Đại biểu Quốc hội: "Xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD, uống bia cũng hết"!

15:18, 24/03/2016
|

(VnMedia) - "Nợ nước ngoài hiện khoảng 80 tỷ USD, xuất khẩu gạo hàng năm khoảng 3 tỷ USD thì “uống bia cũng hết”. Trong khi đó, thu ngân sách 1 triệu tỷ mỗi năm nhưng chi lương thường xuyên cho cán bộ hành chính đã hết 400 nghìn tỷ đồng" - đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Đỗ Văn Đương
Đại biểu Đỗ Văn Đương (đứng)

Sáng nay (24/3), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, định hướng kế hoạch 5 năm 2016-2020. Nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng và trật tự an toàn xã hội.

Theo đại biểu Đỗ Kim Tuyến, tại báo cáo, vấn đề phòng chống tham nhũng mới chỉ đặt nặng vấn đề “chống”, còn “phòng” thì chưa thấy rõ việc chủ động, ngăn ngừa. “Tôi thấy báo cáo vẫn nghiêng về vấn đề chống, thế nhưng kỳ họp nào cũng nêu là chưa đạt kết quả. Theo tôi cơ chế chính sách đạt tương đối rồi nhưng vai trò của các cấp còn hạn chế”, đại biểu Đỗ Kim Tuyến đánh giá.

Liên quan đến việc phát huy vai trò của người dân trong phòng chống tham nhũng, ông Tuyến cho biết, trong báo cáo cũng nêu cơ chế khuyến khích để người dân tố giác, trong đó có nhấn mạnh thực hiện nghiêm việc tiếp công dân. Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hà Nội nhận thấy, không phải thực hiện nghiêm mà phải đảm bảo các cơ chế để người dân phát hiện, tố giác, không chỉ tham nhũng mà cả các tội phạm khác.

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến cho rằng, phải xem lại cách làm đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân ở các bộ, ngành, tỉnh thành. Qua tiếp xúc, ông Tuyến nhận được rất nhiều phản ánh của cử tri về vấn đề này. Cử tri cho rằng, “đường dây nóng rất nhiều nhưng hiệu quả không được bao nhiêu”

Hoan nghênh cách lập đường dây nóng của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, đại biểu Đỗ Kim Tuyến đề nghị cần phải có đánh giá, rút kinh nghiệm việc lập đường dây nóng, từ đó đưa ra cơ chế rõ ràng trong việc lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh của nhân dân.

“Đây là vấn đề xã hội, chứ không phải là vấn đề đồng chí Bí thư TP Hồ Chí Minh có khả năng làm được, còn các đồng chí khác không làm được. Tôi nghĩ rằng nếu anh Thăng làm tốt thì các địa phương phải vận dụng đường dây nóng cho tốt”, đại biểu Đỗ Kim Tuyến nói.

Trong khi đó, đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, muốn phòng chống được tham nhũng thì phải xóa bỏ chế độ tiền mặt, vì tiêu tiền qua thẻ, qua ngân hàng thì cán bộ, công chức khó có cơ hội nhận hối lộ. Ngoài ra, phải quản lý thật chặt chẽ tài sản của cán bộ, công chức.

Đại biểu Chu Sơn Hà đồng thời nhấn mạnh tình trạng lãng phí còn diễn ra phổ biến. Điển hình trong đó là nhiều tỉnh nghèo, Trung ương phải điều tiết ngân sách nhưng xây trụ sở rất hoành tráng.

Đại biểu Chu Sơn Hà cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức hiện nay đang dần mai một. “Tình cảm giữa con người, tình cảm trong gia đình, tình cảm đồng chí, đồng đội đến giờ hình như không còn nguyên vẹn như xưa. Tôi hi vọng được 50% như xưa đã là quý báu" - Đại biểu Chu Sơn Hà buồn bã nói.

“Ví dụ ở TP Hồ Chí Minh hiện nay tại sao xảy ra loại tội phạm cướp nhiều thế mà Hà Nội không có, tôi thấy phấn khởi cho Hà Nội. Nhưng đó cũng không phải chỉ do ngành công an Hà Nội làm tốt đâu. Không nên tự nhận rằng ngành công an Hà Nội, ngành nội chính Hà Nội làm tốt là lý do chủ yếu. Mà nguyên nhân chủ yếu đó là người Hà Nội và người sống trên địa bàn Hà Nội có trách nhiệm lẫn nhau. Những kẻ đi cướp ngang đường sẵn sàng bị nhân dân túm ngay lập tức. Thế nên kẻ cướp không dám cướp ở Hà Nội.”

