Hai tuần thực hiện Nghị định 46: CSGT Hà Nội xử phạt 25.261 trường hợp

15:28, 23/08/2016
|

(VnMedia)- Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP. Hà Nội cho biết, trong 2 tuần thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP Phòng PC67 Công an thành phố Hà Nội đã xử phạt: 25.261 trường hợp; phạt thành tiền: 6.117.545.000 đồng.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ 1/8/2016. Trong đó, rất nhiều hành vi vi phạm giao thông bị tăng mức xử phạt. Khi Nghị định 46/2016 được đưa vào thực thi có rất nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao thu nhập bình quân của người dân còn thấp, nhưng Nghị định 46 lại đề ra mức phạt nặng như vậy?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, trong phần trả lời báo chí về những thắc mắc xung quanh Nghị định 46/2016, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt, Công an TP. Hà Nội cho biết, việc xây dựng Nghị định 46 đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan nghiên cứu, khảo sát, trưng cầu dân ý rộng rãi, kỹ lưỡng trước khi ban hành, trên tinh thần xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông và ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng đường bộ để đủ sức răn đe, giáo dục chung. Qua theo dõi, kể từ khi Nghị định số 46 có hiệu lực thi hành nhìn chung tình hình trật tự, ATGT đã ổn định hơn, TNGT giảm trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, đối với các hành vi vi phạm khác về cơ bản Nghị định vẫn giữ nguyên chế tài xử phạt như các Nghị định trước đây.

Tính đến thời điểm này, sau 3 tuần triển khai, theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Tính khả thi và hiệu quả của Nghị định 46/2016/NĐ-CP thể hiện: Nghị định đã khắc phục được các nhược điểm, tồn tại, hạn chế của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và các cơ sở pháp lý phục vụ công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt nói riêng. Theo đó, tất cả mọi hành vi gây nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đều bị xem xét, xử lý nghiêm theo Nghị định, góp phần ổn định tình hình TT,ATGT, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số quần chúng nhân dân.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ra đời là phù hợp với tình hình, nhiệm vụ đảm bảo giao thông trong tình hình hiện nay. Các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã được quy định bổ sung và nâng cao mức phạt tiền, kéo dài thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe; đảm bảo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, tính răn đe đối với người vi phạm và tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Một số hành vi vi phạm, đã được nghị định quy định, mô tả cụ thể, rõ ràng, hạn chế được các vấn đề còn gây tranh cãi do có cách hiểu, vận dụng khác nhau giữa các lực lượng thực thi công vụ và người tham gia giao thông. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và cách vận dụng thống nhất đối với các lực lượng có chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên toàn quốc nói chung và lực lượng CSGT Công an Thủ đô nói riêng.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, hiện Nghị định 46/2016 mới đưa vào triển khai, thực hiện, trong thời gian tới lực lượng CSGT Hà Nội sẽ sơ kết, đánh giá những thuận lợi, ưu điểm cũng như các tồn tại, hạn chế, tập hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trực tiếp về giao thông đường bộ. Nếu có các vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh chúng tôi sẽ báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền để quy định, bổ sung cho phù hợp với đặc thù tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Theo số liệu cập nhật trong 2 tuần thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP Phòng PC67 Công an thành phố Hà Nội đã xử phạt: 25.261 trường hợp; phạt thành tiền: 6.117.545.000 đồng; tạm giữ: 32 xe ô tô, 606 xe mô tô; tạm giữ: 6.714 bộ giấy tờ; tước GPLX: 1.026 trường hợp. Các hành vi vi phạm đặc trưng: Không chấp hành tín hiệu đèn giao thông: 465 trường hợp; Chạy quá tốc độ quy định: 223 trường hợp; Dừng đỗ sai quy định: 2.238 trường hợp; Không đội mũ bảo hiểm: 17.084 trường hợp; Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông: 28 trường hợp; Chở quá trọng tải cho phép: 31 trường hợp… 

 

 

 

 

 

 

An Khanh


Ý kiến bạn đọc