Cận Tết, lại bùng phát nỗi lo rượu giả

12:01, 01/01/2016
|

(VnMedia)- Nguy cơ rượu giả, rượu kém chất lượng lại trở lên đáng lo ngại hơn khi nhu cầu sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Để hạn chế rượu giả, cần sự vào cuộc của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hậu quả khôn lường về sức khỏe, tính mạng

Tết đến Xuân về là dịp các gia đình quây quần sum họp và ly rượu mừng dường như là một phần không thể thiếu trong những dịp hội ngộ đầu xuân. Tuy nhiên, chính vì nhu cầu tiêu dùng rượu trong ngày Tết tăng cao nên hàng giả, hàng nhái lại có cơ hội trà trộn, gây hậu quả khôn lường.

Kết quả phân tích một số chai rượu giả của các cơ quan chức năng thu được cho thấy, chỉ số metanol trong các sản phẩm rượu giả này khá cao, trong khi chỉ số này trong rượu thật gần như bằng 0. Methanol còn gọi là cồn công nghiệp, có các công dụng phổ biến như làm cồn y tế, năng lượng (cồn khô), dung môi (dung dịch lau kính, mực in cho máy photocopy, pha sơn…). Theo các chuyên gia y tế, khi uống phải loại rượu có nồng độ methanol cao, hệ thần kinh sẽ bị mất kiểm soát, gan và não bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, ngộ độc methanol dễ gây tử vong.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, bức tranh về hàng giả, hàng nhái đã được Chính phủ đánh giá là đang diễn ra rất nghiêm trọng, từ hàng cao cấp đến hàng bình dân, đặc biệt là đối với những mặt hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, trong đó có mặt hàng rượu.

“Không có mặt hàng gì là không thể làm giả. Thậm chí, chúng tôi có 3 tem để dán cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn thì đều bị làm giả hết. Sản phẩm nào tiêu thụ tốt thường dễ bị làm giả.” – ông Thịnh khẳng định.

Người tiêu dùng cần tìm đến những thương hiệu có uy tín, đồng thời biết cách phân biệt hàng thật, hàng giả
Người tiêu dùng cần tìm đến những thương hiệu có uy tín, đồng thời biết cách phân biệt hàng thật, hàng giả

Doanh nghiệp chủ động chống hàng giả

Để đối phó với vấn nạn này, theo ông Nguyễn Đức Thịnh, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ để hạn chế tới mức thấp nhất hoạt động làm giả. Phù hợp với xu hướng này, mới đây, Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico) đã đầu tư hơn 50 triệu USD vào công nghệ sản xuất hiện đại hàng đầu thế giới, hệ thống chưng cất 8 tháp đa áp suất, hệ thống lọc bạc 29 cột để tạo ra sản phẩm tinh khiết, chất lượng cao, loại bỏ hoàn toàn các độc tố.

Cùng với đó, Halico cũng thay đổi mẫu mã, bao bì công nghệ cao khiến sản phẩm khó có thể làm giả bằng các dụng cụ phổ thông. “Cả hai sản phẩm mới chúng tôi vừa giới thiệu ra thị trường là Vodka 94 Lò Đúc và Vodka Hà Nội mới đều được dập nổi logo, thương hiệu, số seri vỏ chai. Đặc biệt, chúng tôi còn nhập khẩu nút chai từ châu Âu chỉ sử dụng được 1 lần và rất khó bị làm giả ”- ông Mai Văn Lợi, Giám đốc Halico, chia sẻ.

Người dùng cần biết phân biệt rượu thật, rượu giả

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia, rượu và nước giải khát Việt Nam, người tiêu dùng nên trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản để nhận biết rượu thật, rượu giả như mức rượu trong chai. Cụ thể mức rượu trong chai rượu thật thường đều nhau, vì được đóng bằng dây chuyền tự động, trong khi với rượu giả, mức rượu trong chai không đều vì rót thủ công.

Cùng với mức rượu, người dùng nên để ý kỹ vỏ chai. Thông thường rượu giả, nhái đều sử dụng lại vỏ của chai rượu thật, qua quá trình tẩy rửa, nhãn trên chai có thể bị trầy xước, bong tróc, hoặc nhãn thiếu sắc nét so với chai rượu thật. Khi mở nắp, chai rượu thật dễ mở, rãnh đứt sắc nét, có tiếng tách rất gọn, rượu giả khó được như vậy. Khi uống, rượu giả có mùi cồn hoặc mùi sơn móng tay (acetone) khá nặng, vị hơi đắng, trong khi rượu thật sẽ thơm, vị dịu nhẹ…


Ý kiến bạn đọc