(VnMedia) - Sau 3 năm đóng cửa, trung tâm thương mại Grand Plaza mới đây đã hoạt động trở lại dưới tên mới Kasa Grand và hình thức mới là siêu thị nội thất. Sự thay đổi này liệu có khiến cho trung tâm thương mại sở hữu vị trí "đất vàng" này được đổi vận?
Là TTTM cao cấp đầu tiên ra đời tại trung tâm mới của Hà Nội, Grand Plaza nằm tại Trần Duy Hưng, ngay vị trí đắc địa phía Tây của Thủ đô từng được kì vọng sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ khu vực. Nơi đây còn được ví như "thiên đường mua sắm đệ nhất Hà thành" khi hội tụ các nhãn hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng thế giới.
TTTM Grand Palza được Công ty CP đầu tư IDJ (IDJ) mua lại Grand Plaza từ chủ đầu tư Charmvit Hàn Quốc với mức giá 50 triệu usd từ năm 2009, đến năm 2010, Grand Palza chính thức được khai trương.
Thời điểm này, Grand Palza nổi lên là trung tâm thương mại hàng đầu, xa xỉ bậc nhất tại Hà Nội với giá thuê tầng 1 lên tới 100 usd/m2.
Tuy nhiên, chỉ sau hai năm hoạt động, TTTM Grand Plaza đã phải đóng cửa vì ế ẩm, chủ đầu tư và khách thuê không thống nhất được giá và các loại phí dịch vụ...
Nguyên nhân chính làm cho người mua sắm cũng như người kinh doanh không đến với TTTM này là do sự quản lý yếu kém, không đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Khách đến một lần, không quay trở lại, còn người kinh doanh trót thuê mặt bằng chịu lỗ mà bỏ đi.
Cứ hai ba gian hàng lại có một gian hàng trống, tình trạng vắng vẻ ế khách khiến cho các gian hàng lần lượt ra đi và đến nay thì khách hàng phải đi bộ lâu lâu mới bắt gặp một gian hàng. Thực trạng này khiến Grand Plaza không trở thành “thiên đường mua sắm” mà lại là nơi vắng khách như “chùa bà đanh”.
Tình trạng ế ẩm là nguyên nhân đặc biệt quan trọng. Ở TTTM Grand Plaza có quá ít các gian hàng, mặt hàng lại không phong phú, không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đi vào hoạt động đã được hơn 2 năm nhưng TTTM vẫn còn nhiều gian hàng trống. Lượng khách ra vào TTTM ngày càng thưa thớt, thậm chí, nhiều gian hàng không có khách nào ghé qua.
Có hàng tá lý do biện bạch cho sự thất bại này, điều đầu tiên được những người quản lý Grand Plaza đưa ra là do mặt hàng quá cao cấp, tập trung cho đối tượng thu nhập trên 10 triệu đồng, và chiến lược này đã được điều chỉnh bằng chiến lược “bình dân hóa” với định hướng vào nhóm khách hàng có thu nhập 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, lần tái cơ cấu này của Grand Plaza vẫn tiếp tục thất bại.
Kinh doanh thua lỗ, ngày 21/12/2012 công ty cổ phần Quản lý tài sản IDJ (IDJA) bất ngờ thông báo tăng phí dịch vụ hơn 1 triệu đồng/1 m2 sàn cho tất cả các gian hàng kinh doanh tại đây. Lý do tăng phí được đưa ra là do tỷ lệ lấp đầy quá thấp, khi đó khoảng 21%, và IDJA cho rằng đây là mức phí tạm tính và sẽ áp dụng theo tỷ lệ nghịch với tỷ lệ lấp đầy.
Điều đó có nghĩa là tỷ lệ lấp đầy càng thấp thì mức phí càng cao, và theo dự báo nếu tỷ lệ lấp đầy xuống 5% thì mức phí sẽ tăng lên 4 triệu/m2, để chia đều cho tổng chi phí dịch vụ.
Như vậy, với gian hàng 40m2 thì phí dịch vụ khách thuê phải trả lên đến 40 triệu đồng mỗi tháng. Điều này khiến các khách thuê rất bức xúc. Do hàng ế, vừa kinh doanh thua lỗ lại phải chịu phí dịch vụ cao ngất.
Và kết cục là, không lâu sau đó, Grand Plaza phải tự quyết định số phận cho mình bằng giải pháp “đóng cửa” vào tháng 12/2012.
Việc đóng cửa này đã khiến cho ông chủ IDJ phải gánh một khoản lỗ không hề nhỏ. Theo báo cáo tài chính quý 4/2014, công ty IDJ lỗ gần 24 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ.
Trong quý 4, doanh thu thuần của IDJ chỉ hơn 4.4 tỷ đồng, trong khi giá vốn đến 9.4 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp gần 5 tỷ đồng. Trừ đi các khoản chi phí phát sinh, IDJ lỗ đến gần 24 tỷ đồng, nâng lỗ cả năm 2014 lên con số hơn 29 tỷ đồng.
Theo giải trình của IDJ, do trung tâm thương mại Grand Plaza vẫn đóng cửa để tìm phương án tái cấu trúc thì Công ty vẫn phải chịu chi phí hao mòn, bảo vệ...
Bên cạnh đó, nhằm tạo dòng tiền trong năm mới, IDJ đã chuyển nhượng thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu một số danh mục đầu tư. Ngoài ra, công ty cũng phải trích lập dự phòng và doanh thu từ các công ty con vẫn chưa phát sinh do chưa đi vào hoạt động.
Năm 2014, IDJ chính thức trở thành công ty con của Công ty cổ phần đầu tư APEC(API) - một thành viên của Apec Group. Toàn bộ HĐQT cũ của IDJ lặng lẽ rút lui trong cuộc họp Đại hội cổ đông 2015, HĐQT mới của IDJ chính thức ra mắt với chủ tịch HĐQT mới là ông Nguyễn Hòang Linh - thành viên của API.
Ông chủ mới của Grand Plaza đã quyết định thay đổi hoàn toàn bộ mặt của trung tâm thương mại này khi biến thành Siêu thị nội thất Kasa Grand.
Với tổng diện tích khoảng 15.000 m2, bao gồm hơn 200 gian hàng, Kasa Grand giờ đây chỉ là diện tích trưng bày và bán toàn sản phẩm nội thất cao cấp trong nước và nhập khẩu.
Như vậy, Grand Plaza tự định vị trở thành TTTM đơn ngành, tập trung vào duy nhất ngành hàng nội thất nói chung và thị trường “Nội thất Sạch” vốn còn khá mới mẻ với người tiêu dùng Việt nói riêng.
Thành công hay thất bại của trung tâm thương mại vốn mang tiếng lận đận này vẫn là câu hỏi sẽ được giải đáp trong thời gian tới đây.
Ý kiến bạn đọc