(VnMedia) - Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra Dự án Dầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, trong đó có nhiều sai phạm thuộc trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội.
Dự án Bắc Thăng Long bị phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có trách nhiệm thuộc UBND thành phố Hà Nội |
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì là dự án lớn của thành phố Hà Nội, tuy nhiên, trong quá trình quản lý, triển khai thực hiện dự án còn một số tồn tại, sai phạm.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, về khảo sát lập, thẩm định, phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh Dự án, UBND Thành phố Hà Nội và Chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án. Cụ thể, Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/1997 nhưng thực tế đến đầu năm 2012 mới được triển khai thực hiện; công tác khảo sát, quy hoạch diện tích sử dụng đất của dự án chưa sát với thực tế, dẫn đến tổng mức đầu tư và quy mô sử dụng đất của dự án phải điều chỉnh bổ sung tới 4 lần.
Dự án tổ chức thực hiện chậm, không bảo đảm thời hạn như đã cam kết trong Hiệp định vay vốn ODA, phải điều chỉnh giảm nguồn ODA, tăng vốn trong nước và thời gian hoàn thành dự án, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA không cao, trong khi nguồn vốn trong nước còn khó khăn nhưng vẫn phải bổ sung bù vào phần vốn ODA để tiếp tục thực hiện phần con flaij của dự án do Hiệp định vay vốn ODA kết thúc.
Về việc xây dựng công trình theo quy hoạch xây dựng, UBND thành phố Hà Nội không thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm Điều 9 Nghị định 91 và Điều 13 Quyết định 332 của Bộ Xây dựng. Việc thiếu quy hoạch chi tiết dẫn đến việc kết nối hạ tầng kỹ thuât với các dự án khác trong khu vực về sau sẽ gặp nhiều khó khăn và không đánh giá được sự phù hợp của dự án với quy hoạch.
Kết luận cũng chỉ ra, việc bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất tại các Khu tái định cư thực hiện chậm, nguồn kinh phí dành cho việc thực hiện chính sách tạm cư phải kéo dài nhiều năm, đời sống của các hộ gia đình bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở chưa được ổn định, dẫn đến hiệu quả của chính sách tái định cư không đạt được mục tiêu đề ra.
Công tác quản lý đất đai tại khu tái định cư Võng La chưa chặt chẽ, dẫn đến việc các hộ dân thực hiện xây dựng nhà ở tái định cư chưa đúng với ranh giới, diện tích đất đã được giao, nên một số lô đất chưa giao có sai lệch về mốc giới, không đúng với hồ sơ thửa đất, làm cho việc bàn giao lại cho địa phương thực hiện chậm; hiện vẫn còn một số lô đất chưa được giao tái định cư cho các hộ gia đình.
Khu tái định cư Hải Bố 01 có diện tích 8494 m2, hoàn thành ngày 7/6/2011 và Hải Bố 02 có diện tích 6960m2, hoàn thành ngày 13/3/2012 nhưng đến nay, UBND Thành phố và các cơ quan chức năng vẫn chưa thực hiện việc bố trí giao đất cho các hộ gia đình đủ điều kiện tái định cư theo quy định.
Đặc biệt, về thực hiện một số gói thầu của Dự án, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm, với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, gói thầu CP2 - Hệ thống đường và hệ thống thoát nước sử dụng vốn ODA (giai đoạn sau 2006), Chủ đầu tư ban hành 8 Quyết định phê duyệt điều chỉnh thiết kế, dự toán nhưng đều không thẩm tra, thẩm định khối lượng, vi phạm Nghị định 99 và Nghị định 112 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Hạng mục kênh Việt Thắng thực hiện không đúng với thiết kế đã được phê duyệt, lớp cát đệm 15cm không đủ chiều dày ở nhiều vị trí, khối lượng thiếu so với thiết kế được phê duyệt, quy ra tiền là 547 triệu đồng và 4 triệu yên Nhật.
Đối với gói thầu số 2, việc lập dự toán bổ sung cho công tác GPMB được kết luận là thiếu thận trọng, có yếu tố chủ quan nên một số hạng mục như: phá dỡ công trình cũ, chặt và vận chuyển cây; đào và vận chuyển gốc cây; bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu không đúng thực tế với số tiền hơn 2,57 tỷ đồng.
