Ủy viên TƯ Đảng bàn về kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa: Không thể có chủ nghĩa xã hội từ lý luận sáo mòn!

17:08, 23/01/2016
|

Nếu chủ trương sai, bằng ý chí chủ quan, thì chẳng những con đường lên CNXH không ngắn hơn, mà có khi lại dài thêm, bỏ mất cơ hội và phải mất nhiều thời gian để quay lại.

Với tựa đề Kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương vừa có bài viết đăng trên chuyên trang Tuần Việt Nam thuộc Báo điện tử VietnamNet, góp thêm một góc nhìn về chủ đề này.

Có một thời gian dài, mãi cho đến nay vẫn còn, trong tư duy của nhiều người, cho rằng TBCN và XHCN là hai nửa chính của thế giới, đối lập nhau, cái này phải cơ bản khác cái kia, đã nói đi theo con đường Xã hội nghủ nghĩa (XHCN) mà có cái gì giống Tư bản chủ nghĩa (TBCN) là coi chừng chệch hướng, xét lại. Ta theo duy vật biện chứng nhưng lại suy nghĩ theo kiểu duy tâm siêu hình. Đó là tư duy sai lầm, cực đoan, không biện chứng. CNXH sẽ xuất hiện bằng sự phát triển rất cao và bằng quá trình văn hóa hóa và dân chủ hóa của (chủ nghĩa tư bản) CNTB, đó mới là quy luật khách quan.

Với lý lẽ ấy, có ý kiến lại cho rằng, vậy thì một nước muốn xây dựng CNXH tất yếu phải kinh qua TBCN chứ không thể bỏ qua và cho rằng nước ta bỏ qua là trái quy luật, là sai lầm. Lý lẽ ấy cũng không đứng vững trong mọi trường hợp, bởi vì, người ta có thể đi đến mục tiêu bằng những con đường dài ngắn khác nhau, trong đó, có con đường đi tắt đón đầu. Không thể đến CNXH mà bỏ qua việc phát triển lực lượng sản xuất, cơ sở vật chất và trình độ quản lý tiên tiến như CNTB phát triển, nhưng người ta có thể không phải kinh qua chế độ chính trị  mà quyền lực thuộc về các tập đoàn tài phiệt (đặc trưng của CNTB ở giai đoạn chưa phát triển).

Việc bỏ qua chế độ chính trị TBCN là có thể (và nên) đối với nước ta. Tôi xin nhắc lại là chỉ bỏ qua chế độ chính trị TBCN thôi, còn tất cả kinh nghiệm phát triển của họ thì ta phải học tập một cách nghiêm túc và kế thừa tối đa có thể.

Thực tế ở các nước TBCN hiện đại ngày nay nhờ quá trình dân chủ hóa mà chế độ chính trị từ chỗ quyền lực thuộc về các tập đoàn tài phiệt đã chuyển sang chế độ dân chủ - quyền lực cơ bản thuộc về đại đa số nhân dân. Cái mà người ta đã và đang bỏ đi vì thấy nó lạc hậu kìm hãm sự phát triển của cộng đồng xã hội thì ta chọn làm gì! Ta mong muốn dân chủ nhưng lại chọn chế độ mà quyền lực thuộc về các nhà tài phiệt, những người giàu có - một bộ phận thiểu số của xã hội - thì có phải là ngược không! Chẳng lẽ ta học theo một cách thụ động để rồi sẽ bỏ đi cái mô hình không còn phù hợp ấy?

Ngay cả quá trình Công nghiệp hóa, nhiều nước đã từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp, và sau khi nền công nghiệp phát triển cao thì tiếp tục chuyển sang nền văn minh sau công nghiệp gắn với kinh tế tri thức. Nước ta cũng không nên cứ phải tuần tự như vậy, không đợi đến khi nền công nghiệp phát triển cao rồi mới chuyển sang hậu công nghiệp, mà có thể (và nên) đi tắt, đón đầu, tiến thẳng  sang kinh tế tri thức, từ đó mà tác động ngược lại đối với nền nông nghiệp, công nghiệp.

