Khoảng 16 giờ 30 ngày 1/1, tại khu vực núi đá Yên Thái, xã Hoàng Giang (huyện Nông Cống), đã xảy ra một vụ tai nạn lao động thương tâm khi đốt lò vôi, khiến 8 người bị chết và 1 người bị thương trong tình trạng nguy kịch, trong đó có 4 người trong 1 gia đình...
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm ngày đầu năm |
Trong số các nạn nhân, có 4 người cùng một gia đình, trong đó 3 người chết gồm: Ông Lê Văn Thong sinh năm 1959 ( chủ lò vôi, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống); 2 người con gái của ông Thong là chị Lê Thị Mai (đang mang bầu tháng thứ 5) và chị Lê Thị Nga; bà Lê Thị Nguyên, vợ ông Thong bị thương, đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng sức khỏe nguy kịch.
5 người khác bị chết trong vụ ngạt khí khi đốt lò vôi gồm: ông Hoàng Văn Việt, ông Lê Đình Hòa, ông Phạm Văn Tuyên (đều ở xã Hoàng Giang) và ông Lê Gia Cường, ông Lê Văn Tân ( ở xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống).
Theo ông Lê Sỹ Hiếu, Phó Trưởng Công an xã Hoàng Giang, Huyện Nông Cống: Lò vôi nơi xảy ra tai nạn thương tâm đang trong quá trình nung vôi ở ngày thứ 2. Nạn nhân đầu tiên trong vụ tại nạn là ông Ông Phạm Văn Tuyên (xã Hoàng Giang) trong quá trình xếp vôi lên lò đã bị ngạt khí ngất xỉu, thấy vậy ông Lê Văn Thong (chủ lò vôi) bắc thang xuống cứu, nhưng mới xuống được vài bậc thang cũng bị ngạt khí, ngất xỉu tại chỗ.
Khi phát hiện sự việc, lần lượt vợ, hai người con gái của ông Thong và các công nhân đang làm việc ở các lò vôi bên cạnh đã bắc thang xuống cứu nhưng chỉ được vài bậc thang là bị ngạt khí, ngất xỉu…
Trước thực tế trên, những người làm việc quanh khu vực đã hô hoán người dân trong xóm đến ứng cứu, đồng thời phá gạch mở thêm cửa phụ để đưa các nạn nhân ra ngoài. Đồng thời, dùng quạt xả công suất lớn để thổi khí độc ra ngoài, tạo môi trường thoáng khí nhằm sơ cứu và đưa các nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do ngạt khí quá nặng nên cả 08 nạn nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa Tâm Đức (huyện Nông Cống) cứu chữa đều không qua khỏi. 01 nạn nhân đang nguy kịch là bà Lê Thị Nguyên (vợ ông Thong hiện đang cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa)
Ông Lê Sỹ Hiếu, Phó Công an xã Hoàng Giang cho biết thêm, trên địa bàn xã Hoàng Giang hiện có 6 lò vôi thủ công (nơi xảy ra vụ tai nạn). Các lò vôi này thu hút vài chục lao động địa phương chủ yếu theo thời vụ. Theo quan sát của phóng viên các lò vôi nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm đều xây dựng tạm bợ, không đảm bảo an toàn cho người lao động.
Sau khi vụ việc xảy ra, UBND huyện Nông Cống và các cơ quan chức năng đã kịp thời đến bệnh viện và các gia đình nạn nhân thăm hỏi động viên. Ban đầu, UBND huyện Nông Cống đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 5 triệu đồng/người; Hội Chữ thập đỏ huyện Nông Cống hỗ trợ 2 triệu đồng/người chết và UBND xã Hoàng Giang đã kịp thời hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 1 triệu đồng/người để lo mai táng phí.
Hiện tại, lãnh đạo huyện Nông Cống đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung công tác khắc phục hậu quả, động viên, thăm hỏi gia đình các nạn nhân. Cụ thể để kết luận nguyên nhân vụ tai nạn và quy trình hoạt động của lò vôi đang được cơ quan điều tra tiến hành làm việc.
Ngạt khí lò vôi - cái chết không kịp phản kháng
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hoá Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội nhân định, các công nhân bị ngạt khí dẫn đến tử vong có thể vì hai khí chủ yếu trong lò vôi là CO và CO2. Ngoài ra còn một số tác nhân nhỏ khác, chẳng hạn như bên cạnh đó có hoạt động hàn xì khí hơi clo, bom clo để sục nước, sát trùng nước, khi kết hợp với khí CO từ lò vôi sẽ tạo nên photon - chất hay dùng trong chiến tranh thế giới thứ nhất rất nhiều khiến người làm việc trong khu vực bất tỉnh.
Tiến sĩ Côn phân tích, CO và CO2 được biết đến là hai khí rất độc. Trong trường hợp nồng độ cao có thể gây ngạt và đi vào hôn mê rất nhanh. Người chết ngạt với khí CO2 thường da xám và tái, còn chết ngạt với khí CO thì da màu tía chứ không tái. Để phân biệt điều này người ta phải khám lâm sàng để chỉ ra nguyên nhân thực sự.
Với lò vôi, lò gạch, bên cạnh hai loại khí nguy hiểm này còn có rất nhiều khí độc khác bắt nguồn từ việc cháy chưa hết của than và hơi nước. Tuy nhiên nồng độ cao nhất vẫn là CO và CO2, với người đang ngủ khí tràn vào nhanh đến mức không kịp nhận biết, từ đó lịm dần, cái chết đến từ từ, không kịp phản kháng.
Trong trường hợp nhận biết có người bị ngạt khí, người khác muốn cứu không thể chủ quan, nếu cứ mặc sức xông vào sẽ bị ngạt khí tương tự. Do đó, người cứu nên tìm cành cây để xua không khí làm loãng khí độc, nếu không có gió, khí độc sẽ tràn vào dần đạt đến nồng độ cao tự khắc sẽ gây ngạt, thậm chí chỉ trong tích tắc.
Muốn vào cứu, việc đầu tiên phải mở tung cửa, hoặc làm thông khí sau đó phải dùng chăn màn, cành cây khua đuổi khí độc, lấy lại đủ khí thở cho nạn nhân. Về mức độ tử vong của các khí này phải tuỳ theo nồng độ, nếu chúng đạt nồng độ gây thiếu oxy làm não hoạt động kém, trì trệ, nạn nhân sẽ lịm dần, nồng độ tăng dần sẽ gây tử vong nhanh không kịp trở tay.
Ý kiến bạn đọc