Tư vấn thiết kế sử dụng định mức thi công 20% bằng thủ công và 80% bằng máy trong thiết kế, dự toán không đúng quy định, với tổng số tiền chênh lệch là hơn 4,5 tỷ đồng.
Việc bán thầu của một số nhà thầu sau khi trúng thầu sai quy định thu lợi bất chính, trong đó gói thầu số 4, nhà thầu thi công xây dựng là Tổng Công ty xây dựng Hà Nội, qua 2 lần chuyển nhượng trái phép thu gần 4 tỷ đồng; gói thầu 8 giếng ngoài đê, nhà thầu thi công xây dựng là Tổng Công ty cấp thoát nước và môi trường Việt Nam, qua 2 lần chuyển nhượng trái phép thu hơn 1,65 tỷ đồng.
Đối với việc điều chỉnh thiết kế đối với một số hạng mục của gói thầu xây dựng số 2, 4, 5 liên quan đến đường nối kênh Giữa, đường Gom thuộc gói thầu CP2, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt và đã tổ chức thi công, khi thay đổi thiết kế bản vẽ thi công chưa kịp thời, dẫn đến phải đào bỏ một phần khối lượng nền đường mà trước đó nhà thầu đã thi công, gây lãng phí số tiền hơn 1,93 tỷ đồng.
Việc không tổ chức thực hiện một số nội dung công việc thuộc chi phí khác như: chi phí kiểm định chất lượng công trình, bảo hiểm công trình, thẩm tra thiết kế, dự toán… trong dự toán của 8 gói thầu sử dụng vốn trong nước đã được phê duyệt, có giá trị trên 3,27 tỷ đồng, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra chất lượng công trình, kiểm soát khối lượng, đơn giá, định mức để phê duyệt dự toán.
Việc thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử cũng có nhiều sai phạm.
97 tỷ đồng sai phạm không thu hồi
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội khi tiến hành thanh tra gói thầu CP1 - Nhà máy cấp nước thuộc Dự án (2006), không thực hiện đúng quy định hoạt động thanh tra, không kết luận thanh tra khi đã có kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra (8 năm).
Trong khi đó, một số nội dung kết luận, kiến nghị của các cơ quan kiểm toán, điều tra, xét xử không được UBND thành phố đốc thúc chỉ đạo triệt để, có tính chất buông xuôi trong thời gian dài, dẫn đến việc thu hồi số tiền sai phạm về ngân sách nhà nước bị thất thoát. Hiện vẫn còn số lượng tiền lớn sai phạm cho đến nay chưa thực hiện, với tổng số tiền trên 97 tỷ đồng.
Trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội
Thanh tra Chính phủ kết luận, để xảy ra những tồn tại, sai phạm trên, trách nhiệm thuộc UBND Thành phố Hà Nội, Chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội và các dự án trọng điểm phát triển đô thị và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh toàn bộ tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng đã nêu trong kết luận thanh tra, đồng thời chỉ đạo Chủ đầu tư tổ chức khắc phục các hồ sơ, tài liệu đã sử dụng sai con dấu đối với gói thầu 8 giếng ngoài đê theo đúng quy định của pháp luật để thực hiện việc quyết toán vốn đầu tư dự án.
Với sai phạm tài chính ở một số gói thầu của dự án, Thanh tra chính phủ yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ số tiền hơn 5,6 tỷ đồng; xem xét loại khỏi quyết toán số tiền hơn 7,67 tỷ đồng và hơn 4 triệu yên Nhật; xử lý số tiền 3,27 tỷ đồng do không thực hiện thuộc chi phí khác trong dự toán của 8 gói thầu sử dụng vốn trong nước đã phê duyệt; số tiền này không được thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình, vì các công trình này đã hoàn thành, nghiệm thu, thanh toán, bàn giao đưa vào sử dụng.
Về xử lý hành chính, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể UBND Thành phố và cá nhân có liên quan trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, chỉ đạo Chủ đầu tư và Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; công tác tham mưu về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đối với dự án đã để xảy ra một số tồn tại, vi phạm như đã nêu trong kết luận thanh tra. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có hình thức xử lý những tập thể, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.
Ý kiến bạn đọc