Như đã nói, sự phát triển đến một trình độ cao về kinh tế và văn hóa cộng với quá trình dân chủ hóa tất yếu sẽ dẫn đến CNXH.

Nếu thừa nhận tính quy luật ấy thì cũng có nghĩa là, dù có nói định hướng XHCN hay không thì xã hội loài người rồi trước sau gì cũng sẽ tiến đến CNXH? Đúng vậy, thế mới là tất yếu, mới là quy luật. Vậy thì việc gì phải định hướng? Tôi nghĩ yêu cầu chính là để quá trình phát triển không phải trải qua nhiều bước đi tự phát, vòng vèo, sai lầm, tốn nhiều thời gian và lãng phí công sức. Yêu cầu ấy chỉ có thể đạt được khi định hướng đúng, khoa học, tôn trọng quy luật khách quan của quá trình lịch sử - tự nhiên.

TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngược lại, nếu chủ trương sai, bằng ý chí chủ quan, thì chẳng những con đường không ngắn hơn, mà có khi lại dài thêm, bỏ mất cơ hội và phải mất nhiều thời gian để quay lại. Nói theo một nghĩa khác, định hướng sai, chủ quan, không khoa học thì đồng nghĩa với cản trở CNXH. Thực tế ở Liên Xô và phe XHCN (cũ) đã từng bị như vậy. Thật đáng tiếc!

Định hướng XHCN là một phạm trù liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội và chính trị, định hướng ấy quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại thúc đẩy lẫn nhau, không thể tách rời.

Bằng cụm từ “Kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa” (tên gọi của bài này), ý của tác giả là giữ định hướng XHCN nhưng tách ra, không nhập vào trong nội hàm của Kinh tế thị trường, muốn Kinh tế thị trường không bị hiểu sai, không bị biến tướng bởi các tư duy chủ quan, không dùng ý chí chính trị can thiệp trực tiếp vào kinh tế trái quy luật khách quan, để cho con đường tiến lên không bị lòng vòng. Định hướng XHCN thì cứ định hướng còn Kinh tế thị trường thì cứ phải là Kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó. Không vì định hướng XHCN mà Kinh tế thị trường không còn là nó.

Chúng ta đã lựa chọn Kinh tế thị trường là đúng rồi. Đó là con đường để phát triển đất nước và tiến dần lên CNXH. Theo tôi, kinh tế thị trường ở các nước TBCN hay XHCN thì nội hàm về cơ bản không khác nhau, mà chỉ có sự khác nhau về trình độ phát triển, và trong đó CNXH phải đạt mức cao hơn CNTB. Muốn hơn thì trước hết phải bằng. Muốn bằng thì phải học tập tối đa kinh nghiệm phát triển của họ.

Trong xã hội XHCN, Kinh tế thị trường sẽ có đặc điểm gì? Tôi xin thử nêu mấy ý kiến sau và cũng là dự báo, còn phải tiếp tục theo dõi thực tiễn để kịp thời điều chỉnh và không ngừng bổ sung.

Thứ nhất, nền kinh tế ấy phải phát triển ở trình độ rất cao, biểu hiện cụ thể ở năng suất lao động và thu nhập cao trên đầu người. Theo nghĩa đó, hiện nay các nước tư bản phát triển, nhất là ở khu vực Bắc Âu, đang cao hơn các nước gọi là XHCN rất nhiều. Trước mắt, nước ta phải phấn đấu để vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình, tiến tới thu nhập cao, và sau đó phải tiếp tục nâng cao nhiều nữa.

Thứ hai, ít phân hóa giàu nghèo. Nói cách khác là không để bị phân hóa giàu nghèo bất hợp lý, bất bình đẳng, trong xã hội không có lớp người giàu nhanh bằng thu nhập bất chính, trong khi một bộ phận khác thì vẫn nghèo (hoặc nghèo đi) do thiếu cơ hội, điều kiện, bất bình đẳng. Sự phân hóa giàu nghèo bất hợp lý, đến lượt nó lại tạo ra mâu thuẫn xã hội và kìm hãm sự phát triển.

Thứ ba, nền kinh tế ấy vận hành chủ yếu bằng cơ chế thị trường ngày càng đồng bộ và đầy đủ. Trong trường hợp cần thiết, nhà nước cần phải tác động vào nền kinh tế, thì sự tác động ấy phải phù hợp (không ngược lại)  với cơ chế thị trường.

Nói cách khác là phải dùng chính cơ chế thị trường để tác động vào thị trường. Vai trò quản lý của nhà nước đương nhiên là cần thiết, ở các nước tư bản cũng vậy, và việc quản lý ấy trước tiên là bảo đảm cho thị trường lành mạnh, không có thị trường ảo, thị trường ngầm, chống độc quyền, chống gian lận lừa lọc, buôn lậu trốn thuế… và sự phân bổ nguồn lực, lựa chọn chiến lược phát triển dựa vào cơ chế thị trường và dự báo tình hình thị trường trong và ngoài nước.

Thứ tư, nhiều thành phần kinh tế bình đẳng với nhau, đa dạng về hình thức sở hữu TLSX, trong đó sở hữu xã hội ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn và đến lúc sẽ trở thành phổ biến. Sở hữu xã hội không phải là sở hữu nhà nước. Nó bao gồm kinh tế cổ phần, kinh tế hợp tác và các tổ chức văn hóa xã hội, các tổ chức phi lợi nhuận của cộng đồng.

Vào cuối đời mình khi thấy kinh tế cổ phần xuất hiện, C.Mác có nhận định “con đường đây rồi”. Sở hữu xã hội ấy là kết quả tất yếu về sự phát triển vượt qua chính mình của kinh tế tư nhân và kinh tế hộ. Tức là trên cái nền của kinh tế tư nhân mà phát triển lên, một cách tự nhiên, tự nó, chứ không phải triệt tiêu hay giới hạn kinh tế tư nhân.

Do phát triển cao, các đơn vị kinh tế tư nhân vượt ra ngoài giới hạn của chính mình, có yêu cầu tất yếu phải quan hệ với nhiều chủ thể khác. Từ đó mà tính chất xã hội hóa ngày càng cao, cuối cùng sẽ xuất hiện sở hữu xã hội, điều chỉnh và khắc phục mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của lực lực lượng sản xuất với chiếm hữu tư nhân trong quan hệ sản xuất. Sở hữu xã hội không phải được tạo ra bằng ý chí chủ quan, hành chính, mà là quá trình phát triển tự nhiên, là yêu cầu tự thân, tự nó.

Đến lúc nào sở hữu xã hội trở thành phổ biến, thì lúc ấy sẽ xuất hiện xã hội XHCN. Các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu để trực tiếp phục vụ quốc phòng hoặc làm nhiệm vụ mở đường đối với các lĩnh vực cần thiết cho đất nước nhưng kinh tế tư nhân chưa ai chịu đầu tư. Khi xã hội có người đầu tư thì nhà nước bán lại cho các nhà đầu tư.

Thứ năm, nền kinh tế ấy trong mối quan hệ mật thiết với nền văn hóa giàu tính nhân văn và nền chính trị thật sự dân chủ. Nền văn hóa đặt vấn đề “con người” vào vị trí trung tâm và hình thành những con người có nhân cách, để từ đó họ quan hệ với nhau trung thực và nhân ái trong hoạt động kinh tế.

Nền chính trị tạo ra khung pháp lý tiến bộ và cơ chế dân chủ (trong đó, quyền lực là của nhân dân, dân ủy quyền mà không mất quyền, ủy quyền gắn với kiểm soát quyền lực) để kinh tế thị trường phát triển bền vững vì mục tiêu phục vụ con người. Dân chủ phải là bản chất của CNXH, tạo sức đề kháng và sức sống của một quốc gia.

Bằng cách tiếp cận trên, chữ “với” trong cụm từ “Kinh tế thị trường với định hướng XHCN” sẽ tham gia góp phần đổi mới tư duy, để từ đó mở ra các hướng nghiên cứu mới tiếp theo.

TS. Vũ Ngọc Hoàng

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương


Ý kiến bạn đọc