(VnMedia) - Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố cần phối hợp với các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tuyên truyền với khẩu hiệu: “Tích cực hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.
Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn số 2537 gửi Sở thông tin và Truyền thông các tỉnh, Thành phố Trực thuộc Trung ương và các cơ quan báo chí đề nghị về việc triển khai các hoạt động tuyên truyền “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”.
Theo Công văn này, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 793/QĐ-TTg về Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, để triển khai các hoạt động tuyên truyền về ‘Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7’, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị:
Đối với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố: Phối hợp với các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tuyên truyền với khẩu hiệu: “Tích cực hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”; “Chung tay phòng, chống mua bán người”, sâu rộng đến từng địa bàn cơ sở, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, chú trọng tuyên truyền các dấu hiệu vi phạm, hình thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, các phương thức phòng, chống tội phạm mua bán người, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Ảnh minh họa |
Tổ chức và chỉ đạo các Phòng Văn hóa – Thông tin, các Đài Truyền thanh cấp huyện đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền; đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền ở các địa phương giáp biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Đối với các cơ quan thông tấn báo chí:
Công văn của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, các cơ quan báo chí cần xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phim, phóng sự, phim tài liệu, đăng phát các thông điệp phòng, chống mua bán người… và tăng thời lượng, tần suất thông tin về phòng, chống mua bán người thường xuyên, liên tục.
Phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách mới trong công tác phòng, chống mua bán người đến từng địa bàn cơ sở; các cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Chú trọng tuyên truyền về các hành vi vi phạm, hình thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, các phương thức phòng, chống tội phạm mua bán người, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ di động và internet:
Truyền tải các thông điệp, thông tin về phòng, chống mua bán người bằng nhiều hình thức khác nhau; kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hoạt động mua bán người trái phép trên mạng internet và mạng xã hội.
Đây là năm đầu tiên toàn dân triển khai “Ngày phòng chống mua, bán người - 30/7” vì vậy cần tăng công tác tuyên truyền với phương châm hướng tuyên truyền để gia đình, quần chúng nhân dân, nhất là đối với thanh niên, thiếu niên. Đặc biệt phụ nữ và trẻ em, các đối tượng có nguy cơ cao hiểu rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống mua bán người.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc