Mặc dù Cty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) khẳng định nước thải ra môi trường đạt chất lượng nhưng các chuyên gia cho rằng, rất khó có thể kiểm định quá trình xả thải của Formosa có đảm bảo đúng yêu cầu không.
Theo ông Khâu Nhân Kiệt, Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường Cty FHS, hệ thống xả thải của Cty FHS trước khi được thải ra biển phải tập trung về một chỗ. Sau đó nước thải đi qua một trạm quan trắc tự động. Toàn bộ số liệu về môi trường nước được trạm báo về máy hằng ngày. Tất cả đều đạt các chỉ số an toàn rồi mới được cho ra biển.
Khe hở chết người
Làm thế nào để biết đây là khẳng định đúng? Theo quy định của Nghị định 38 về quản lý chất thải và phế liệu, các khu công nghiệp phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh Đặng Bá Lục, trạm quan trắc tự động của Công ty Formosa lại chưa kết nối và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh. Ngoài trạm quan trắc tự động của Formosa, ở thời điểm hiện tại không có trạm quan trắc nào của Bộ Tài nguyên và Môi trường ở Khu công nghiệp Vũng Áng. Điều đó có nghĩa các số liệu quan trắc xả thải của công ty này chỉ dựa vào trạm tự động do chính đơn vị này quản lý. Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh, trước đó đơn vị này có thanh tra, lấy mẫu định kỳ nước thải của Công ty Formosa nhưng không phát hiện điều gì bất thường.
TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá báo cáo tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ở nước ngoài họ yêu cầu kết nối số liệu từ trạm quan trắc tự động của công ty đến cơ quan quản lý. Vượt khỏi tiêu chuẩn cho phép sẽ bị tuýt còi ngay. Đây là một phương pháp giám sát rất hiệu quả. Trường hợp không truyền số liệu thì rất khó để giám sát việc xả thải hàng ngày.
Ngoài việc quan trắc chỉ có thanh tra đột xuất hoặc lấy mẫu định kỳ mới kiểm chứng được việc xả thải có đúng yêu cầu hay không. Tuy nhiên, việc thanh tra hay lấy mẫu cũng chỉ có tính thời điểm. Vì vậy, rất khó để kiểm chứng được thông tin phía công ty đưa ra vì cơ sở dữ liệu là do họ quản lý.
Liên quan đến đường ống dài 1,5km chảy thẳng ra biển của Công ty Formosa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh khẳng định, đường ống này nằm trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Ông Vũ Thanh Ca, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, hiện tượng cá biển chết hàng loạt là một trong những thảm họa môi trường.
Các nguyên nhân làm cho cá biển chết hàng loạt bao gồm sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ (thí dụ nhiệt độ tăng đột ngột làm chết hàng loạt loại cá ưa lạnh; nhiệt độ giảm đột ngột làm chết các loài cá ưa nóng), rò rỉ chất ô nhiễm (thí dụ ô nhiễm dầu), hiện tượng bùng phát của tảo độc do phú dưỡng, hiện tượng cạn kiệt ô xy do phân hủy chất hữu cơ trong tầng nước sâu hoặc những ngày nóng nực, lặng sóng, rất khó có sự trao đổi nước giữa tầng mặt và các tầng nước sâu, dịch bệnh do vi trùng, vi-rút hoặc ký sinh trùng và các chất độc hại do ô nhiễm nước biển gây ra.
Trong số các nguyên nhân kể trên, sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ nước biển và hiện tượng cạn kiệt ô xy trong nước biển được coi là nguyên nhân lớn nhất gây ra chết cá. Đối với các khu vực biển không sâu lắm, chất ô nhiễm hữu cơ được thải ra từ bờ sẽ không được pha loãng nhanh. Nếu nhiệt độ nước biển tăng khá nhanh, quá trình phân hủy chất hữu cơ sẽ diễn ra mạnh mẽ trong điều kiện nhiệt độ cao, yêu cầu tiêu thụ nhiều ô xy. Sự đốt nóng bề mặt sẽ tạo ra sự phân tầng mật độ nước biển rất mạnh mẽ. Nếu gió không mạnh, sóng mặt không đủ để tạo ra sự xáo trộn nước. Kết quả là nước ở các tầng dưới mặt sẽ bị cạn kiệt ô xy, làm chết cá.
Ông Ca lưu ý, cá biển khu vực gần bờ Bắc Trung bộ chết vào đầu tháng Tư. Đây là những ngày rất nóng và biển khá lặng nên gió không đủ tạo ra sự xáo trộn mạnh mẽ của nước biển. Như vậy, nguyên nhân có thể nhất của hiện tượng cá biển chết hàng loạt là do nước thải từ bờ đã phân hủy mạnh, gây nên cạn kiệt ô xy trong các tầng nước dưới mặt.
Tuy vậy, để làm rõ các nguyên nhân gây chết cá, cần lấy mẫu nước ở các tầng khác nhau tại các địa điểm khác nhau gần bờ và phân tích để xác định mức độ ô nhiễm và các thành phần chất gây ô nhiễm. Ngoài ra, phải kiểm tra các cơ sở sản xuất, các trung tâm dân sinh trên bờ có khả năng xả thải và gây ô nhiễm nước biển. “Cần chú ý rằng các điều kiện khí tượng hải văn, môi trường biển hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với các điều kiện tại thời điểm xảy ra cá chết nên để có được kết luận sát thực về nguyên nhân cá chết cần phải tính toán, đánh giá để dựng lại những điều kiện tại thời điểm gây ra cá chết”, ông Ca đề xuất.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy nhiều mẫu nước và cá ở khu vực cá chết, gửi cho các đơn vị tốt nhất để phân tích, dự kiến vài ngày tới sẽ có kết quả. Theo ông Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đơn vị này đã nhận được một số mẫu cá, nước và sẽ tiến hành phân tích. Khi có kết quả sẽ chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc