Di dời khẩn cấp cư dân các khu tập thể nguy hiểm tại quận Ba Đình

08:14, 27/04/2016
|
(VnMedia)  - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định di dời cư dân sinh sống tại các khu nhà tập thể cũ tại phường Thành Công, Ngọc Khánh, Cống Vị thuộc quận Ba Đình. 
 
 
Theo quyết định số 2000/UBND-XDGT, TP Hà Nội giao UBND quận Ba Đình chủ trì xây dựng phương án di dời và phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư cho các chủ sở hữu, sử dụng tại Đơn nguyên 1, 2 nhà G6A, phường Thành Công; Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh; Đơn nguyên 1 và Đơn nguyên 3 tập thể Bộ Tư pháp, phường Cống Vị, quận Ba Đình do nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ.
 
UBND thành phố Hà Nội cũng chấp thuận bố trí 172 căn hộ, cụ thể: 100 căn hộ tại nhà cao tầng Lô E Khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy; 42 căn hộ tại nhà A1, A2, X2 Phú Thượng, quận Tây Hồ và 30 căn hộ tại nhà CT1 khu đô thị Thành phố Giao lưu, quận Bắc Từ Liêm để UBND quận Ba Đình bố trí tạm cư cho các hộ gia đình phải di dời (cùng với các hộ Đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ).
 
Trong trường hợp các hộ gia đình có nguyện vọng nhận tiền để tự thuê nhà tạm cư, UBND quận Ba Đình căn cứ chính sách được UBND Thành phố chấp thuận tại văn bản số 9224/UBND-TNMT, ngày 25/11/2014, ứng kinh phí để các hộ gia đình tự thuê nhà ổn định cuộc sống.
 
Sau khi phương án di dời được UBND Thành phố phê duyệt, trường hợp hết thời hạn quy định nếu các chủ sở hữu không thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư thực hiện việc phá dỡ để cải tạo xây dựng lại nhà chung cư thì quyết định các biện pháp hành chính tổ chức thực hiện cưỡng chế di dời các chủ sở hữu, chủ sử dụng ra nơi khác theo quy định của pháp luật.
 
Theo kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư được UBND TP Hà Nội công bố đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh thuộc mức độ nguy hiểm độ D.
 
Trước đó, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 4/4/2016 ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội.
 
Theo đó, quy chế quy định rõ về điều kiện để nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng, số tầng cao, chiều cao tối đa cho phép; về quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị; các khu vực không được phép xây dựng công trình cao tầng; về kiểm soát dân số... được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc của quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.
 
Các vị trí cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng gồm có: Các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị. Khu vực vành đai I, chiều cao tối đa công trình là 24 tầng, 86m; Vành đai 2, chiều cao tối đa 27 tầng, 97m; đường ven đê Sông Hồng, chiều cao 21 tầng, 76m…
 
Đối với dự án tái thiết đô thị là chung cư cũ có quy mô 2ha trở lên, phải bảo đảm các điều kiện tạo nhiều không gian mở, hạn chế tăng dân số, bố trí đất cho công trình giáo dục, tăng cây xanh, diện tích công cộng.
 
Quy chế cũng chỉ ra số tầng cao chi tiết đối với 17 dự án. Như khu chung cư Nguyễn Công Trứ được quy định chiều cao 25 tầng, tương đương 90m; khu chung cư Giảng Võ có chiều cao 21 tầng, tương đương 76m; khu chung cư Quỳnh Mai có chiều cao 24 tầng, tương đương 86m... Riêng khu Văn Chương cao tối đa 18 tầng tương đương 65m.
 
Trong các đồ án quy hoạch, quy chế được Hà Nội triển khai xác lập trong 5 năm qua, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đây là quy chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quy chế này sẽ cụ thể hóa các chỉ tiêu quy hoạch tới từng ô, tuyến phố, tức là quản lý rất chặt chẽ quá trình phát triển đô thị ở khu vực trung tâm.

 


Ý kiến bạn đọc