Tinh giản biên chế: Khó giảm lãnh đạo

15:40, 20/11/2015
|

Trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ, trong 7 năm tới (2015-2021), phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế của các bộ, ngành, địa phương. Trước chủ trương này, đại diện Sở Nội vụ của một số địa phương bày tỏ một số khó khăn, bất cập đang diễn ra.

Ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Giám đốc Sở Nội Vụ Sơn La cho hay: "Hiện tại, Sơn La đang triển khai xây dựng đề án để thực hiện Nghị định 108 của Chính phủ với Nghị quyết 39 của Bộ chính trị về việc tinh giản biên chế, với mục tiêu, từ nay đến 2021 giảm tối thiểu là 10%".

Bên cạnh đó, theo ông Hưng thì hiện nay, tiêu chí để đánh giá cán bộ Chính phủ đã có Nghị định 56, trong đó có quy định là nếu 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc là có năm không hoàn thành hoặc hoàn thành còn hạn chế về năng lực thì được xem xét đưa vào đối tượng tinh giản biên chế, căn cứ vào mức độ đánh giá hàng năm nhưng phải qua 2 năm mới xác định được.

Theo đánh giá của ông Hưng thì từ trước đến nay, Chính phủ chưa bao giờ ban hành được một Nghị định mang tính chất tổng thể, đánh giá cán bộ viên chức như Nghị định 56.

Ông Hưng cho biết, quan điểm của tỉnh là phải chỉ đạo chặt chẽ để có cơ sở giải quyết vấn đề tinh giản biên chế, bởi vì trong các đối tượng của diện tinh giản biên chế thì cái đánh giá phải căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ viên chức sẽ khả thi hơn so với đánh giá về sức khỏe.

Tinh giản biên chế sẽ còn nhiều khó khăn.
Tinh giản biên chế sẽ còn nhiều khó khăn.

Trước đề xuất của TPHCM, Giám đốc, lãnh đạo các Sở không hoàn thành nhiệm vụ cũng có thể đưa vào diện tinh giản biên chế, ông Hưng cho rằng, giám đốc, lãnh đạo Sở thì cũng là cán bộ công chức, vẫn cần phải đánh giá 2 năm liên tục, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì phải đưa vào dạng tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, đến tầm lãnh đạo của cơ quan sẽ không để xảy ra điều đó. Nếu đảm nhiệm vị trí một năm mà bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì phải bố trí sắp xếp một vị trí khác phù hợp, vì người đứng đầu có ảnh hưởng lớn rất lớn.

Trước thông tin những cán bộ có bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ nếu không hoàn thành nhiệm vụ cũng đưa vào diện tinh giản biên chế, theo ông Hưng, đây là một bài toán khó khi xử lý. Bởi vì, có nhiều trường hợp, cán bộ có bằng cấp, có năng lực nhưng lại được bố trí việc làm không phù hợp với bằng cấp, nên không thể phát huy.

Đối với những trường hợp như vậy thay vì tinh giản biên chế thì phải tạo điều kiện cho họ đi đào tạo lại đúng chuyên ngành, nếu còn đủ tuổi. Ví dụ, một cán bộ có bằng Thạc sỹ giao thông cầu đường mà lại làm việc ở vị trí quản lý hành chính, thì chắc chắn sẽ không có hiệu quả. Hay kể đến trường hợp, một cán bộ có bằng thạc sỹ về kinh tế, mà xin làm ở cơ quan không liên quan về kinh tế thì chắc chắn bằng cấp sẽ không phù hợp.

"Theo Nghị định 108, cán bộ này thuộc diện phải sắp xếp lại sao cho phù hợp với trình độ chuyên môn, cho phù hợp với bằng cấp đào tạo. Nếu không có vị trí để sắp xếp thì phải nghiên cứu cho cán bộ đi đào tạo phù hợp với chuyên môn, Nghị định 108 nêu rõ: một là bố trí lại, nếu không bố trí được thì phải cho đi đào tạo nếu vẫn còn trong độ tuổi phù hợp" - ông Hưng cho biết.


Ý kiến bạn đọc