Cần nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội

08:48, 29/03/2016
|

(VnMedia) - “Chúng ta rất quan tâm đại biểu, thậm chí 2 năm gần đây cho tiền thuê chuyên gia nhưng không biết hiệu quả của việc bỏ bao nhiêu tiền đó thế nào. Hai nhiệm kỳ, tôi không thấy phát biểu gì thêm…” - đại biểu  Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nói.

Ngày 28/3, thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu đặt vấn đề về trách nhiệm của Quốc hội đối với các vấn đề tồn tại của đất nước, cũng như giải pháp tăng chất lượng đại biểu Quốc hội.

Nợ công tăng, trách nhiệm của Quốc hội ở đâu?

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của Quốc hội trong việc chia sẻ những vấn đề đang tồn tại của đất nước. “Quốc hội ta rất nhiều quyền. Nếu căn cứ vào luật và Hiến pháp, dường như Quốc hội quyết định hết tất cả những vấn đề lớn, Chính phủ không có dư địa nhiều trong việc quyết định chính sách. Trong quá trình hoạt động của mình, Quốc hội cũng nêu nhiều vấn đề tồn tại của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Vậy, trách nhiệm Quốc hội chia sẻ những tồn tại đó như thế nào? tôi nêu vấn đề này để rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ sau và tôi cũng tự vấn lại mình với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội” - đại biểu Trần Du lịch đặt vấn đề và cho rằng, “tình trạng luật khung, luật ống vẫn còn tồn tại, làm cho hiệu lực của luật giảm, với cử tri đây là trách nhiệm của Quốc hội.”

Về nợ công, về bội chi mà các đại biểu đã nói rất nhiều, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, “tất cả những việc đó đều Quốc hội quyết". “Thậm chí chi vượt chúng ta vẫn quyết toán. Như vậy, trách nhiệm của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong vấn đề giải quyết bài toán quyết định về ngân sách thế nào? chính sách thế nào? tôi nghĩ rằng chúng ta cũng chia sẻ. Hay chúng ta thường nói tăng biên chế bộ máy, nhưng xem lại hầu như những luật đã ban hành đều đẻ ra thêm bộ máy" - đại biểu Trần Du Lịch dẫn chứng và kiến nghị, khi Quốc hội ban hành chính sách phải tính toán kỹ lấy ở đâu, nguồn lực nào để thực thi, còn nếu không thì không ban hành.

Về công tác giám sát, ông Trần Du Lịch cho cho rằng, các đại biểu vẫn giám sát chung mà không cụ thể, chưa nghe đối thoại trực tiếp với người khiếu nại. “Những vấn đề như vậy, tôi nghĩ nên rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ sau" - đại biểu Trần Du Lịch nói.

Cũng trăn trở về trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) thừa nhận, Quốc hội quyết định ngân sách nhưng để vốn vay đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, thiếu giám sát, kiểm tra, không kịp thời đề nghị Chính phủ khắc phục làm cho nợ công, nợ quốc gia tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, dẫn tới có nguy cơ mất an toàn nền tài chính quốc gia nếu không được kiềm chế, kiểm soát, khắc phục. 

đại biểu quốc hội
Trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội, chỉ có 396 đại biểu tham gia biểu quyết một quyết sách quan trọng về ngân sách Trung ương năm 2016 - ảnh: Tuổi trẻ

Cần thay đổi chất lượng đại biểu Quốc hội

Chất lượng đại biểu Quốc hội cũng là một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, nhìn nhận lại sau một nhiệm kỳ hoạt động. Về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp cho rằng, chất lượng đại biểu Quốc hội có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.

“Đại biểu Quốc hội có thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, có lắng nghe ý kiến cử tri, có tham dự đầy đủ các cuộc họp của Quốc hội, các cuộc họp của các Ủy ban của Quốc hội, tham gia phát biểu xây dựng đóng góp luật, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện tốt việc giám sát tối cao thì hoạt động của Quốc hội sẽ mạnh lên, không còn hoạt động hình thức.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nêu một vấn đề tế nhị, đó là “hoạt động Quốc hội cả một nhiệm kỳ mà bây giờ tổng kết đánh giá các đại biểu Quốc hội nhưng không có một đánh giá nào của cá nhân họ, không cơ quan nào đánh giá hết. Ai hoạt động thế nào, ai không hoạt động thế nào cũng không có sao hết, chế độ vẫn giống nhau, mọi việc giống nhau, có chăng chỉ là cử tri đánh giá". Theo đại biểu Châu, “thế này thì không thể đổi mới được Quốc hội”

“Chúng ta cũng rất quan tâm đại biểu, thậm chí 2 năm gần đây cho tiền thuê chuyên gia nhưng không biết hiệu quả của việc bỏ bao nhiêu tiền đó thế nào. Hai nhiệm kỳ, tôi không thấy phát biểu gì thêm và cũng không biết tiền thanh toán chuyên gia thế nào, theo tôi là một sự lãng phí lớn. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét kỹ chỗ này trong các phiên họp" - đại biểu Phạm Đức Châu thẳng thắn nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Binh) thì băn khoăn khi “bài học rút ra trong báo cáo cũng nhấn mạnh việc quan tâm chất lượng đại biểu, nhận thức là thế nhưng thực tế trong quy định hiệp thương chúng ta chưa giải quyết thỏa đáng, hợp lý giữa thành phần cơ cấu tham gia của đại biểu. Nhiều đại biểu vẫn kiêm nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo nhiều công việc, điều đó cũng lặp lại những điều hạn chế trong báo cáo nêu.”

Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đề nghị cần xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng của đại biểu Quốc hội.

Tâm huyết với những vấn đề của đất nước và với các hoạt động của Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị phải xem xét, tính toán kỹ vấn đề đại biểu chuyên trách để không tránh công chức hóa đại biểu, làm cho bộ máy thêm nặng nề. Theo ông Lịch, chuyên trách là tốt nhưng tính chuyên nghiệp mới là quan trọng. Chuyên trách không chuyên nghiệp thì nay thay, mai đổi là không hiệu quả.

Để cho luật và quyết sách đúng, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị chủ tọa khi điều hành thảo luận thì chọn vấn đề và thảo luận đến cùng, chỉ có thể tranh luận giữa một số người. Ai không biết thì ngồi nghe.

“Trước khi quyết sách đừng để tình trạng nói chung chung, sau đó Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu hay không tiếp thu là chuyện của Thường vụ. Như hiện nay, rõ ràng vai trò của Quốc hội trong quyết định những vấn đề còn hạn chế" - đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.


Ý kiến bạn đọc