Dân sống không điện,nước, không đường giữa Thủ đô

07:08, 27/04/2016
|

(VnMedia) - 3 năm nay,  hàng trăm hộ dân tại khu tái định cư Dọc Bún, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội sống trong cảnh không điện, không nước, không đường đi. Điều người dân nơi đây lo ngại nhất là không biết còn phải sống trong tình trạng nay bao lâu.

Không điện, không nước, thậm chí không có cả đường vào nhà là tình trạng của hàng trăm hộ dân đang sống tại khu đất dịch vụ Dọc bún 2 và HT5 thuộc phường La Khê, trung tâm của quận Hà Đông, (Hà Nội).

Theo phản ánh của người dân, khu đất dịch vụ Dọc Bún và HT 5 đã được quận Hà Đông bàn giao cho người dân từ năm 2012. Theo quy định, khi bàn giao đất dịch vụ, chủ đầu tư phải hoàn thiện các hạng mục hạ tầng như đường giao thông, hệ thống đường cấp, thoát nước, điện lưới… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gần 100 hộ dân sinh sống tại khu đất dịch vụ này vẫn chịu cảnh sống không điện, không nước và không có cả lối vào nhà.

Người dân Dọc Bún nhà nào cũng phải khoan giếng để lấy nước. Song, nước giếng khoan luôn vẩn đục và vàng khè
Người dân Dọc Bún nhà nào cũng phải khoan giếng để lấy nước. Song, nước giếng khoan luôn vẩn đục và vàng khè

Chị Phạm Thị Thu (người dân sống tại khu Dọc Bún 1 – La Khê) cho biết, hàng ngày gia đình chị vẫn phải đi sang khu đô thị Văn Khê để xin nước ăn. Nhà đã đào một bể nước giếng khoan xong nước lúc nào cũng vàng khè, vẩn đục do vậy không dám sử dụng.

“Cơm thì nấu bằng nước lọc mua, nước ở đây không thể dùng được. Nếu cứ tình trạng này thì chắc xây xong công trình cũng mắc bệnh thôi” – chị Thu nói.

Anh Dương Duy Quân (Dọc Bún 1 – La Khê) :”Khi tôi bơm nước lên thì có mùi tanh của bùn, để trong hai tiếng đồng hồ thì nước chuyển thành màu vàng. Chúng tôi phải khắc phục bằng cách qua rất nhiều hệ thống lọc nước. Bên cạnh đó, cách đây mấy trăm mét có một nghĩa trang và không biết có ô nhiễm hay không. Hiện tại thì bà con chưa yên tâm với nguồn nước này”.

Khu đất dịch vụ Dọc Bún được bàn giao 3 năm nhưng không được kết nối hạ tầng
Khu đất dịch vụ Dọc Bún được bàn giao 3 năm nhưng không được kết nối hạ tầng

Dùng nước bẩn đã khổ, mua điện giá cao cũng là câu chuyện cười ra nước mắt của khu tái định cư này. Theo các hộ gia đình tại đây, để có điện sử dụng họ phải trả 2.100 đồng/Kwh thay vì giá điện sinh hoạt trung bình là gần 1.600 đồng/Kwh.

Ông Nguyễn Văn Thạch (Dọc Bún 1 – La Khê):”Hiện nay, điện sinh hoạt thì chúng tôi hoàn toàn không có phải đi dùng nhờ. Chúng tôi phải mua dây điện để kéo về với giá điện là 2.100 đồng/Kwh”.

Không những thế, ngay cả con đường dẫn vào khu đất dịch vụ này cũng không có. Mỗi lần đi làm về, người dân sống tại khu Dọc Bún chỉ còn 1 cách duy nhất là đi nhờ bằng đường từ khu khác. Thậm chí, họ còn phải kê gỗ trên những đường ống cống để tạo lối đi. Xong, con đường mòn chỉ có thể dành cho người đi bộ, còn xe máy, xe đạp thì không thể qua được lối này.

Trong khi đó, trước khi nhận đất, các hộ dân đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng đóng cho chính quyền để làm đường, hạ tầng cho toàn bộ khu đất này.

Người dân sống tại khu đất dịch vụ này cho biết, hiện một loạt tuyến đường chính và đường nhánh theo bản đồ quy hoạch đã không được triển khai. Điều này đã khiến các hộ dân phải sống trong cảnh không có đường vào nhà.

Theo xác nhận của lãnh đạo UBND phường La Khê, Hà Đông, thì nguyên nhân của việc chậm triển khai đường vào khu tái định cư Dọc Bún là do chưa giải phóng xong mặt bằng gần 6.000 m2 đất.

Ông Nguyễn Hữu Hiển - Chủ tịch phường La Khê cho biết, trước tình trạng này, UBND phường đã nhiều lần có văn bản gửi Ban quản lý dự án Hà Đông để đề nghị xem xét.

Trao đổi với PV về những bất cập tại khu đất dịch vụ Dốc Bún, ông Nguyễn Văn Chiến – Trưởng ban quản lý dự án, quận Hà Đông lý giải:”Toàn bộ hạ tầng điện thì chúng tôi thi công xong cũng rất lâu rồi. Nhưng do cơ chế của bên điện lực thì tỉ lệ lấp đầy của dân phải đạt được tiêu chí tương đối lớn thì họ mới đóng điện”.

Phải đạt được tiêu chí lấp đầy số dân thì mới cấp điện. Vậy tiêu chí là bao nhiêu, có ai nói với người dân để họ biết được đến bao giờ thì đủ tiêu chí. Chỉ biết rằng trong khi chờ đủ tiêu chí như lời ông Chiến nói thì hàng trăm người dân đang sinh sống ở khu tái định cư Dọc Bún vẫn phải mòn mỏi hy vọng chờ một ngày sẽ được an cư.

(Còn tiếp)


Ý kiến bạn đọc