(VnMedia) - "Cây giả, hoa giả thống trị không gian đô thị, chúng ta đã có sự nhầm lẫn khi xem nghệ thuật công cộng như là một loại nghệ thuật bình dân" - PGS, TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia nói.
PGS, TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, chuyên gia thiết kế đô thị |
Trước những ồn ào của dư luận xung quanh việc Hà Nội trang trí đường phố “lòe loẹt”, PGS, TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, chuyên gia thiết kế đô thị và bảo tồn di sản đã trao đổi với VnMedia những ý kiến mang tính chuyên môn cao.
Hà Nội đang tạo ra “văn hóa thưởng ngoạn đồ giả”
- Thưa PGS, mọi người đều dễ dàng nhận thấy việc trang trí cho đô thị Hà Nội những năm gần đây đang có vấn đề. Vậy theo bà, cái chưa “chuẩn” trong việc trang trí ở Hà Nội là gì?
PGS, TS Phạm Thúy Loan: Nhìn nhận trên một số phương diện cụ thể, có thể thấy, trang hoàng, trang trí đường phố không phải là việc gì dị lạ, mà là một việc làm có ý nghĩa, nhằm mục đích làm cho không gian đường phố, không gian đô thị trở nên đẹp hơn, giàu cảm xúc hơn, mang lại không khí vui tươi phấn khởi trong lòng người dân. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác trang trí trang hoàng đô thị ở Hà Nội (cũng như nhiều thành phố khác của chúng ta) đã không được đông đảo công chúng đón nhận. Điều này có thể do những nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, xét trên những nguyên tắc cơ bản và kinh điển về thẩm mỹ, cảm thụ thị giác, về chiếu sáng đô thị thì những trang hoàng trang trí hiện nay có thể nói là “chưa chuẩn”. Những nguyên tắc cơ bản đó là chính là tính thống nhất tổng thể, ý tưởng chủ đạo, tỉ lệ tương quan, tỉ lệ nội tại, hiệu ứng chính - phụ, tương phản, hài hòa, nhịp điệu vần luật, cân bằng trong cảm nhận thị giác, phép ẩn dụ hình ảnh, hòa sắc và độ chói… Mỗi nguyên tắc trên đều có những lý luận và cơ sở của nó. Nên nếu người thiết kế không có những kiến thức cơ bản này thì khó có thể tạo ra một sản phẩm tốt.
Thứ hai, về mặt lý luận, công tác trang trí đô thị cần góp phần làm cho hình ảnh về thành phố được rõ ràng, mạch lạc, dễ hình dung, dễ nhớ và giúp người dân có thể định vị, định hướng mình trong không gian được thuận lợi hơn; Thế nên việc trang trí hỗn loạn, mọi chỗ, mọi nơi, không có chọn lọc các tuyến phố chính, các khu vực chính, các nút giao cắt chính như hiện nay khiến cho không gian đô thị càng trở nên khó “đọc”, khó “hiểu”, và gây hiệu ứng mệt mỏi, khó chịu cho người dân.
Thứ ba, việc trang trí phải được hiểu chỉ là bổ khuyết, nhấn nhá, chứ không thể lấn át, che khuất các khung cảnh thực của thành phố, đặc biệt ở những nơi khung cảnh đã rất đẹp, rất nên thơ và đã in đậm trong tâm khảm cộng đồng. Hiện nay, các yếu tố trang trí quá nhiều, quá thô, quá to, và lấn án cảnh quan thực, nên gây hiệu ứng rất khó chịu.
Thứ tư, các nội dung trang trí hiện nay đều chủ yếu theo các mô tip về hoa, lá, chim; nhưng phần lớn là hóa giả, cây giả, chim muông giả, thậm chí đài phun nước giả. Cá nhân tôi rất dị ứng với điều này vì nó tạo ra một văn hóa thưởng ngoạn “đồ giả”, “đồ rởm”… dần dần xã hội không còn có khả năng xúc cảm với những vẻ đẹp dung dị nhất, thật nhất của những cây bàng lá đỏ, hay cây cơm nguội vàng nữa… vì hoa và cây giả đã thống trị không gian đô thị mất rồi.
Còn nhiều vấn đề khác có thể nhận ra khi xem xét các không gian cụ thể, nhưng cơ bản là những vấn đề chính như đã nêu trên.
Cây giả, hoa giả ở phố Nguyễn Chí Thanh - ảnh: Tuệ Khanh |
Nghệ thuật công cộng không phải là loại nghệ thuật bình dân
- Nguyên nhân dẫn đến cách trang trí “hỗn loạn” như PGS nói, có người cho rằng do cách làm tùy tiện, người khác lại cho rằng do người quản lý thiếu thẩm mỹ, có ý kiến lại đổ tại thiếu (thậm chí… thừa) tiền…, còn theo PGS thì do đâu?
Vì chỉ là một người quan sát, tôi e rằng nếu mình kết luận về những nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng trên thì cũng sẽ mang tính chủ quan.
Nhưng phần nào đó có thể nhận xét rằng, việc trang trí hiện nay được quan tâm nhiều về lượng nhưng chưa được quan tâm về chất, dẫn đến tình trạng người dân vừa không thấy thỏa mãn, vừa tiếc tiền chi phí. Điều này lợi bất cập hại.
