Hà Nội công bố lộ trình tăng học phí: Sẽ thu học phí đại học bằng mức trần!

06:29, 10/08/2016
|

(VnMedia) - Theo lộ trình, đến năm học 2020 - 2021, mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định của Chính phủ đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% mức cao  nhất trong khung quy định đối với vùng miền núi. Với cấp đào tạo đại học, sẽ thu học phí bằng mức trần.

Chiều 9/8, tại buổi Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố lộ trình tăng học phí từ nay đến năm 2021.

Nguyên tắc thu học phí của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là mức thu phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đồng thời phải nằm trong khung, lộ trình tính giá dịch vụ công của Chính phủ.

Cụ thể, đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập, năm học 2016 - 2017, số tiền học phí sẽ tăng so với năm học trước là 20.000 đồng đối với vùng thành thị (từ 60.000 lên 80.000 đồng); tăng 10.000 đồng đối với vùng nông thôn (từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng); tăng 2.000 đồng đối với vùng miền núi (từ 8.000đồng  lên 10.000 đồng).

Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo (chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 tăng bình quân 0,63%). Căn cứ khung học phí quy định, HĐND cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn.

Theo lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mức thu học phí hiện nay của Hà Nội đang ở mức thấp nhất trong khung học phí quy định của Chính phủ. Các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chỉ thực hiện cải cách tiền lương.

“Như vậy, 60% kinh phí còn lại được phục vụ giảng dạy và học tập, điều này sẽ hạn chế về nguồn lực hỗ trợ các cơ sở giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo" - Phó Giám đốc sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang đánh giá.

Ông Quang cũng nhấn mạnh thêm, mặc dù Hà Nội có điều kiện thuận lợi trong việc huy động sự đóng góp của người dân để đầu tư cho giáo dục, tuy nhiên, hiện nay mức thu học phí của Hà Nội ở mức thấp so với mức thu của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nên chưa huy động được nguồn lực từ đóng góp của người dân cho giáo dục.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số đối tượng miễn học phí là khoảng 11.800 người, trong đó số đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp được miễn học phí là 11.444 người. Số đối tượng được giảm học phí là 409 người. Số tiền thực hiện chế độ miễn giảm  năm học 2015 - 2016 là 12,693 tỷ đồng.
Tăng học phí
Mức tăng học phí ở Hà Nội đang thấp hơn mức trần - ảnh minh họa

Năm học 2020 - 2021, mức thu học phí Đại học bằng mức trần

Đối với giáo dục Đại học, giáo dục Nghề nghiệp công lập, ông Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, mức thu của các đơn vị theo từng ngành nghề đào tạo cũng đang thấp hơn mức trần Nghị định 86 của Chính phủ.

“Năm học 2015-2016, tổng số thu từ học phí khoảng 81,57 tỷ đồng, trong khi kinh phí ngân sách cấp chi thường xuyên khoảng 222,892 tỷ đồng (không bao gồm đào tạo sư phạm). Như vậy, tổng số thu học phí chiếm khoảng 26% tổng chi phí đào tạo, bao gồm cả chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp” - Phó Giám đốc sở Lê Ngọc Quang thông tin.

Ông Quang cũng thông tin, mức thu học phí đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập do các đơn vị tự xây dựng nên dẫn đến tình trạng cùng một chuyên ngành đào tạo, nhưng mức thu học phí có sự khác nhau, thậm chí chênh lệch khá lớn giữa các trường cùng chuyên ngành đào tạo. Cùng với đó là sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các trường, không tạo động lực để các trường nâng cao chất lượng.

Lãnh đạo sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng cho rằng, do học phí duy trì ở mức thấp dẫn đến các cơ sở giáo dục không đủ nguồn tài chính để bù đắp chi phí đào tạo, tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo. Học phí thấp cũng là nguyên nhân khiến hầu hết các cơ sở giáo dục đều trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, chưa thực sự quyết liệt trong triển khai lộ trình chuyển đổi sang mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính theo lộ trình của Trung ương.

Trong đợt tăng học phí này, đối với 22 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập, Thành phố đề xuất mức thu học phí tăng dần theo lộ trình, chậm nhất đến năm học 2020 - 2021, mức thu bằng mức trần đối với các đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ.

“Như vậy, mỗi đơn vị sẽ có lộ trình tăng mức thu học phí khác nhau, trong đó, từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2019 - 2020, một số trường có cùng chuyên ngành, cùng loại hình đào tạo nhưng sẽ có mức thu học phí khác nhau; đến năm học 2020 - 2021, tất cả các trường có cùng chuyên ngành đào tạo sẽ có mức học phí bằng nhau và bằng mức trần theo quy định của Chính phủ” - ông Quang cho biết.

Riêng đối với trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long và Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội, là hai đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản cho phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp nhưng không vượt quá mức trần.

Số đối tượng miễn học phí là khoảng 11.800 người, trong đó số đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp được miễn học phí là 11.444 người. Số đối tượng được giảm học phí là 409 người. Số tiền thực hiện chế độ miễn giảm  năm học 2015 - 2016 là 12,693 tỷ đồng.

 


Ý kiến bạn đọc