(VnMedia) - Theo GS. NGND. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đòi trả lại vị thế của môn Lịch sử mà không khắc phục những sa sút, yếu kém hiện nay của môn Lịch sử thì thật là vô nghĩa.
Giáo dục môn Lịch sử trong trường học đang sa sút
Theo GS. NGND. Phan Huy Lê, thời gian gần đây, giáo dục môn Lịch sử trong trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sa sút nhiều, gây nỗi lo âu trong xã hội.
Học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện. Nếu đưa vào môn học này bắt buộc thi thì điếm số rất thấp. Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết học sinh không chọn môn Lịch sử. Học hết cấp phổ thông mà hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh là rất lờ mờ, thậm chí những sự kiện cơ bản hay nhân vật anh hùng tiêu biểu cũng không nhớ hay nhớ sai.
Tình trạng xuống cấp của môn Lịch sử có nhiều nguyên nhân, trước hết là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức. Truy nguyên lên cao hơn là do chương trình và nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học.
Ngoài ra còn những nhân tố gia đình và xã hội như coi môn Lịch sử nặng về trí nhớ, ít sáng tạo, không muốn cho con học Lịch sử, học Sử không có tiền đồ, khó tìm việc làm. Tuy nhiên, GS. NGND. Phan Huy Lê nhấn mạnh, hiện nay học sinh phần lớn “quay lưng” lại cách dạy và học môn Lịch sử, chứ không phải “quay lưng” lại môn Lịch sử.
Đồng quan điểm với GS. NGND. Phan Huy Lê, PGS.TS. Hà Thị Thu Thủy, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cũng cho rằng, thực tiễn cho thấy, hiện nay lớp trẻ đang còn tuổi học đường xuất hiện hai luồng học sinh. Một rất yêu thích môn Sử, say mê học Sử và học Sử một cách nghiêm túc, nhưng vì cơ hội việc làm không lớn hoặc có việc nhưng thu nhập không lớn nên gác đam mê theo những ngành có kinh tế. Vậy là kiến thức lịch sử bị quên dần theo tháng năm. Hai là ghét học Sử vì khó học, vì người lớn cho rằng nó là môn phụ nên chẳng học.
Ảnh minh họa |
Cần sớm cải cách toàn bộ hệ thống môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông
Mới đây, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vào chiều 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết trong đó yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.
Theo GS. NGND. Phan Huy Lê, việc giữ lại môn Lịch sử như nghị quyết của Quốc hội có nghĩa là đã trở thành vấn đề của Chính phủ chứ không phải của riêng Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, giữ lại môn Lịch sử thế nào, dạy ra sao, học kiểu gì thì chưa được nói cụ thể trong nghị quyết.
Đặc biệt, trước đó, tại một hội thảo của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khi đề cập đến môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông, GS. Phan Huy Lê cũng đã khẳng định, cần sớm cải cách toàn bộ hệ thống môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông. Nếu chỉ đòi trả lại vị thế của môn Lịch sử mà không khắc phục những sa sút, yếu kém hiện nay của môn Lịch sử thì thật là vô nghĩa.
Cũng theo GS. NGND. Phan Huy Lê, hiện trạng sa sút của môn Lịch sử có những nguyên nhân rất cụ thể mà nhiều hội thảo đã đem ra phân tích và đề xuất những kiến nghị rất khả thi. Đây là những thiếu sót, hạn chế mang tính hệ thống từ nhận thức về vị thế, yêu cầu, mục tiêu giáo dục của môn học đến chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, đào tạo giáo viên. Chính vì thế mà cố gắng cải tiến cách dạy của không ít thày/cô giáo tâm huyết chỉ tạo nên một số kết quả nhất định, không thay đổi được toàn cục.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và một số tổ chức giáo dục, phương tiện truyền thống cũng đã có nhiều cố gắng trong vinh danh các học sinh học giỏi môn lịch sử, cấp học bổng, thi tìm hiểu về lịch sử... nhằm khích lệ tinh thần yêu lịch sử, nhưng hiệu quả cũng không thể vượt qua những hạn chế chung của môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông hiện nay. Trong cải cách hệ thống giáo dục môn Lịch sử, có nhiều vấn đề đặt ra cần nghiên cứu và rút kinh nghiệm.
"Tôi muốn lưu ý hai vấn đề: Thứ nhất, cần coi trọng tính khoa học của môn lịch sử, tất cả nội dung đưa vào sách giáo khoa, vào bài giảng phải được chọn lọc rất kỹ, phải bảo đảm độ tin cậy cao với những cứ liệu chặt chẽ. Tiếp đến giáo dục năng lực và phẩm chất phải gắn liền với kiến thức, tôn trọng nhân cách và phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, không được áp đặt từ những yêu cầu chính trị tư tưởng chung chung" - GS. NGND. Phan Huy Lê phát biểu.
Ý kiến bạn đọc