Khi "tàu tốc hành" Federer đổi chiến thuật!

11:00, 28/12/2015
|

Khép lại năm 2015 bằng buổi tiệc Giáng sinh hạnh phúc bên gia đình nhỏ, Roger Federer tiết lộ anh sẽ không dự nhiều giải đấu quan trọng ở mùa giải mới để tập trung cho mục tiêu Olympic và danh hiệu Grand Slam thứ 18 trong sự nghiệp…

Tay vợt Federer
Tay vợt Federer

Lâu nay, Roger Federer thừa nhận vẫn “chiến đấu cật lực” với tuổi tác của chính mình vì tình yêu quần vợt. Anh chưa quen khi bị gọi là “lão tướng”, bởi thực tế vẫn đang chứng minh rằng Federer chạy khỏe, đánh hay và đâu đã văng khỏi tốp 3 tay vợt nam hàng đầu thế giới! Thậm chí, tay vợt số 1 thế giới Djokovic luôn thừa nhận ý chí và khát vọng chiến thắng mãnh liệt của Federer từ lâu đã trở thành điều mà anh phải học hỏi nhiều nhất.

“Như thế đâu đã già cỗi. Mỗi sáng, tôi vẫn thức dậy cùng khát khao chơi quần vợt cháy bỏng. Tôi chỉ dừng lại khi cảm thấy bất lực trên sân đấu, chân không còn lê chân nổi nữa…”, tay vợt người Thụy Sĩ khẳng khái nói như thế, dù lúc này tuổi 35 đang ảnh hưởng tới sự nghiệp của anh. Dĩ nhiên, chẳng ai phủ nhận khát vọng của Federer, nhưng với nền tảng thể lực ngày càng suy giảm theo thời gian, anh trụ lại được đỉnh cao cũng đã là xuất sắc lắm rồi. 3 thất bại của Federer ở các giải quan trọng như Wimbledon, Mỹ mở rộng và ATP World Tour Finals đã nói thay tất cả.

Không thừa nhận mình đã già, nhưng “tàu tốc hành” vừa bất ngờ tiết lộ kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới 2016 của anh sẽ thay đổi đáng kể, bắt đầu từ việc giảm số lượng tham dự giải đấu. Tức Federer đã nhận ra rằng, nếu vẫn gắng gượng bước vào cuộc chơi tiêu tốn nhiều tâm sức với những người trẻ tuổi hơn mình, chẳng hạn Djokovic, Murray, Wawrinka… anh lại thêm một lần nữa trượt cơ hội đoạt Grand Slam thứ 18 trong sự nghiệp.

Federer chỉ chọn mặt sân cứng và sân cỏ để thi đấu trong năm 2016, bỏ gần hết các giải đấu diễn ra trên mặt sân đất nện, ngoại trừ giải Roland Garros - một trong những mục tiêu chiến thắng của anh. Một lý do khác khiến Federer bỏ hầu hết các giải sân đất nện chính là việc anh muốn duy trì mạch thi đấu trên mặt sân cứng để khi chuyển đổi sang mặt sân cỏ sẽ dễ dàng hơn. Không tham vọng đến mức thâu tóm đủ 4 danh hiệu Grand Slam, nhưng nếu thắng được một trong số đó, có lẽ vua kỷ lục này sẽ tính chuyện dừng cuộc chơi.

Olympic vẫn là đỉnh cao mà Federer chưa từng với tới ở nội dung đơn nam, ngay cả khi sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này diễn ra ở vào thời hoàng kim của anh. Federer từng đoạt HCV đôi nam ở Bắc Kinh 2008, suýt chút nữa hoàn thành tâm nguyện đăng quang ở London 2012 (tiếc là anh để thua Andy Murray trong trận chung kết). Thế nên, ở kỳ Thế vận hội thứ ba được góp mặt, “Tàu tốc hành” cần sự chuẩn bị thật chu đáo, đặc biệt là cách tạo ra một quãng nghỉ ngơi dài ngày để hồi phục thể lực. Và cùng với người thầy mới Ivan Ljubicic (Croatia), Roger Federer đang tiến vào năm 2016 với một khí thế mạnh mẽ…


Ý kiến bạn đọc