(VnMedia) - “Cung thiếu nhi Hà Nội có một giá trị vô giá mà bất cứ ai có trách nhiệm cải tạo sửa chữa cũng cần lưu tâm. Không thể vô tâm cư xử với những ký ức vật chất thấm đẫm tình cảm của người Hà Nội với các thế hệ trẻ em Hà Nội” - KTS Trần Huy Ánh nói.
Như VnMedia đã đưa tin về việc Hà Nội đang cho sửa chữa lớn Cung thiếu nhi Hà Nội, hiện có nhiều ý kiến lo ngại về tính chuyên môn cũng như sự lãng phí trong công tác này. Hội KTS Hà Nội đã phải có hẳn một công văn gửi UBND Thành phố và các cơ quan chức năng đề nghị Chủ đầu tư (là Thành đoàn Hà Nội) cần phải tham khảo ý kiến của các KTS, đặc biệt là tác giả của công trình này: KTS Lê Văn Lân.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, công trình này chưa được công nhận là di sản, di tích nên việc sửa chữa không cần phải xin ý kiến các cơ quan chuyên môn.
Cung thiếu nhi Hà Nội, "thiên đường có thật" một thời của trẻ em đang được cải tạo, sửa chữa mà không có bất kỳ sự tham khảo ý kiến nào từ "cha đẻ" của công trình (Ảnh: Tuệ Khanh) |
Dù đã ở tuổi gần 80 nhưng Kiến trúc sư Lê Văn Lân vẫn còn đầy tâm huyết, trăn trở với những công trình kiến trúc của Thủ đô, trong đó đặc biệt là công trình Cung thiếu nhi Hà Nội mà ông được giao thiết kế từ khi miền Bắc còn đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
KTS Lê Văn Lân (Ảnh: Tuệ Khanh) |
Nói về việc xây dựng Cung thiếu nhi Hà Nội, KTS Lê Văn Lân cho biết, ngày ấy, nổi lên trên tất cả là tình cảm của các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội với các cháu.
“Chiến tranh vừa kết thúc, công việc thì bộn bề, có ai quên được hình ảnh Chủ tịch Thành phố Trần Vỹ hàng sáng trước giờ tới Ủy ban vẫn có mặt ở công trường để theo dõi và động viên công nhân xây dựng. Rồi buổi chiều, sau khi rời Ủy ban hay trở về từ ngoại thành, ông lại qua công trường đốc thúc, ngắm nghía có lúc đến cả nửa tiếng đồng hồ. Ông sờ nắn từng chi tiết và các ô cửa bằng sắt… rồi ông yêu cầu gọi thợ làm ô tô đến để mài, đánh giấy ráp và bả ma tít cho thật nhẵn trước lúc sơn…" - KTS Lê Văn Lân từng xúc động chia sẻ với VnMedia.
Từ lợi thế về vị trí và cảnh quan, truyền thống phát hiện và ươm mầm tài năng, nơi từng lưu giữ những hình ảnh về Đảng, Nhà nước và Lãnh tụ, KTS Lê Văn Lân từng tin tưởng rằng, Thành phố chắc rồi sẽ tiếp tục sử dụng một cách hiệu quả nhất đối với công trình, có sự trân trọng như với một địa chỉ văn hóa đã gắn bó với người Hà Nội, chắt chiu hình thành trong những thời khắc thật đáng ghi nhớ.
Chính vì vậy, những ngày này, việc công trình được sửa chữa lớn mà ông không được hỏi, cũng như không được biết họ sẽ làm gì đã khiến ông rất bất ngờ và lo lắng. “Khi vô tình đi qua, tôi thấy họ đóng cổng, quây bạt nên mới biết có sửa chữa” - KTS Lê Văn Lân cho biết.
Sửa một công trình văn hóa không thể cẩu thả, tùy tiện
Trao đổi với VnMedia, KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Việt Nam cho rằng, lấy lý do "không thuộc danh sách các di tích lịch sử nên Cung thiếu nhi không được bảo hộ của luật Di sản, cũng không thuộc danh sách các công trình kiến trúc cần bảo tồn, giữ gìn” nên việc sửa chữa cải tạo Cung thiếu nhi Hà Nội đang được thực hiện cẩu thả, tùy tiện.
“Nếu cứ viện dẫn lý do trên thì những công trình cũ như cầu Long Biên, Trường ĐH Y - Dược (trên phố Lê Thánh Tông), hay công trình mới như Đài tiếng nói Việt Nam (trên phố Bà Triệu), có giá trị tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử phát triển nghệ thuật kiến trúc Hà Nội... cứ thoải mái vô tư đập bỏ, thay thế bởi những công trình tầm thường (nhưng rất lãng phí/đắt tiền)” - KTS Trần Huy Ánh lo lắng.
Ông xót xa nêu câu hỏi: “Vậy thì giá trị lịch sử của một Hà Nội Văn hiến là gì? Không lẽ chỉ toàn những ngôi nhà nhôm nhựa vô hồn?”.
Theo đánh giá của KTS Trần Huy Ánh, Cung thiếu nhi Hà Nội là một công trình có ý nghĩa giáo dục rất cao đối với các thế hệ thanh thiếu niên Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, vốn đã nhận được sự trân trọng lịch sử khi xây dựng: Khối nhà Ấu trĩ Viên xây từ thời Pháp thuộc vẫn giữ nguyên, là bằng chứng của một cấu trúc đô thị Hà Nội văn minh đầu thế kỷ. Ở đây có riêng một nơi vui chơi cho trẻ nhỏ, trước đó dù là dành riêng cho con Tây, nhưng đến khi do người Việt Nam quản lý thì trẻ em Hà nội đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp đẽ do được xã hội quan tâm chăm sóc.
“Giá trị nghệ thuật của công trình này là đại diện cho phong cách kiến trúc hiện đại, bứt phá khỏi các công trình kiến trúc thuộc địa, Á đông, kiến trúc mô phỏng các công trình thời Xô viết, Trung Quốc cận đại... Công trình có những mảng khối mạnh mẽ, phân vị đứng/ngang khúc triết, các khối đặc/rỗng tạo sự tương phản mạnh mẽ nhưng rất tinh tế” - KTS Trần Huy Ánh tiếc nuối phân tích.
Về việc xử lý vật liệu, ông Ánh cho biết, công trình này rất chọn lọc. Đó là vật liệu thô nhám với trơn nhẵn, mảng mầu trắng lớn với các chi tiết trang trí sặc sỡ tươi vui bên cạnh các mảng trầm vững chắc đứng bên các khối, mảng gạch trần mầu đỏ không trát hay những tấm trần nhôm kỳ lại thời ấy được lắp đặt ngay tại sảnh tầng 2 tạo những cảm xúc về chất liệu rất rõ ràng.
“Điều kỳ diệu là tất cả sự sang trọng, đẹp đẽ ấy được thực hiện khi cả nước hàng ngày phải gồng mình lo từng bữa cơm no, manh áo ấm. Các công trường xây dựng tiết kiệm từng thanh sắt, cân xi măng, viên gạch ốp, miếng kính cửa... Nó cho thấy Hà Nội đã một thời đẹp đẽ, dồn hết sức mình lo cho con trẻ một chỗ vui chơi tươm tất” - KTS Trần Huy Ánh, từng là một cựu Đội viên Đội Vẽ Cung thiếu nhi HN 1969-1975 xúc động nói.
Ông nhận định, có lẽ tất cả những ai trong số 30 triệu lượt đội viên đã từng đến đây học tập vui chơi, không ai trong số họ quên được “tấm lòng vàng” của các thế hệ cha anh đã chắt chiu cho mình một “thiên đường có thật” giữa một Hà Nội còn muôn vàn gian khó.
“Đây cũng là một giá trị vô giá mà bất cứ ai có trách nhiệm cải tạo sửa sữa công trình này cần lưu tâm, không thể vô tâm cư xử với những ký ức vật chất của Hà Nội thấm đẫm tình cảm của người Hà Nội với các thế hệ trẻ em Hà Nội” - ông Ánh nói.
KTS Trần Huy Ánh cũng đánh giá, công trình Cung Văn hóa thiếu nhi còn là một bài học về văn hóa chắt chiu, tiết kiệm của Hà Nội xưa, khác hẳn những sự lãng phí, xa hoa mà tầm thường đang hiện hữu ở nhiều công trình ngày nay.
“Xem tin tức trên báo thì thấy các bên liên quan đến việc sửa chữa Cung thiếu nhi Hà Nội đang lãng phí rất nhiều: Lãng phí tiền bạc vì bỏ đi những chi tiết, vật liệu đẹp đẽ sang trọng để thay vào đó những thứ đắt tiền nhưng tầm thường và kém giá trị; Lãng phí trí tuệ bởi khi KTS Lê Văn Lân - chủ trì thiết kế công trình, người hiểu biết rõ nhất công trình sẵn sàng hỗ trợ tình nguyện thì không tận dụng; Lãng phí giá trị di sản ký ức bởi một công trình có nhiều giá trị nghệ thuật mang dấu ấn của giai đoạn hình thành đang bị thay đổi tùy tiện đồng thời hủy hoại những giá trị di sản ký ức ấy“ - ông Ánh bức xúc chia sẻ.
Từ những gì đang diễn ra đối với Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh đặt vấn đề, nên chăng, mỗi công trình Văn hóa của Thủ đô cũng cần nêu tấm gương sáng về cách hành xử Văn hóa mẫu mực cho cả nước noi theo?
Ý kiến bạn đọc