(VnMedia) - Liên quan đến vụ nữ giám thị bị lái xe taxi Mai Linh sát hại và cướp tài sản, luật sư cho biết: hung thủ đã phạm 2 tội đặc biệt nghiêm trọng là Tội Giết người và Cướp tài sản, có khung hình phạt cao nhất là Tử hình.
Khu vực nơi nghi phạm vứt xác phi tang thuộc một cánh đồng hoang vắng. Ảnh: Lao động |
Trước đó, vào sáng 4/7/2016, một số cán bộ coi thi của ĐH Sư phạm Huế gọi điện, nhắn tin cho Phạm Thị Oanh (23 tuổi, công tác tại Đại học Sư phạm Huế, ra Hà Tĩnh coi thi THPT quốc gia) để về nhưng không liên lạc được. Đến chiều tối, không thấy tin tức gì, nên nhà trường đã trình báo với cơ quan Công an TP Hà Tĩnh.
Nhận được tin báo, Công an TP phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan vào cuộc điều tra. Rạng sáng 5/7, Công an đã khoanh vùng, xác định được nghi phạm điều khiển xe taxi chở giám thị Oanh đi lễ và mất liên lạc sau đó.
Cơ quan điều tra đã tiến hành triệu tập Nguyễn Văn Tiến (26 tuổi, trú tại khối phố Tân Tiến, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh). Tiến là lái xe taxi mang biển kiểm soát 38A -11091 của hãng taxi Mai Linh, chiếc xe đã chở nữ giám thị.
Tại cơ quan điều tra, nghi phạm Nguyễn Văn Tiến khai nhận, chiều tối 3/7, anh ta đón chị Oanh trước khu vực khách sạn SaiLing về đi lễ ở nhà thờ An Nhiên. Sau lễ, Tiến quay lại đón nữ khách và chở xuống nhà một người học trò gần đó.
Trên đường về, nam tài xế nảy sinh ý định giết người, cướp tài sản nên cho xe chạy lòng vòng trên địa bàn xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh). Khi đi trên đoạn đường Huy Lung, phía sau UBND xã Thạch Trung, Tiến chốt cửa xe và dùng tay bóp cổ chị Oanh.
Sau đó, nghi phạm này lục lấy trong người nạn nhân 250.000 đồng và chiếc điện thoại. Gây án xong, nghi phạm điều khiển taxi chở xác nạn nhân đến cầu Sú (thuộc khối 1, thị trấn Cày) vứt xuống dưới, sau đó tiếp tục ra đường đê Cầu Cày để vứt một số giấy tờ liên quan nhằm xóa dấu vết, rồi điều khiển xe taxi rời khỏi hiện trường.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của Pháp luật.
Hành vi phạm tội của đối tượng Nguyễn Văn Tiến gây ra vụ việc là đặc biệt nghiêm trọng không những xâm mạng đến tính mạng của con người mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.
Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội vô cùng tàn bạo, dã man, lợi dụng công việc lái taxi chở khách đã thực hiện hành vi phạm tội giết nữ giám thị để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản gây hoang mang căm phẫn trong xã hội và làm giảm uy tín của những người lái xe taxi chân chính ngày đêm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Sau khi giết người chiếm đoạt tài sản, đối tượng đã vứt xác nạn nhân phi tang nhằm mục đích che dấu tội phạm. Hành vi của các đối tượng phạm tội thể hiện đã không còn tính người.
Dư luận cả nước đã rất căm phẫn trước hành vi của đối tượng gây ra và mong chờ một hình phạt nghiêm khắc nhất nhằm mục đích trừng trị đối tượng và răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung đối với những ai đang có ý định phạm tội.
Theo luật sư Thơm, trong khoảng một thời gian ngắn, đối tượng đã phạm 2 tội đặc biệt nghiêm trọng được qui định tại Bộ luật hình sự đó là Tội Giết người và Cướp tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm g khoản 1 Điều 93 BLHS và Điều 133 BLHS, có khung hình phạt cao nhất là Tử hình.
Cũng theo luật sư Thơm, qua diễn biến sự việc và qua lời khai ban đầu của đối tượng, không loại trừ khả năng đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với mục đích ban đầu là có thể xâm hại nhân phẩm nạn nhân. Đối tượng lợi dụng đêm tối chở nữ sinh một mình trên xe taxi đã nảy sinh ý định xâm hại nhưng do bị nữ sinh chống cự, phản kháng nên đã dùng tay bóp cổ chị Oanh chết. Do lo sợ bị phát hiện, đối tượng đã che dấu hành vi phạm tội bằng cách lấy tài sản và vứt xác nạn nhân xuống sông nhằm trốn tránh pháp luật.
Như vậy, cơ quan điều tra cần phải xem xét các khả năng xảy ra trong quá trình phạm tội của đối tượng để xác định bản chất hành vi phạm tội làm căn cứ xử lý theo đúng qui định của pháp luật. Nếu có căn cứ xác định đối tượng có hành vi dùng vũ lực nhằm mục đích xâm hại, dù chưa thực hiện được đến cùng thì cũng có dấu hiệu phạm Tội hiếp dâm. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 111 Bộ luật hình sự.
Tội hiếp dâm là loại tội phạm có cấu thành hình thức. Người phạm tội chỉ cần có hành vi dùng vũ lưc, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác mà có mục đích giao cấu trái ý muốn của người khác cũng thỏa mãn dấu hiệu tội phạm.
Điều 93. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Điều 133. Tội cướp tài sản 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. |
Ý kiến bạn đọc