(VnMedia) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu chế độ, chính sách đối với lao động tiền trạm kinh tế mới làm nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam thời kỳ 1976-1980, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Khu kinh tế mới Lâm Đồng |
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan và các địa phương liên quan nghiên cứu việc giải quyết chế độ đối với lực lượng lao động tiền trạm kinh tế mới của các địa phương làm nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam thời kỳ 1976-1980.
Theo Quyết định số 272-CP ngày 3/10/1977 của Hội đồng Chính phủ, một số địa phương tuyển chọn lao động trẻ (thực chất là lao động nghĩa vụ 3 năm, nhằm vào những gia đình ít đóng góp về người trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và lao động nông nhàn) đi tiền trạm theo kế hoạch giao cho từng quận, huyện, thị xã.
Lực lượng lao động tiền trạm kinh tế mới là những thanh niên tình nguyện đầy tâm huyết, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh đã lần lượt vào các tỉnh phía Nam làm nhiệm vụ. Đây là lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ khảo sát, quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu như khai hoang, làm nhà, sản xuất thực nghiệm, mở đường giao thông… chuẩn bị đón dân.
Để hỗ trợ cho các đối tượng trên, Nhà nước cũng đã ban hành một số quy định tạm thời về các khoản trợ cấp đối với lao động tiền trạm như được hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình, được cấp phát nhu yếu phẩm, được cấp lương thực, sinh hoạt phí hàng tháng. Lao động trở về địa phương được cấp tiền tàu xe đi đường...
Theo tác giả Trần Ngọc Trác (báo Lâm Đồng), trong những năm 60 của thế kỷ trước, Hà Nội từng đưa dân lên các vùng cao phía Bắc, nhưng thành công rất nhỏ. Sau năm 1975, lãnh đạo Hà Nội và Lâm Đồng đã có những cuộc gặp trao đổi và đi đến thống nhất đưa một bộ phận dân cư thủ đô lên lập nghiệp ở cao nguyên Lâm Viên. Những đợt đi tiền trạm như vậy trong năm 1976 đã mở ra một trang sử mới của Hà Nội.
Những đợt đi tiền trạm trong năm 1976 đã mở ra một trang sử mới của Hà Nội. Con đường nhỏ từ N’Thol Hạ vào vùng đất Nam Ban đã được khai thông. Lực lượng thanh niên xung phong do Thành đoàn Hà Nội tổ chức đã có mặt ở nơi rừng núi hiểm trở này. Sau đó là hàng ngàn gia đình ở các quận huyện Hà Nội như: Ba Đình, Hai Bà, Đống Đa, Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm… đã lên đường. Các cuộc di dân được chia làm nhiều đợt. Có gia đình đi hai ba người, có hộ đi nguyên cả hộ và có cả dòng tộc, làng xã đi nguyên cả làng, cả tộc họ. Một số gia đình ngụ cư cũng theo đoàn quân di dân vào Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc