(VnMedia) - Việt Nam là một quốc gia nhỏ, quy mô nền kinh tế nhỏ và cần vay nợ để phát triển nhưng Quốc hội sẽ kiểm soát để đảm bảo Việt Nam không dẫm lên vết xe đổ của những quốc gia đi trước ở Châu Âu, Châu Mỹ...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Vay phải đảm bảo trả nợ được mới là an toàn |
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về vấn đề nợ công tại cuộc gặp mặt báo chí sáng 23/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định “Quốc hội đang kiểm sát rất chặt chẽ vấn đề nợ công”.
Chủ tịch Quốc hội nói:
Trong vấn đề nợ công có trách nhiệm của Quốc hội bởi việc quyết định bội chi hàng năm bao nhiêu, phát hành trái phiếu bao nhiêu đều có Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, trong việc thi hành thì cơ quan chấp hành của Quốc hội là Chính phủ thực hiện trong điều hành. Nếu như trước đây Nghị quyết của Quốc hội là nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% thì đến cuối năm 2013, nợ công vẫn giữ dưới 50% nhưng nợ Chính phủ đã vượt 0,3%.
Quốc hội đã quyết tâm khóa này phải kiểm soát chặt chẽ nợ công, và không chỉ kiểm soát mà phải xác định lại cách tính nợ công cho đúng để đảm bảo sự an toàn.
Người ta nợ đến 200% không sao, nhưng Việt Nam nợ 65% thì có an toàn không? Chúng tôi đã yêu cầu Chính phủ nhiều lần, trong báo cáo kinh tế xã hội gắn với báo cáo nợ công và báo cáo nợ công riêng để Quốc hội thảo luận. Hiện nay nợ công vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng Quốc hội quan tâm đến việc an toàn theo nghĩa là đã vay thì đến hạn phải trả cho được, vay để làm gì và làm có hiệu quả không. Đó mới là nợ công an toàn.
Vay mà chúng ta đầu tư đúng mục đích, hiệu quả thì cái vay đó là rất cần thiết. Vay phải trong mức nền kinh tế tài chính nhà nước chịu được, không vỡ nợ.
Hiện nay nợ công đang có vấn đề, ở mức kiểm soát nhưng đến thời hạn trả nợ thì chúng ta khó khăn, chưa có nguồn lực để cân đối, đã có hiện tượng vay mới để đáo hạn. Tuy nhiên, tất cả các khoản vay của Chính phủ thì chúng tôi đã có điều chỉnh, thay đổi cơ cấu nợ trong nước – nước ngoài, thay đổi cơ cấu vay ngắn hạn sang dài hạn và trung hạn. Xu hướng này đang diễn ra tốt và Quốc hội sẽ kiểm soát để đảm bảo Việt Nam không dẫm lên vết xe đổ của những quốc gia đi trước ở Châu Âu, Châu Mỹ dù chúng ta là nền kinh tế còn nhỏ, ngân sách nhỏ, cần vay để phát triển.
Trong thẩm tra các báo cáo kinh tế tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, và khi báo cáo tại Quốc hội là phải kiểm soát nợ công, nhất định không để tỷ lệ bội chi tăng lên mà sẽ dần dần kéo xuống – điều mà khóa trước đã cố gắng nhưng không được.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc