(VnMedia) – 808 sản phẩm bao gồm thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản của 72 doanh nghiệp đã được bí mật đóng dấu kiểm định “khống” tại văn phòng của Tổng cục thủy sản.
Hành trình đóng dấu chứng nhận “khống” được làm như thế nào?
Theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (gọi tắt Trung tâm) – trực thuộc Tổng cục Thủy sản chấp nhận chất lượng và phải được Tổng cục thủy sản cấp phép cho lưu hành.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm này thì để có được tấm "lệnh bài" này không hề khó.
Chỉ cần cắt ghép, đưa danh sách các sản phẩm không đủ chất lượng vào các phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành là xong.
Bằng chứng, chỉ với 3 bản phụ lục được ký khống, hơn 2 năm nay, 808 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản đã vô tư lưu hành trên thị trường mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện. Đây được xem là một trong những vụ bê bối lớn tại Tổng Cục thủy sản trong thời gian gần đây.
Trụ sở Tổng Cục thủy sản - Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn |
Theo tìm hiểu của PV, vụ bê bối trên đã được Lãnh đạo Tổng cục thủy sản xác minh điều tra. Bản kết luận của đoàn kiểm tra chỉ rõ: Từ đầu năm 2013, ông Bùi Đức Quý là giám đốc Trung tâm đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là phó phòng hành chính– Tổng Cục thủy sản) cắt ghép danh sách để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành. Sau đó, bà Hà là người tổng hợp và lấy chữ ký lãnh đạo. Và sau đó, Tuấn Anh là người cho số công văn và đóng dấu
. Các đối tượng sau khi "chế" xong các bản phụ lục này đã nhận nhiều trăm triệu đồng tiền “cám ơn” của các doanh nghiệp.
Theo xác minh, các đối tượng trên đã làm “khống” 3 văn bản của Tổng Cục (văn bản số 758, 1526, 1789) trong đó cấp phép cho lưu hành 140 sản phẩm là thức ăn chăn nuôi và 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường thủy sản vào lưu hành trái quy định của pháp luật.
Để làm được điều này, các đối tượng trên đã thực hiện việc ghép thêm danh mục sản phẩm vào phụ lục của 3 công văn trên. Sau đó, đưa cho ông Bùi Đức Quý ký nháy vào từng trang phụ lục đã bị cắt ghép. Khi có được chữ ký của ông Quý, các đối tượng đã liên hệ với ông Lê Tuấn Anh để đóng dấu, phát hành các công văn này.
Tài liệu thu thấp cho thấy, công văn 758/TCTS-TTKN ban hành ngày 1/4/2013 đã được ban hành 2 bản cùng 1 số công văn, cùng ngày trích yếu văn bản. Tuy nhiên, phần phụ lục của hai công văn lại khác nhau. Bản gốc của công văn được lưu tại văn phòng Tổng cục với phụ lục kèm theo chỉ có 30 sản phẩm. Trong khi, bản chính được phát hành lại có 194 sản phẩm.
Công văn 152/TCTS-TTKN ngày
16/6/2013 cũng có 2 văn bản cùng một số công văn, cùng 1 ngày phát hành. Tuy nhiên, phần phụ lục của hai công văn này lại khác nhau. Bản gốc của công văn lưu tại Tổng cục có phụ lục kèm theo 42 sản phẩm. Trong khi đó, bản chính được phát hành lại có 172 sản phẩm. Như vậy, đã có 130 sản phẩm được ghép thêm. Thời điểm ghép vào tháng 6/2014.
Còn tại văn bản 1789/TCTS- VP ngày
10/7/2013, cũng có 2 văn bản cùng số, cùng ngày trích yếu. Tuy nhiên, phần phụ lục của văn bản gốc có 19 sản phẩm. Trong khi đó, bản chính lưu hành có 190 sản phẩm. Các đối tượng đã ghép thêm 171 sản phẩm vào phụ lục từ tháng 6/2014.
Theo kết luận của đoàn xác minh, các đối tượng trên đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện thay đổi phụ lục vào các văn bản đã được ban hành trước đó để đưa các sản phẩm thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường vào lưu hành không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, các đối tượng còn sử dụng con dấu, làm văn bản và phát hành văn bản để đưa các sản phẩm này vào lưu hành sai quy định.
Sự việc xảy ra là do có sự buông lỏng quản lý tại Trung tâm dẫn đến việc nhiều viên chức tại trung tâm đã trực tiếp liên hệ và qua trung gian nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Thực hiện viết hồ sơ sản phẩm giúp doanh nghiệp đăng ký lưu hành sản phẩm.
Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu đây có phải là một đường dây chuyên “chạy” giấy phép lưu hành sản phẩm? Đường dây này đã tồn tại bao lâu mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không hề hay biết? Điều đáng nói, không biết đã có bao nhiêu người dân đang nuôi trồng thủy sản đã mua bản những sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành? Thiệt hại kinh tế của người dân chắc chắn là rất lớn.
Được biết, sau khi vụ việc vỡ lỡ, một số cán bộ tham gia đã bị kỷ luật, cắt chức. Xong, nhiều ý kiến cho rằng, hình phạt trên là quá nhẹ so với mức độ sai phạm. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông cần phải đưa vụ việc này ra các cơ quan chức năng để điều tra mở rộng.
Bài 2: Công bố doanh nghiệp "mua" giấy chứng nhận kiểm định khống
Anh Đào
Ý kiến bạn đọc