Làn sóng các tay vợt Việt kiều đang đổ về Việt Nam

15:39, 23/12/2015
|

Ngày càng có nhiều tay vợt Việt kiều hồi hương tập luyện và thi đấu, góp phần giúp quần vượt nước nhà có cơ hội lựa chọn ra những tài năng thực sự đại diện cho Việt Nam thi đấu ở những giải quốc tế.

Artem Vũ đã có mặt trong top 8 Giải các cây vợt xuất sắc 2015.
Artem Vũ đã có mặt trong top 8 Giải các cây vợt xuất sắc 2015.

Có thể kể ra một danh sách dài các tay vợt Việt kiều đã và đang định hướng quay về VN để phát triển như Nguyễn Marshall David (Pháp), Tiffany Nguyễn (Mỹ), Daniel Nguyễn (Mỹ, hạng 216 thế giới)... Và trong số đó, hai tay vợt trẻ Artem Vũ và Lian Trần đang gây sốt tại Giải quần vợt các cây vợt xuất sắc 2015 diễn ra ở CLB quần vợt Phú Thọ (TP.HCM).

Hành trình tìm về quê cha

Hai chị em Lian Trần (13 tuổi) và Demi Trần (15 tuổi) đến quần vợt Việt Nam một cách tình cờ khi cùng cha mẹ lần đầu về VN thăm bà con vào tháng 9 vừa qua. Được giới thiệu thử sức ở Giải vô địch quốc gia 2015, cô bé 13 tuổi Lian Trần đã gây sửng sốt khi tiến thẳng đến trận chung kết bằng lối đánh hiện đại, nhanh nhạy và đầy quyết đoán.

Cha của hai chị em, ông Trần Thế Thắng (chủ một nhà hàng món Việt tại thành phố Rotterdam, Hà Lan) cho biết: “Lian Trần đang xếp hạng 403 trẻ thế giới (thứ 5 tài năng trẻ Hà Lan), còn cô chị Demi Trần xếp hạng 553 trẻ thế giới. Lian Trần là tay vợt số 1 của tuyển U-14 nữ Hà Lan tham dự các giải Winter Cup, Summer Cup... Tại Hà Lan, Lian được Nike tài trợ trang phục, Wilson tài trợ dụng cụ và tập luyện cùng HLV do Liên đoàn Quần vợt Hà Lan chỉ định”.

Từ nhỏ, ông Thắng không để hai con tập một nơi nào quá hai năm để luôn tìm đến cái mới. Và trên con đường tiến lên chuyên nghiệp, ông Thắng muốn hướng con ra khỏi Hà Lan để phát triển. Nhưng cái khó là gia đình không có điều kiện thuê HLV giỏi cho họ nên ông Thắng phải mày mò học quản lý dinh dưỡng, kỹ thuật quần vợt để cùng hai con đi khắp nơi.

Trong khi đó, Artem (19 tuổi, nam) đang gây sốc tại Giải các cây vợt xuất sắc 2015 khi liên tục đánh bại các cựu tuyển thủ Việt Nam như Trần Hoàng Anh Khoa, Lâm Quang Trí... Tay vợt có gương mặt rất Tây hút hồn fan nữ này được sinh ra trong gia đình có truyền thống thể thao. Ông ngoại Artem là một võ sĩ quyền anh, còn cậu ruột Tovtenko Andrey từng là đội trưởng U-18 CLB Dynamo Kiev nhưng sớm giã từ sự nghiệp vì chấn thương.

Ông Vũ Đình Tuấn (ba Artem) cho biết: “Tôi sang Ukraine từ năm 1977 và lấy vợ người Ukraine. Con trai út Artem từ nhỏ đã được tập luyện tại CLB Antei Sport nổi tiếng ở Kiev, nơi từng đào tạo cựu tay vợt hạng 4 thế giới Andrey Medvedov”.

Với điều kiện tốt như thế, sao gia đình lại chọn đưa Artem về VN phát triển? Ông Tuấn đáp: “Ở Ukraine, chúng tôi phải tự túc mọi thứ. Các bậc phụ huynh tại Kiev luôn phải lo lắng tài chính bởi chi phí chơi quần vợt vào mùa đông lạnh giá rất đắt đỏ. Tôi đưa Artem đi khắp châu Á để luyện tập vào mùa đông cùng nhiều tay vợt Ukraine khác, trong đó có đến Thái Lan. Và rồi tôi tự nghĩ tại sao không phải là Việt Nam quê hương mình?! Việt Nam cũng có những tay vợt trẻ giỏi, chẳng hạn như Hoàng Thiên vô địch giải Orange Bowl uy tín năm 14 tuổi, điều mà Thái Lan không làm được. Thế là tôi chuyển dần công việc về Việt Nam để tìm chỗ cho con tập quần vợt. Và bến đáp là CLB quần vợt của Becamex Bình Dương”.

