Vợ con Thượng tá Nguyễn Đức Hảo (Phi đội trưởng, Lữ đoàn Không quân 918) mất tích trên chuyến bay Casa 212 từ TP.HCM bay ra Hà Nội nhiều ngày nay vẫn chờ tin về người thân của mình trong lúc cuộc tìm kiếm, trục vớt có những kết quả bước đầu xác định.
Thượng tá Nguyễn Đức Hảo (ngoài cùng bên trái) cũng các đồng đội trong Lữ đoàn 918. Ảnh: Mai Thanh Hải/Thanh Niên |
Cùng lúc, căn nhà của ông Nguyễn Đào Hằng (70 tuổi) ở cụm 4 xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, người anh trai ruột duy nhất còn lại trong gia đình 5 anh em của Thượng tá Nguyễn Đức Hảo đông đúc người ra vào thăm hỏi, chia sẻ động viên cùng gia đình về người phi công mất tích nhiều ngay nay.
Trong 9 người có mặt trên Casa 212, Thượng tá Hảo (SN 1962) là quân nhân có nhiều năm kinh nghiệm, được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Theo lời kể của ông Hằng, gia đình ông có 5 anh em đều phục vụ trong lực lượng vũ trang.
"Khi Hảo học đến lớp 9, có đoàn không quân đến tuyển quân, qua nhiều vòng xét tuyển, thấy chú ấy đạt tiêu chuẩn sức khỏe thì họ lấy đi học. Hảo là người cao to nhất trong 5 anh em, chú ấy cao khoảng 1,75 mét, dáng người đậm, khỏe mạnh, sống chan hòa, bình dị”, ông Hằng kể về người em trai út giản dị.
Ngay khi nhập ngũ năm 1983 không lâu, chiến sĩ Hảo trẻ tuổi được Nhà nước cử đi học ở Liên xô. Trở về nước năm 1985, người quân nhân được phân công công tác trong ngành quốc phòng tại TP.HCM. Mới khoảng 4 năm trở lại đây, ông được điều động ra Bắc, tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ tại Lữ đoàn 918, đóng quân tại sân bay Gia Lâm.
Thượng tá Hảo có 2 con trai cùng sinh năm 1993, trong đó con trai đầu theo nghiệp bố học tập, rèn luyện trong quân ngũ và hiện công tác tại sân bay Nha Trang. Cậu út đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đang học tiếng Anh để đi du học.
Đôi mắt đỏ hoe trực chào nước mắt, ông Hằng nhắc đến chỉ mới đây thôi, hôm 29/5, chú út còn về thăm gia đình, làm lễ làm giỗ cho ông cụ (người sinh ra bố của anh Hảo).
"Bao nhiêu năm nay, vì lịch công tác bận rộn cộng với khoảng cách địa lý nên việc gặp gỡ giữa hai anh em rất ít. Mỗi năm đôi khi chỉ gặp hai ba lần, nên cứ mỗi lần ngồi với nhau, hai anh em lại tâm sự rất lâu", ông Hằng kể.
Tin tức đột ngột đến hôm 16/6 khi ông đọc tin tức chiếc máy bay Casa 212 bị mất tích.
"Tôi cảm thấy rất lo lắng, hồi hộp, điện thoại để gọi cho chú Hảo nhưng không được, tôi lại điện tiếp cho thím Dung (vợ của phi công Hảo) thì nhận được phản hồi tương tự. Mãi đến sáng hôm sau 17/6 thì đơn vị của chú ấy mới chính thức thông báo cho gia đình tôi biết việc chiếc máy bay mất tích", ông Hằng thở dài kể.
Kể từ hôm đó đên nay, khi nhận được thông tin vớt được một số thi thể tại khu vực máy bay Casa 212 gặp nạn, cả nhà đều thấp thỏm, lo âu và cầu mong sao những người xấu số đó không phải là những anh em trong phi hành đoàn…
Dở dang ước nguyện
Trông chờ, lo lắng, thỉnh thoảng ông Hằng lại nhìn vào chiếc điện thoại như để chờ đợi thông tin của người em trai gặp nạn đến nay vẫn chưa có tin tức.
Rồi giọng nói của ông như nghẹn lại, tay ông run run cầm cốc nước kể: “Cách đây 2 năm, khi tôi và chú Hảo ngồi ăn cơm với nhau, chú Hảo nói là sẽ hoãn kế hoạch xây nhà để dành tiền đầu tư cho việc học của hai đứa con trai.Tôi rất thương hai cháu vì chưa thành đạt trong khi mẹ các cháu chỉ là tiểu thương buôn bán nhỏ, sợ rằng không đáp ứng được kinh tế cho việc học. Nguyện vọng của chú ấy để hai con tiếp tục sự nghiệp của mình sợ sẽ dang dở mất thôi”.
Ông Hằng kể, vợ Thượng tá Hảo, chị Ngô Thị Dung từ hôm có tin thông báo của đơn vị chồng đã bay từ TP.HCM bay Hà Nội để trực chờ.
Nhiều ngày nay ngóng tin về chồng, trong lúc cuộc tìm kiếm, trục vớt có những kết quả bước đầu xác định, chị gầy guộc, xanh xao lo lắng.
Trong sâu thẳm, ông Hằng giọng nghèn ngào vẫn hy vọng có phép màu, dù chỉ mong manh, được gặp lại người em trai sớm trở về...
Theo
Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc