Khoảng 7g30 sáng 4/5, biển ở khu vực xã Nhân Trạch xuất hiện một vệt nước màu đỏ đục. Đến khoảng 11g trưa, màu đỏ này nhạt dần.
Ông Phan Văn Gòn, bí thư Huyện ủy Bố Trạch, Quảng Bình cho biết sáng cùng ngày ông cùng các đơn vị trong huyện đã đi kiểm tra thực trạng tại bãi biển và phát hiện vệt nước màu đỏ kéo dài khoảng 1,5km này.
Theo ông Gòn, trong hai ngày 3 và 4/5, trên bờ biển đoạn qua xã Nhân Trạch thuộc huyện này lại xuất hiện tình trạng cá chết dạt vào bờ.
Tuy số lượng cá chết không nhiều như hai lần trước nhưng đây đã là đợt cá chết dạt vào bờ thứ ba kể từ khi xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt cách đây một tháng.
Ông Gòn cũng cho hay ngay trong buổi trưa cùng ngày, đoàn của Bộ Tài nguyên - môi trường cùng hai chuyên gia người nước ngoài, một từ Nhật Bản, một từ Israel đã đến khu vực này lấy mẫu nước và mẫu cá chết đi kiểm nghiệm.
Hiện chính quyền địa phương đang tích cực thu gom và tiêu hủy số cá chết mới dạt vào bờ này.
Biển ở khu vực xã Nhân Trạch xuất hiện một vệt nước màu đỏ đục. Đến khoảng 11g trưa, màu đỏ này nhạt dần. |
Cá nuôi lồng tại phá Tam Giang chết hàng loạt
Sáng 4/5, hàng tạ cá nuôi lồng của người dân tại thôn Thai Dương Hạ Nam (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã được các cơ quan chức năng vớt lên, đem đi tiêu hủy.
Ông Phan Thanh Hải (trú thôn Thai Dương Hạ Nam) cho biết từ đêm 3/5 đến nay, tại lồng nuôi của ông có hơn 1.000 con cá vẫu và cá mú đã bị chết, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Ông Hải còn cho biết thêm, hiện tượng cá nuôi lồng bị chết xảy ra rất nhanh, từ 6g sáng 3/5 mới thấy cá lờ đờ, đến 14g chiều cùng ngày thì phát hiện cá chết hàng loạt.
Ông Nguyễn Châm (trú thôn Thượng Đông, xã Hải Dương), một người dân có cá nuôi lồng cho biết tại khu vực nuôi lồng nuôi cá của ông có 3.500 con cá giống bị chết, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Theo ông Châm, từ sáng 3/5 đã thấy hiện tượng kỳ lạ tại cửa biển Thuận An (giáp với phá Tam Giang), khi ngư dân vừa ra khu vực cửa biển này tầm 10m thì bắt gặp nhiều luồng cá nước sâu như cá hanh, cá đục… bơi lờ đờ dưới mặt nước.
Theo ông Châm, những loài cá này thường sống cách bờ từ 10 hải lý trở lên và ngư dân nếu may mắn bắt được cũng chỉ vài kg. Nhưng sáng 3/5 thì nhiều người đánh được cả tạ cá. Ngay sau đó, họ tiếp tục phát hiện nhiều xác cá loại này chết dạt bờ.
Ông Phan Lân, chủ tịch Chi hội nghề cá Hương Giang (xã Hải Dương) cho biết chi hội này đã nhận được báo cáo phân tích mẫu nước biển tại khu vực phá Tam Giang vào ngày 3/5 của Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo đó, độ mặn trong nước lợ ở đây đạt 20ppt, cao hơn so với cho phép (4-18ppt).
Ông Lân cũng nhận định, việc cá lồng chết hàng loạt và cá biển dạt bờ như những ngày qua có thể là do độc tố từ vùng nước sâu phía ngoài biển Đông, khi theo dòng nước chảy từ biển vào vùng đầm phá, mang theo chất độc vào khiến cá lồng chết hàng loạt.
Ông Lê Xuân Hướng, phó chủ tịch UBND xã Hải Dương xác nhận, tình trạng cá biển chết dạt vào bờ cùng hiện tượng cá nuôi lồng của người dân ồ ạt chết xảy ra trong hai ngày 2 và 3/5, tập trung ở hai thôn Thai Dương Thượng Tây và Thai Dương Hạ Nam với số lượng hơn 700 kg gồm cá mú, cá chẽm, cá hồng mỹ…
Trong khi đó, ven theo bờ biển Hải Dương, nhiều loại cá biển... chết dạt vào bờ. Ngay trong sáng 4/5, địa phương đã thu gom được hơn 200 kg biển chết để đem đi tiêu hủy.
Cũng trong ngày 4/5, đại diện các cơ quan chức năng cùng địa phương cũng đã có mặt tại khu vực Thai Dương Hạ Nam để làm công tác thống kê số hộ dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nắm thông tin, lấy mẫu nước, mẫu cá chết để tiến hành kiểm nghiệm.
(theo Tuổi trẻ)
Ý kiến bạn đọc