Việc trang hoàng, trang trí đô thị là mang lại món ăn tinh thần cho xã hội, thì hiệu ứng tinh thần cần được đặt lên hàng đầu, nên cần làm "tinh" thay vì làm nhiều. Bạn sẽ nghe đi nghe lại 10 lần 1 bài hát thật sự hay, chứ không bao giờ chọn nghe 10 bài hát dở.
Trang trí hoa giả ở khu vực Lăng Hồ Chủ tịch - ảnh: Lao Động |
Cần thay đổi nhận thức của nhà quản lý
- Như PGS đã từng chia sẻ, rằng việc trang trí đô thị Hà Nội ngoài việc tạo ra cảm xúc đặc biệt thì còn có ý nghĩa định hướng thẩm mỹ, nâng cao cảm nhận thẩm mỹ của người dân. Vậy theo PGS, về mặt quản lý, cần phải làm gì để đạt được mục tiêu này?
Đúng như đã có lần chia sẻ, tôi cho rằng chúng ta đã có sự nhầm lẫn và một cách vô thức đã xem nghệ thuật công cộng như là một loại nghệ thuật bình dân, dẫn đến việc đưa ra xã hội những sản phẩm phi nghệ thuật, hoặc chất lượng ngệ thuật thấp đến nỗi một người dân thường cũng có thể bức xúc.
Những nhà quản lý về văn hóa phải nhận thức được tầm quan trọng của việc chọn lọc và đưa ra công chúng những sản phẩm nghệ thuật chất lượng nhất, tinh hoa nhất… để nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật của xã hội, định hướng gu thẩm mỹ ngày càng cao cho xã hội.
Điều cần thiết đầu tiên và cần thiết nhất là việc thay đổi nhận thức của những người quản lý trong lĩnh vực văn hóa. Cần chú trọng hơn nữa đến yếu tố giá trị nghệ thuật, thay vì làm lắm, làm nhiều để tiêu nhiều ngân sách.
Khi có một nhận thức đúng đắn, thì sẽ có thể có rất, rất nhiều những hành động tích cực và thiết thực kéo theo, như: Lựa chọn những người có trình độ cao nhất, các KTS, các KTS cảnh quan, các nghệ sĩ, họa sỹ có thành công cao nhất về nghệ thuật tham gia cố vấn hay trực tiếp vào công tác trang hoàng trang trí đường phố; Tổ chức các cuộc thi ý tưởng trang trí thành phố cho nhiều nhóm đối tượng tham gia; Mời các nghệ sỹ, KTS tên tuổi trên thế giới thiết kế 1 dự án nhỏ, 1 công trình trang trí nhỏ thôi nhưng độc đáo và nhiều ý nghĩa, để xã hội có thể tiếp cận và tiệm cận với trinh độ của thế giới; Và song song vận động sự tham gia đóng góp tài chính của các doanh nghiệp, các quỹ, các thành phần khác trong Xã hội.
Ngoài ra còn có rất nhiều cách làm, sáng kiến khác. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là việc chú trọng đến chất lượng nghệ thuật thay vì số lượng của các trang trí đường phố.
- Trân trọng cảm ơn PGS!
Trang trí lòe loẹt khiến đô thị giống như một sàn nhảy
Trao đổi riêng về hiện tượng trang trí ở Hà Nội gần đây, PGS, TS Phạm Thúy Loan nói: "Tôi rất chia sẻ với cảm nhận của người dân, họ không cần có kiến thức cao siêu nhưng cảm nhận của họ rất đúng và sát. Nói là đẹp hay không đẹp thì tùy thuộc vào gu thẩm mỹ của mỗi người, nhưng cái rõ nhất là tính không phù hợp. Không gian đài phun nước ở quảng trường Đông kinh Nghĩa Thục là không gian lịch sử, Hình ảnh của không gian đó nằm sâu trong ký ức của rất nhiều người Hà Nội và cả của du khách, vì vậy, việc đặt vào đó những bông hoa lạ nếu không tính tế đủ, tôn vinh đủ cái môi trường lịch sử đó sẽ lập tức gây ra một cảm giác xa lạ, như là một vật thể dị biệt và việc nó không được đón nhận là một điều dễ hiểu.
Khi đưa một trang trí vào đô thị thì cần có nghiên cứu, việc trang trí chiếu sáng nhằm mục đích gì. Nếu như đó là một nơi đã có giá trị lịch sử được thể hiện trong cảnh quan đó rồi thì việc trang trí chiếu sáng phải tôn vinh những giá trị vốn có của khu vực, thay vì dùng quá nhiều màu sắc lòe loẹt, làm cho người ta có cảm giác không khác gì một tuyến phố thương mại bình thường hay nôm na giống như một sàn nhảy, vì ở đó có quá nhiều ánh sáng, tầm thường hóa cảnh quan. Tôi cho rằng nghệ thuật đường phố là một nghệ thuật rất quan trọng, không thể xem nhẹ được bởi vì ngoài việc tạo ra cảm xúc đặc biệt cho người dân hay nâng tầm giá trị của không gian đô thị thì nó còn có ý nghĩa định hướng thẩm mỹ, nâng cao cảm nhận thẩm mỹ của người dân. Cho nên, tất cả những công trình trang trí công cộng phải hết sức thận trọng." |
Ý kiến bạn đọc