(VnMedia) - Nhiều năm nay, hàng chục người dân xã Bình Yên, huyện Thạch Thất (Hà Nội) vô cùng bức xúc khi phát hiện nhiều điểm bất minh trong việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án 52,7 ha - khu tái định cư dự án công nghệ cao Láng Hòa Lạc.
Dự án 52,7 ha xã Bình Yên, huyện Thạch Thất đang được triển khai dở dang do chưa giải phóng được mặt bằng |
Khu đất 52,7 ha tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất được Nhà nước thu hồi để phục vụ việc tái định cư cho một số đơn vị quân đội bị mất đất cho dự án khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc.
Việc triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được huyện Thạch Thất thực hiện từ năm 2012. Trong đó, 130 hộ gia đình mất đất, đất thu hồi chủ yếu đất nông nghiệp, đất khoán 10 và đất khai hoang. Theo quy định, các hộ dân mất đất khoán sẽ được bồi thường 630 nghìn đồng/m2 (chia theo lao động); đất khai hoang bồi thường 105 nghìn đồng/m2.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân xã Bình Yên, việc bồi thường có nhiều khuất tất. Cụ thể, nhiều hộ dân không có đất giao khoán nhưng vẫn được trưởng thôn, chủ tịch xã Yên Bình lập hồ sơ khống để nhận tiền đền bù hàng trăm triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, có nhiều hộ mất đất khai hoang nhưng lại được nhận đền bù là đất giao khoán và được hưởng mức đền bù cao 5 lần. Điều bất thường, những người nhận đền bù này đều là bố mẹ, anh em, họ hàng của trưởng, phó thôn Thái Bình.
Ông Trần Đức Liên (xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội )- một trong những người mất đất tại dự án 52,7 ha tại xã Bình Yên cho biết, khi đến nhận tiền đền bù, ông mới ngỡ ngàng phát hiện hơn 1.000 mét đất nông nghiệp của gia đình ông đã không được đền bù với lý do vượt hạn mức. Bức xúc đi khắp nơi tìm hiểu, ông mới bất ngờ phát hiện, số đất trên của ông đã được 2 người không liên quan đứng tên, tạo lập hồ sơ để lấy tiền đền bù .
“Tôi có tất cả 1.000 m2, nhưng đền bù xã mới trả cho tôi được 424m2. Số đất còn lại hơn 500m2, chính quyền không trả tiền bồi thường cho tôi mà lại cho người khác đứng tên để nhận tiền. Do vậy, tôi rất nghi ngờ chính quyền xã đã lập hồ sơ khống để cho họ lấy tiền đền bù. Chúng tôi đề nghị công an phải điều tra làm rõ vụ việc này để trả lại công bằng cho người dân mất đất”- ông Liên nói.
5 năm nay, bà con xã Yên Bình đã đi khiếu nại nhiều cấp xong sự việc chưa được giải quyết |
Còn gia đình bà Tăng Thị Đông (xã Bình Yên) có hơn 900 m2 đất (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu) tuy nhiên khi đối chiếu phương án đền bù, gia đình chị đã bị mất 240 m2 trên thửa đất 28, tờ bản đồ 13. Điều lạ, phần diện tích đất bị mất này lại đứng tên ông Võ Quang Anh (Hà Nội) và ông Quang Anh đã lấy hết toàn bộ tiền đền bù. Quá bức xúc, bà Công đã gửi đơn khiếu nại lên UBND huyện Thạch Thất. Tuy nhiên, chính quyền không có câu trả lời thỏa đáng.
Cũng trong tình trạng tương tự, bà Hoàng Thị Quế (xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội) cũng bức xúc đi tìm hiểu và phát hiện, nhiều người trong thôn không hề mất đất cho dự án nhưng lại có tên trong danh sách nhận đền bù, thậm chí nhận số tiền rất lớn từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Trong đó, một người em ruột của bà đã được 1 người thuê đứng tên lấy tiền hộ. “Sau khi phát hiện em ruột tôi không có đất nhưng lại có quyết định thu hồi đất hợp pháp, tôi có hỏi em tôi thì nó nói là nó chỉ nhận đền bù hộ cho người ta và được trả công là 50 triệu đồng” – bà Quế nói.
Ông Nguyễn Đình Lãng (xã Bình Yên) kể lại, nghe lời dụ dỗ của ông Nguyễn Văn Ngọt – trưởng thôn, mẹ ông Lãng đã đứng ra nhận bồi thường hộ cho 1 gia đình khác trong thôn. Gia đình này có đất giao khoán với diện tích rộng nhưng lại thiếu lao động. Vì vậy, họ mượn danh mẹ anh để đủ điều kiện nhận tiền đền bù gần 1 tỷ đồng. Theo giải thích của ông Lãng, theo quy định 1 lao động được chia 424m2 đất khoán, nếu nhân với số tiền 630 nghìn/m2, họ sẽ nhận thêm hơn 200 triệu đồng/lao động. Do vậy, trưởng thôn, lãnh đạo xã câu kết với một số gia đình đi mượn lao động để được hưởng bồi thường. Sau khi nhận bồi thường, họ trả cho mẹ anh 100 triệu đồng tiền công.
Theo tìm hiểu của PV, tại xã Bình Yên có đến hàng chục hộ dân bị rơi vào các trường hợp tương tự như các gia đình trên.
Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Bình Yên vẫn cho rằng, mình làm đúng quy trình. Theo khẳng định của ông Nguyễn Văn Ý - Phó chủ tịch UBND xã Bình Yên, không bao giờ có chuyện người không có đất lại có tên để nhận bồi thường. Điều đáng nói, ông Ý chính là người đã từng tham gia trong ban giải phóng mặt bằng, là người trực tiếp đo đạc, kiểm đến đất đai và thụ lý đơn thư của bà con xã Bình Yên nhưng khi được hỏi về chính sách, mức giá bồi thường, ông Ý trả lời không nhớ.
Chiều 10/8, trao đổi với PV ông Cấn Văn Lai - Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh của PV, ông sẽ chỉ đạo phòng ban chức năng kiểm tra lại các trường hợp và sẽ báo cáo lại sau.
Bài 2: Lãnh đạo xã Bình Yên ngang nhiên giữ sổ đỏ của người dân 12 năm
Khánh An
Ý kiến bạn đọc