Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam vừa chế tạo thành công máy bay không người lái tầm xa phục vụ nghiên cứu khoa học và an ninh, quốc phòng.
Thông tin từ Viện Công nghệ Không gian cho biết: Được sự đồng ý của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Lãnh đạo Bộ Công an; Lãnh đạo Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng, tháng 5/2013, Viện Công nghệ Không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thử nghiệm thành công 5 loại mẫu máy bay không người lái tầm ngắn và tầm trung với 253 chuyến bay thành công, phục vụ nghiên cứu khoa học tại bãi thử Hoà Lạc, Tây Nguyên và Vịnh Vân Phong - Khánh Hoà.
Máy bay trinh sát điện tử không người lái tầm xa (ảnh do Viện Công nghệ Không gian cung cấp) |
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái thuộc Đề tài khoa học cấp nhà nước, Viện Công nghệ Không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã kết hợp với Bộ Công an nghiên cứu chế tạo thành công máy bay trinh sát điện tử không người lái tầm xa với sải cánh 22m, tải trọng 1.350kg, cự ly bay trên 4.000km hành trình, 35 giờ bay liên tục, có sử dụng vệ tinh dẫn đường. Máy bay được tích hợp các thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và thiết bị trinh sát điện tử phục vụ mục đích an ninh quốc gia.
Nhân dịp Giáo sư, Viện sĩ Gusakov – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Belarus cùng đoàn Belarus sang thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ra mắt sản phẩm máy bay trinh sát điện tử không người lái tầm xa và triển khai chương trình bay thử nghiệm.
Viện sỹ Gusakov khi chứng kiến sản phẩm máy bay không người lái phiên hiệu SH-6L đã rất ngạc nhiên và bày tỏ khâm phục kết quả mà các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được.
PGS.TS Phạm Ngọc Lãng - Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khẳng định, Việt Nam đã có đủ khả năng chế tạo máy bay không người lái tầm xa để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trước đó, năm 2013 nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thành công 5 loại mẫu máy bay không người lái tầm ngắn và tầm trung với 253 chuyến bay thành công phục vụ nghiên cứu khoa học tại bãi thử Hòa Lạc, Tây Nguyên và Vịnh Vân Phong - Khánh Hoà. Trong đó loại lớn nhất có thể bay với bán kính 100 km, trần bay là 3.000 m, tốc độ tối đa là 180 km/h, thời gian hoạt động trên không 6 giờ và có thể bay cả ngày và đêm.
Ý kiến bạn đọc