(VnMedia)
- Năm 2015, với sự phục hồi của nền kinh tế đã giúp thị trường bất động sản hồi phục tích cực. Bước sang năm 2016, thị trường bất động sản (BĐS) có tiếp tục đà tăng trưởng này?
Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam: Nhu cầu về bất động sản năm 2016 sẽ vẫn tiếp tục tăng.
Thị trường nhà ở tại Việt Nam đã có sự hồi phục mạnh mẽ ở hầu hết các phân khúc. Những cải cách về hệ thống pháp lý tiếp tục được áp dụng và góp phần giúp cho thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ. Theo tôi, Việt Nam luôn có chu kỳ phát triển ngược lại với khu vực, năm 2015 cũng không ngoại lệ và điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2016. Khi nền kinh tế vẫn tiếp tục được cải thiện, cộng với các yếu tố khả quan như quá trình đô thị hóa nhanh, quy mô hộ gia đình giảm và dân số trẻ… sẽ tiếp tục thúc đẩy nguồn cầu tăng trưởng tốt trong lĩnh vực BĐS vào năm 2016.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), nhận định thị trường bất động sản 2016 sẽ tiếp tục đà hồi phục được manh nha từ cuối năm 2013 và kéo dài qua các năm 2014, 2015. Ông Châu nhận định, hiện chưa thấy biểu hiện nào cho thấy đà phục hồi này bị chững lại trong năm 2016.
Cũng theo ông Châu, năm 2015, thị trường bất động sản TPHCM đã ghi nhận sự tăng giá ở nhiều dự án bất động sản. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Châu, biên độ tăng thực tế dao động ở mức 5-15%, phù hợp với quy luật khi thị trường bắt đầu đi lên từ đáy và chưa đạt đỉnh. Theo đó, các biểu hiện của thị trường ở thời điểm hiện tại cho thấy, "bong bóng" bất động sản chưa thể xảy ra trong năm 2016 và vài năm sau đó.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, năm 2015 là năm kết thúc giai đoạn tích tụ “bong bóng” và xì hơi “bong bóng” của thị trường bất động sản Việt Nam. Theo đó, thị trường đã có nhiều dấu hiệu tích cực về giao dịch, sự chuyển dịch giữa các phân khúc của thị trường, giải quyết tồn kho bất động sản cũng như tốc độ giải ngân các gói tín dụng dành cho thị trường này.
Theo ông Võ, niềm tin vào thị trường bất động sản từ khách hàng đã dần quay trở lại. Khách hàng đã không còn chờ đợi sự giảm giá của thị trường này mà thay vào đó, họ mua bất động sản theo nhu cầu sử dụng của mình. Ông dự báo, năm 2016 thị trường sẽ tiếp tục đà hồi phục của năm 2015, đồng thời đây cũng là lúc chưa cần nghĩ đến “bong bóng” bất động sản.
Chuyên gia này cho rằng, vào thời điểm nổ ra “bong bóng” bất động sản trước đây, giá nhà tăng vùn vụt, ngày hôm sau tăng 1% so với ngày hôm trước. Song, trong giai đoạn sắp tới, tính minh bạch của thị trường đã ít nhiều cải thiện, các nhà đầu tư và các chủ đầu tư cũng hoạt động chuyên nghiệp hơn, cùng với sự hỗ trợ từ khung pháp lý đến từ các luật mới sẽ giúp thị trường kiểm soát “bong bóng” bất động sản.
Ông Trần Ngọc Quang - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Giá bất động sản khó giảm.
Năm 2016, kinh tế Việt Nam được nhận định đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với các tín hiệu được dự báo: GDP tăng dần, khoảng 6,5-7%; lạm phát sẽ tăng nhẹ lên mức 4-5%. Hoạt động tín dụng tăng trưởng tốt. Tình trạng nhập siêu năm 2016 vẫn tiếp diễn, kỳ vọng sẽ cải thiện trong dài hạn nhờ vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ năm 2017. Yếu tố tỉ giá sẽ tiếp tục là vấn đề đáng lưu tâm trong năm 2016 và nhiều khả năng sẽ có từ 1 - 2 lần điều chỉnh tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất trên thị trường tiền tệ nhiều khả năng ổn định, tăng nhẹ so với năm 2015: Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 4,5 - 6,5%/năm, kỳ hạn từ 6 -12 tháng ở mức 6 - 7%/năm. Với những yếu tố vĩ mô thuận lợi đó, theo tôi, trong vòng hai năm tới, thị trường BĐS sẽ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng và xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) ở lĩnh vực này có khả năng bùng nổ trong giai đoạn 2016-2017.
Có một thực tế là giá bán tại các dự án đã đi vào hoạt động thấp hơn nhiều so với giá chào sơ cấp của các dự án mới tung ra thị trường, nhưng lượng tiêu thụ vẫn đạt mức cao cho thấy nhu cầu của khách hàng ở tất cả các phân khúc đều tăng mạnh, triển vọng thị trường trong năm tới vẫn tốt. Việc giảm giá thêm ở mảng BĐS nhà ở khó có thể xảy ra, trừ những nhà đầu tư thứ cấp hầu như trắng tay sau đợt khủng hoảng vừa qua phải bán rẻ để trả nợ. Ngoài ra, một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp rất khó giảm giá căn hộ đó là sợ thương hiệu sẽ đi xuống.
Ý kiến bạn đọc