hồ sơ cho đối tượng được mua để người ta nộp ở dự án khác.” - ông Thành giải thích.
Tuy nhiên, ông Thành cũng thông tin thêm, phía Công ty đã công nhận bà Vân, bà Vinh có liên quan đến ông Hoàn, còn ông Kim là bố của bà Trang. “Mấy người này có liên quan tới Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc” - ông Thành thừa nhận.
- Theo ông, có hay không việc trục lợi chính sách trong việc mua bán nhà ở xã hội?
Việc triển khai mua bán nhà ở xã hội có trình tự thủ tục cụ thể, trước đây được quy định ở Nghị đinh và Thông tư là chủ yếu. Đối với dự án nhà ở xã hội như ở Rice City cũng phải thực hiện theo quy định chung như vậy. Khi lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện ra vi phạm ở mức độ nào thì sẽ bị xử lý ở mức độ đó.
Còn việc mua bán nhà ở xét duyệt các đối tượng chủ yếu trách nhiệm của chủ đầu tư. Từ lúc bắt đầu nhận hồ sơ đến khi xem xét chấm điểm, đối tượng đó có được mua hay không mua, có được ký hợp đồng hay không thì chủ đầu tư quyết. Còn cơ quan quản lý nhà nước như Sở Xây dựng chủ yếu kiểm tra để tránh các đối tượng mua ở hai dự án. Còn tất cả các thủ tục còn lại chủ đầu tư quyết định hết. Còn việc trục lợi hay không trục lợi qua kiểm tra cơ quan chức năng sẽ xác định cụ thể, và chắc chắn không có trục lợi ở đây, nếu có trục lợi ở đây sẽ xử lý vi phạm là điều chắc chắn.
- Doanh nghiệp được hưởng rất nhiều ưu đãi của nhà nước khi thực hiện dự án nhà ở xã hội, nếu Chủ đầu tư sai phạm thì sẽ bị xử lý ra sao, thưa ông?
Trong trường hợp họ vi phạm thì đương nhiên phải xử lý. Ví dụ như không đúng đối tượng thì bị thu hồi. Nhưng chưa kiểm tra thì chưa thể nói được nội dung như thế nào cả.
- Vậy quy trình kiểm tra thì như thế nào, thưa ông?
Theo quy định của Luật Nhà ở thì miễn là đối tượng thuộc diện được mua, chứ không nói là thân nhân hay không thân nhân. Khi xem xét các đối tượng đó thì nếu thuộc đối tượng thu nhập thấp, không có nhà ở, diện tích nhà ở dưới 10 m2/người, người ta thường trú ở Hà Nội là đủ điều kiện đăng ký. Việc xác định người thân trong dự án là khó. Chỉ khi có phản ánh thì chúng tôi đi kiểm tra xem có việc đưa người nhà vào đây để trục lợi hay không. Vì hồ sơ của họ không có cho nên chúng tôi chưa kiểm tra được, chỉ theo báo cáo của Chủ đầu tư thôi.
- Cụ thể với dự án Rice City, mình đã có kết luận chưa, thưa ông?
Hiện nay là chưa vì trong cuộc họp làm việc với Chủ đầu tư đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án nhưng đến ngày 27/7, là cái hạn cuối cùng họ vẫn không cung cấp.
- Vậy mình có biện pháp nào để buộc họ cung cấp hồ sơ?
Trong đó nếu trường hợp họ không cung cấp thì chúng tôi sẽ chủ động báo cáo Thành phố đề nghị cơ quan chức năng đi kiểm tra, thanh tra toàn bộ dự án để xác định cụ thể tất cả các nội dung liên quan.
- Bic là Chủ đầu tư của hàng loạt dự án nhà ở xã hội khác, nếu sắp tới mình xác định họ có sai phạm thì sẽ xử lý thế nào với các dự án này?
Đương nhiên sai thì phải xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện cố tình vi phạm pháp luật thì đương nhiên sẽ kiến nghị UBND Thành phố không giao bên Công ty thực hiện dự án khác.
- Với kinh nghiệm của bản thân trong quá trình kiểm tra, giám sát, ông thấy quy định của pháp luật có sơ hở gì dễ bị lợi dụng để trục lợi trong vấn đề nhà ở xã hội cần phải khắc phục?
Cái này Nhà nước quy định rồi, chúng tôi cứ thực thi thôi. Nhưng khi Bộ Xây dựng rà soát lại, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng để điều chính cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tế.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Ý kiến bạn đọc