Đất lành chim đậu

Ông Tuấn nói tiếp: “Tôi đã đi từ Bắc chí Nam để tìm hiểu và quyết định dừng lại ở Bình Dương. Nơi đây có môi trường tốt cho tập luyện với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ HLV có chuyên môn... Ngoài ra, Artem cũng có nhiều tay vợt trình độ tốt, khát khao tiến lên để tập luyện cùng. Tôi cũng cảm nhận được không khí thể thao chuyên nghiệp bởi ngoài quần vợt, Bình Dương còn có xe đạp, bóng đá và đây là yếu tố rất quan trọng”.

Theo HLV Nguyễn Phi Anh Vũ của Bình Dương, Artem sở hữu lợi thế thể hình tốt (cao trên 1,80m), sức mạnh, tốc độ... HLV Anh Vũ khẳng định ở Bình Dương, Artem được hỗ trợ như mọi tài năng khác, kể cả Lý Hoàng Nam hay nhà vô địch U-14 châu Á nhóm II Nguyễn Văn Phương. HLV Anh Vũ nói: “Chúng tôi đã định hướng cho Artem được thi đấu nhiều giải chuyên nghiệp Men’s Future vào năm sau cùng với Lý Hoàng Nam”.

Từ mối quan hệ với một vài tay vợt chuyên nghiệp của Ukraine, ông Tuấn đã nhìn rõ khó khăn khi con theo đường VĐV chuyên nghiệp bởi trong số hàng ngàn người chơi chỉ có một vài người thành công. Hiện ông Tuấn chưa nghĩ đến việc con có kiếm tiền tỉ hay không mà chỉ đơn giản là đang tạo cho con cái nghề, bởi theo ông, dạy quần vợt cũng là một nghề sống được. Do đó, nhiệm vụ của Artem là hãy làm hết sức, leo càng cao càng tốt trên bảng xếp hạng ATP và sau đó điều gì đến sẽ đến.

Về chuyện khoác áo tuyển Việt Nam, ông Tuấn nói: “Thật ra, Artem đã được Liên đoàn Quần vợt Việt Nam tạo điều kiện cùng tuyển Việt Nam dự Davis Cup 2014 nhưng chỉ tập cùng vì chưa có quốc tịch Việt Nam. Đây là một hướng đi đúng đắn và bản thân Vũ Artem phải nỗ lực để có được một vị trí trong tương lai”.

TPHCM mời Lian và Demi Trần

TP.HCM đã ngỏ lời mời đến hai chị em họ Trần. Trao đổi với phóng viên, cha của hai cô gái nói: “Có vài đơn vị liên hệ với tôi nhưng tôi cảm thấy TP.HCM tạo điều kiện tốt nhất cho con tôi phát triển. Tuy mọi việc vẫn đang trong quá trình thương lượng nhưng TP.HCM cam kết sẽ hỗ trợ cho chúng tôi ở ngay CLB quần vợt Phú Thọ với sẵn sân tập, điều kiện ăn uống cũng tốt. Đặc biệt, tôi cũng được chọn những HLV giỏi người Việt mà tôi cảm thấy có thể giúp con mình vươn lên chuyên nghiệp”.

Đây chính là nỗi băn khoăn của gia đình Việt kiều Hà Lan bởi họ không thể lo mãi về kinh phí (ngày một nhiều) đi thi đấu cho hai con. Theo ông Thắng, đây là con đường đi lên chuyên nghiệp mà nhiều VĐV trẻ Hà Lan cũng phải mơ ước. Ông Thắng nói: “Vợ chồng tôi đã nói chuyện với con và cả gia đình thống nhất sẽ phát triển tại Việt Nam. Tôi đã lên kế hoạch cho năm 2016 với nhiều giải đấu. Tôi hi vọng trước khi hết lứa tuổi trẻ (18 tuổi) Lian và Demi sẽ được dự nhiều giải Grand Slam trẻ”.


Ý kiến bạn đọc