Kinh ngạc chứng kiến đáy biển Quảng Bình

14:55, 08/05/2016
|
Lực lượng lặn khảo sát trên vùng biển Quảng Bình đã cương quyết yêu cầu thuyền chở phóng viên vào bờ mới tiến hành tác nghiệp. 
 
Không có cá, chỉ có nghêu sò đang phân hủy.
Không có cá, chỉ có nghêu sò đang phân hủy.
 
Sáng 7/5, đoàn cán bộ của Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cùng nhóm thợ lặn ở Nha Trang đã phối hợp với Sở TN-MT Quảng Bình thực hiện khảo sát, tìm kiếm trên vùng biển cách cửa sông Nhật Lệ (TP.Đồng Hới) khoảng 3 hải lý.
 
Quan sát của chúng tôi cho thấy đoàn chuẩn bị các thiết bị, dụng cụ cho cuộc khảo sát từ sáng sớm; sau khi tìm kiếm trên bề mặt, đến khoảng 12 giờ trưa, thuyền của đoàn mới thả neo. 
 
Đoàn kiểm tra đang xét nghiệm mẫu nước
Nhóm công tác của Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển lên thuyền ra biển khảo sát sáng 7/5.
 
Khi phát hiện thuyền chở phóng viên xuất hiện gần đó, đoàn đã yêu cầu thuyền của phóng viên quay vào bờ để cho họ khảo sát. Trước đó, Sở TN-MT Quảng Bình nhận được thông tin ngư dân xã Nhân Trạch, H.Bố Trạch đi thả lưới ngoài biển, lúc kéo lên lưới trắng sạch... như giặt.
 
Để ghi nhận tình hình, nhóm chúng tôi đã có mặt trên 1 thuyền cá của ngư dân ở xã Quang Phú, TP.Đồng Hới đi ra vùng biển cách cửa Nhật Lệ khoảng 3 hải lý.
 
Theo các ngư dân, đây là vùng mà hải sản cũng như các loài vật sống trong biển chết rất nhiều. Trên thuyền còn có 2 thợ lặn Lê Xuân Hòa (36 tuổi) và Phạm Văn Trị (37 tuổi).
 
Trước lúc đi, các thợ lặn này đều tỏ vẻ e dè sợ sệt với lý do sợ ảnh hưởng đến sức khỏe khi lặn xuống đáy biển. Họ bày tỏ sự buồn bã vì khi xảy ra sự việc cá chết bất thường đến nay, ngư dân và các thợ lặn hải sản quý không còn tìm thấy cá và sản vật nữa, thay vào đó là tầng lớp xác cá dưới biển.
 
Thuyền chúng tôi ra đến địa điểm thì thả neo để các thợ lặn tác nghiệp. Khoảng 30 phút tìm kiếm dưới đáy biển, hai thợ lặn Hòa và Trị vớt lên được những mảnh san hô đã bị chuyển màu và chỉ có xác hải sâm, vẹm, sò...đã chết, đang trong quá trình phân hủy.
 
“Nước dưới đáy rất đục, bẩn, có lẽ do xác cá phân hủy và có mùi tanh rất khó chịu” – các thợ lặn cho hay. Sau khi lặn lên, hai thợ lặn cũng nhanh chóng tắm bằng nước ngọt mang đi theo trên thuyền vì sợ chất độc ngấm vào người; điều mà xưa nay họ chưa từng làm trong mỗi chuyến đi lặn biển.
 
Khu vực đáy biển vẫn có cá bơi

Theo báo Tuổi trẻ, thực sự chuyện gì đang xảy ra dưới đáy biển Nhân Trạch? Để làm rõ điều này, cũng trong ngày 7/5, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã cùng với đội thợ lặn địa phương lặn xuống đáy biển Nhân Trạch để ghi lại những hình ảnh ở khu vực này.

Nhóm đã chọn lặn xuống hai điểm tại vùng biển này. Đây là hai điểm được ngư dân địa phương cho biết là những khu vực tập trung nhiều loài cá sinh sống nhất mà trước khi xảy ra việc cá chết các ngư dân thường đến lặn bắt cá.

Điểm lặn thứ nhất có tên là bãi Rạn. Bãi này là một bãi đá lởm chởm ở độ sâu khoảng 10 mét, cách đất liền khoảng gần 2 hải lý nếu nhìn từ trung tâm xã Nhân Trạch ra. Đây là nơi theo ngư dân địa phương trước đây cá tập trung sống nhiều bởi có các hốc đá san sát. Tuy nhiên tại thời điểm quay không thấy bóng dáng con cá nào, cũng như không thấy xác cá nằm dưới biển.

Chỉ thấy một số vỏ ốc đã chết nằm trong hốc đá. Máy quay của thợ lặn Hoàn đã ghi hình một khoảng gần một trăm mét chiều ngang.

Điểm quay thứ hai cách điểm quay thứ nhất khoảng hơn một hải lý về phía nam. Khu vực này được ngư dân địa phương gọi là Bến Cá. Bởi trước đây cá ở khu vực này rất nhiều. Ngư dân thường đi ra đây lặn bắt.

Khu vực này sâu khoảng gần 15 mét nước, cách bờ khoảng hai hải lý, nằm ở ranh giới vùng biển giữa Nhân Trạch và Quang Phú. Đáy biển ở khu vực này cũng như ở Bãi Rạn.

Trong clip vẫn thấy một số cá bơi trên rạn san hô và nhiều con nhím biển sống. Tuy nhiên san hô dưới đáy biển này một số chuyển sẫm màu.

Dưới đây là clip vẫn thấy một số cá bơi trên rạn san hô và nhiều nhím biển sống:
 

 


Ý kiến bạn đọc