(VnMedia)- Một cá thể gấu chó đã bị nuôi nhốt trong suốt bảy năm từ khi là gấu con tại Nam Định đã được Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ và đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.
Ngày 18/8/2016, Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) cứu hộ thành công một cá thể gấu chó do hộ gia đình tự nguyện chuyển giao. Cá thể gấu chó được đặt tên là Annemarie
Cá thể gấu chó được gia đình ông Trần Minh Hiền, ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định viết đơn tự nguyện chuyển giao cho nhà nước, với nguyện vọng mong muốn gấu sẽ được đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Vào năm 2009, do không nắm được luật pháp bảo vệ động vật hoang dã, cụ thân sinh ra ông Hiền (đã mất) đã mua từ một người không rõ danh tính từ khi gấu mới chỉ nặng có 1 kg để làm vật nuôi cảnh từ đó đến nay. Cá thể gấu này không có chip điện tử.
Các quy định bảo vệ loài gấu hiện hành nêu rõ "Nuôi gấu không có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử hoặc nuôi gấu, không có nguồn gốc hợp pháp" là vi phạm pháp luật". Nhưng trong trường hợp này, quyết định tự nguyện bàn giao gấu là đáng hoan nghênh và cần được khuyến khích, bởi thay vì bán hoặc giết để tận dụng các bộ phận của gấu, thì gia đình chủ nuôi đã có quyết định đúng đắn, và nhân đạo.
Đầu tháng 8/2016, nhận được thông báo của Trung tâm ENV, Tổ chức Động vật Châu Á đã nhanh chóng cử cán bộ xuống xác minh thông tin, cùng với cán bộ kiểm lâm Nam Định hướng dẫn gia đình chủ nuôi viết đơn và hoàn thiện các thủ tục để chuyển giao gấu, và chủ động lên kế hoạch cứu hộ gấu đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, tại vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Gấu chó Annemarie là gấu cái, nặng khoảng 50 kg, tương đối khỏe mạnh. Do nuôi nhốt trong chuồng cũi chật hẹp quá lâu, nên chú gấu chó này có các biểu hiện lặp đi lặp lại (đặc trưng của động vật bị nuôi nhốt), và khá hung dữ, một phần do có quá đông người đến địa điểm cứu hộ vì tò mò. Để đưa được gấu ra ngoài, các chuyên gia thú y của Tổ chức đã gây mê và tiến hành khám lâm sàng. Kết quả ban đầu cho thấy
Bác sỹ thú y của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam Weng Yan Nash , người trực tiếp khám sức khỏe cho gấu chó Annemarie nhận định: Gấu chó Annemarie có tương đối khỏe mạnh, không thấy có biểu hiện bất thường trong ổ bụng, răng tốt. Duy chỉ có vấn đề về khớp do không được vận động nhiều trong môi trường nuôi nhốt.
Pgs, Ts. Tuấn Bendixsen – Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam chia sẻ trên hành trình cứu hộ: “Gấu chó Annemarie sẽ được tận hưởng cả quãng đời còn lại bình yên tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam vì gấu mới có 6 tuổi (trong tự nhiên tuổi thọ của gấu là từ 30-35 năm). Tuy nhiên, những cá thể gấu đã bị nuôi nhốt quá lâu, chịu đựng thương tổn nhất định và điều kiện chăm sóc chuồng trại hạn chế, sẽ phải mất thời gian mới hòa nhập được với môi trường bán tự nhiên cùng các cá thể khác. Chúng tôi cũng vui mừng thông báo, đây là cá thể gấu thứ ba được Tổ chức cứu hộ trong năm nay, và điều đặc biệt là cả ba trường hợp đều do các chủ nuôi tự nguyện chuyển giao cho nhà nước."
Khi Tổ chức hỏi ông Trần Minh Hiền - chủ của cá thể gấu lý do để ông chuyển giao gấu lại cho nhà nước là gì, ông đã chia sẻ: " Việc nuôi gấu và chăm sóc gấu tốt, cũng như không xâm hại nó là nguyện vọng của cha tôi lúc còn sống. Dù có được trả nhiều tiền, chúng tôi cũng không bán, mà trả lại cho nhà nước, vì đó là điều đúng đắn nhất nên làm với con gấu".
Tính đến nay, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ thành công 164 cá thể gấu, trong đó hiện có 150 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng, và sống ngoài các khu bán tự nhiên của Trung tâm. Tính cả Annemarie, hiện có 10 cá thể gấu chó và 140 cá thể gấu ngựa đang sống ở Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.
Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam nuôi dưỡng 10 cá thể gấu chó, được đặt tên là Lamma, David, Nelson, Grier, Dorle, Sassy, Layla, Goldie, Murphy, và Annemarie. |
Quá trình cứu hộ được thực hiện trong ngày do khoảng cách giữa Vườn quốc gia Tam Đảo và Nam Định chỉ chưa đầy 200 km. Gấu sẽ được vận chuyển về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam bằng xe tải, và bắt đầu quá trình cách ly 45 ngày để đảm bảo không có bệnh truyền nhiễm, sau đó sẽ được ghép nhóm, dần dần được đưa ra các khu bán tự nhiên rộng gần 3000 m2.
Do bị thu hẹp môi trường sống (sự biến mất dần của các cánh rừng tự nhiên), và nạn săn bắt gấu tự nhiên đưa vào các trại gấu để trích hút mật, số lượng gấu ngoài tự nhiên ước tính chỉ còn vài trăm cá thể. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam vào đầu năm 2015, chỉ còn khoảng 1.245 cá thể gấu ngựa đang bị giam cầm trong 430 trại nuôi nhốt gấu trên cả nước. Tại các trại gấu, chúng bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật. Chúng bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên.
Ngoài tự nhiên, loài gấu có thể sống được 30-35 năm, chú gấu may mắn này có thể được sống phần đời còn lại trong an toàn và tự do. Tổ chức Động vật Châu Á cam kết chăm sóc trọn đời cho gấu.
Tổ chức Động vật Châu Á là một tổ chức từ thiện quốc tế hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và vận hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Sứ mệnh quan trọng nhất của Tổ chức là cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp, và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên.
Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) đã bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam cách đây 8 năm, và đưa các chú gấu cứu hộ về sống trong Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, Tổ chức đã cứu hộ được 165 cá thể gấu (cả gấu chó và gấu ngựa), trong đó có 150 cá thể đang sống trong môi trường bán tự nhiên xanh mướt tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tại đây, gấu được chăm sóc phục hồi sức khỏe, được tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn, để dần khôi phục lại bản năng tự nhiên của chúng.
Về phương diện thúc đẩy thực thi pháp luật, Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với các cơ quan chức năng, với ngành Kiểm lâm để cứu hộ gấu, tuyên truyền pháp luật bảo vệ loài gấu. Về phương diện tìm kiếm giải pháp giảm nhu cầu mật gấu, Tổ chức phối hợp cùng các thầy thuốc đông y của Trung Ương hội Đông Y Việt Nam giới thiệu và phổ biến các cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu. Về phương diện giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ gấu, Tổ chức thường xuyên có các chương trình tuyên truyền tới các trường học để giúp học sinh hiểu rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ loài gấu và các loài động vật. Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam của Tổ chức cũng chào đón học sinh và các khách tham quan tìm hiểu về thực trạng cuả loài gấu cũng như thăm các chú gấu vui đùa tại các khu bán tự nhiên.
Xa Giang
Ý kiến bạn đọc