Dẫn chứng về trường hợp bản thân đại biểu từng bị cướp tại TP. Hồ Chí Minh, khi tri hô nhưng không ai quan tâm, ông nói: “Tôi cho rằng cái đó là cái đáng ngại nhất, là sự vô cảm. Hà Nội mình như thế vẫn còn may, mọi người vẫn có tinh thần cộng đồng, tương trợ lẫn nhau đối với những người gặp tai nạn, khi tham gia hoạt động xã hội. Tôi cho rằng nếu TP. Hồ Chí Minh không làm được việc giáo dục đạo đức xã hội, sống có cộng đồng thì công an có tăng cường xong, rút đi thì đâu lại vào đấy.” – đại biểu Chu Sơn Hà phân tích.

Xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD thì “uống bia cũng hết”!

Thảo luận tại tổ TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Đỗ Văn Đương phân tích: “Nợ nước ngoài hiện khoảng 80 tỷ USD, xuất khẩu gạo hàng năm khoảng 3 tỷ USD thì “uống bia cũng hết”. Trong khi đó, thu ngân sách 1 triệu tỷ mỗi năm nhưng chi lương thường xuyên cho cán bộ hành chính đã hết 400 nghìn tỷ đồng.

Cho rằng việc cấp thiết phải tinh giản biên chế, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị nên giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương và Trung ương, không để cảnh “cha chung không ai khóc.” Ông Đương cũng đề nghị cần nhất thể hoá một số chức danh, giảm bớt cán bộ phong trào, hô khẩu hiệu, ngược lại phải coi trọng chuyên gia, cán bộ chuyên môn và cần trả lương xứng đáng.

Theo đại biểu Đương, cùng với đó cần có biện pháp chống tham nhũng hiệu quả như: dám đánh giá đằng sau các dự án lớn là bóng dáng các quan lớn, có cổ phần kể cả những dự án đình chùa miếu mạo.  Thời gian tới cần coi trọng chống tội phạm tham nhũng, học kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc.

“Xem phim Tể tướng Lưu gù thì thấy, ngân khố Nhà nước có 2 triệu lạng nhưng riêng Hòa đại nhân đã có tới 800 triệu lạng. Bộ máy Nhà nước tham nhũng ghê lắm. Còn quan chức Nhà nước mình, các dự án lớn có bóng dáng quan chức lớn không, có cổ phần của họ không? Những gì dân làm được thì cơ quan Nhà nước đừng can thiệp. Cái gì cũng ngân sách Nhà nước thì chết, dân không nuôi nổi. Một ông nông dân cõng bốn ông công chức béo thì chết, dân oán thán lắm. Làm quan có thời, khi về thì cần lấy cái đức cho mình”.- đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, bộ máy cồng kềnh thì không thể giảm chi thường xuyên, giảm nợ công. “Chính phủ nên mạnh dạn giao cho các địa phương chủ động trong tinh giản, không như hiện nay địa phương muốn tinh giản nhưng phải xin ý kiến Bộ" - đại biểu Võ Thị Dung nêu ý kiến.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân băn khoăn: nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tuy vẫn nằm trong giới hạn nhưng con số tuyệt đối là rất đáng ngại. Theo đại biểu, nợ nước ngoài đã trên 80 tỷ USD là rất lớn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì thẳng thắn: “Chúng ta đã bỏ qua rất nhiều thời cơ trong 30 năm qua. Từ Đại hội Đảng 8 đến nay, các mục tiêu đề ra rất đúng nhưng chúng ta không làm được. Các đồng chí lãnh đạo cần có suy nghĩ để có giải pháp trong 20 năm tới.”

Theo đại biểu Nghĩa, đầu tiên là cải cách thể chế chính trị. “Chúng ta nói nhiều nhưng làm còn ít, còn có những e dè, ngại dân, chưa thực sự tin vào dân, không dám cải cách.” – đại biểu nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, điều khiến nhân dân giảm sút niềm tin trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, đó là nói không đi đôi với làm. “Nhiệm kỳ này nói dân giảm sút niềm tin, vậy kỳ sau có giảm hơn kỳ trước không? Trong cái lãng phí thì lãng phí nhất là giảm sút niềm tin của nhân dân. Vậy phải có biện pháp gì để lấy lại niềm tin?”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu. Theo đại biểu, giải pháp cấp thiết cần phải thực hiện là cải tổ, đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy theo Hiến pháp một cách căn cơ, lâu dài, bền vững.


Ý kiến bạn đọc