Bắc Giang: Dân mất trắng đất vì cho doanh nghiệp thuê

06:42, 29/02/2016
|
(VnMedia) - Nhiều hộ dân tại xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đang rất bức xúc vì bị doanh nghiệp "cướp trắng" toàn bộ diện tích đất nông nghiệp. Điểm bất thường hơn cả, chính quyền huyện Lạng Giang đã tiếp tay giúp doanh nghiệp hợp thức hóa toàn bộ số đất này bằng những giấy tờ giả mạo.
 
Câu hỏi đặt ra, tại sao, toàn bộ diện tích đất này lại dễ dàng rơi vào tay của doanh nghiệp như vậy?
 
Vào thời điểm năm 2003, 32 hộ dân xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã cho công ty Anh Đào thuê gần 1ha đất lúa để làm xưởng gỗ với thời hạn là 10 năm và giá thuê 5 triệu đồng/10 năm. 
 
Năm 2013, hết thời hạn thuê đất, người dân đến tìm ông Dương Văn Đào – giám đốc công ty Anh Đào để đòi tiếp tiền thuê đất. Song,  sau gần 10 năm cho thuê đất, nhiều hộ dân xã Đào Mỹ hết sức ngỡ ngàng khi biết toàn bộ số đất ruộng mà mình cho thuê giờ không còn là của mình. Số đất này đã được UBND huyện Lạng Giang chuyển quyền sử dụng cho ông Dương Ngọc Đào để xây dựng cơ sở sản xuất gỗ từ lúc nào không biết. 
Khu nhà xưởng và biệt thự của công ty Anh Đào xây dựng trên đất nông nghiệp của người dân xã Đào Mỹ
Khu nhà xưởng và biệt thự của công ty Anh Đào xây dựng trên đất nông nghiệp của người dân xã Đào Mỹ
Điều đáng nói, trong hồ sơ chuyển nhượng toàn bộ gần 1ha đất nông nghiệp mà công ty Anh Đào thuê của người dân xã Đào Mỹ, có rất nhiều giấy tờ như giấy xin trả lại ruộng của người dân và giấy chuyển nhượng đất giữa các hộ gia đình cho công ty Anh Đào. Trong khi đó, nhiều hộ dân khẳng định họ không hề ký vào những tờ giấy này. Các chữ ký trên giấy đều là chữ ký giả do ai đó đã ký vào để hợp thức hóa hồ sơ nhằm chiếm đoạt toàn bộ số đất của người dân xã Đào Mỹ.
 
Bà Nguyễn Thị Bích – xã Đào Mỹ bức xúc cho biết, vợ chồng bà không hề ký vào đơn xin trả lại đất nông nghiệp cho xã và cũng chưa bao giờ ký vào đơn chuyển nhượng đất nông nghiệp cho công ty Anh Đào. Thế nhưng, mới đây, khi xem tập hồ sơ cấp đất cho công ty Anh Đào, bà Bích và nhiều hộ dân mới tá hóa khi nhìn thấy giấy chuyển nhượng đất, giấy xin trả lại ruộng có chữ ký của mình. Trong khi đó, tại một số giấy chuyển nhượng lại chỉ có chữ ký của 1 người (vợ hoặc chồng - PV), tuy nhiên Văn phòng đăng ký đất đai của huyện Lạng Giang vẫn cho phép chuyển nhượng mà không hề xác minh lại. Như vậy, là vi phạm quy định của pháp luật.
 
"Sau khi phát giác sự việc, chúng tôi đã gửi đơn nhiều cấp chính quyền huyện, tỉnh Bắc Giang và gửi cả công an tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, đã 2 năm nay, sự việc vẫn không được giải quyết dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Người dân cũng vô cùng mệt mỏi" - bà Bích nói.
 
Ông Dương Quang Thiết - người dân xã Đào Mỹ cho biết: "thời điểm ký văn bản chuyển nhượng đất cho công ty Anh Đào, tôi đang đi làm ăn ở Hà Nội. Tôi không ký vào giấy chuyển nhượng này nhưng không hiểu sao lại có chữ ký của tôi ở đó. Chữ ký này không giống chữ ký của tôi. Bản thân tôi đã nhiều lần đề nghị các cơ quan pháp luật cho giám định chữ ký để làm sáng tỏ ai là người đã ký vào giấy này, nhưng sự việc không được làm rõ".
 
Còn theo bà Bùi Thị Minh, sau khi biết sự việc, 32 hộ dân xã Đào Mỹ đã kéo đến nhà ông Dương Văn Đào – Giám đốc công ty Anh Đào để làm rõ. Lúc đó, ông Đào nhận là ông Đào và ông Hồng là cán bộ địa chính xã đã ký vào các tờ đơn này. 
 
Theo tìm hiểu của PV, trong hồ sơ chuyển nhượng đất giữa người dân và ông Dương Văn Đào có chữ ký xác nhận của ông Nguyễn Hữu Hồng là cán bộ địa chính xã Đào Mỹ.
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hồng xác nhận là có chữ ký của ông nhưng do ông trưởng thôn lúc bấy giờ và ông Dương Văn Đào là chủ doanh nghiệp Anh Đào mang đến nhà để ông ký vào đó và không có mặt người dân.
 
“Giấy tờ chuyển nhượng các thửa đất nông nghiệp của người dân xã Đào Mỹ đều do ông Đào tập hợp và chuẩn bị hết. Tôi chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo xã Đào Mỹ lúc đó”.
 
Còn theo lý giải của ông Dương Văn Đào - Giám đốc công ty Anh Đào, việc trong một số giấy tờ chuyển nhượng đất nông nghiệp chỉ có chữ ký của vợ hoặc chồng là do lúc đến nhà để lấy chữ ký thì gia đình người bán không có đủ ở nhà. Vợ hoặc chồng đi làm ăn xa.
 
Vậy ai là người đã ký vào các giấy tờ chuyển nhượng được người dân tố là khống này để làm cơ sở chuyển nhượng đất của người dân sang cho doanh nghiệp? Trong khi theo đúng quy định của pháp luật, khi chuyển nhượng khu đất trên sẽ phải có đủ chữ ký hai người là người vợ và người chồng trong gia đình. Câu hỏi đặt ra tại sao, trong các văn bản chuyển nhượng lại chỉ có chữ ký của 1 người mà Văn phòng quản lý đất đai của huyện Lạng Giang vẫn cho hợp thức hóa để chuyển nhượng và cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp. Vậy sự thật đằng sau các văn bản này là gì?
 
Bài 2: Huyện Lạng Giang: 4 ngày ký 2 quyết định thu hồi và giao đất cho doanh nghiệp Anh Đào 

Ý kiến bạn đọc