(VnMedia) - Hôm nay (11/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016, trong đó có các nội dung về việc điều chỉnh tiền lương. Theo đó, sẽ tăng lương từ ngày 1/5/2016.
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, tổng số thu cân đối NSNN là 1.014.500 tỷ đồng, nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu NSNN sẽ là 1.019.200 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSNN là 1.273.200 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP. Cùng với dự toán thu chi ngân sách, Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh tiền lương cho năm 2016.
Theo đó, từ 1/1/2016 sẽ điều chỉnh tiền lương với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới hai triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.
Đồng thời, từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Các Bộ, Ngành, địa phương trên cơ sở dự toán NSNN được giao sẽ tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình,tiếp thu chỉnh lý việc thực hiện NSNN năm 2015 dự toán NSNN năm 2016 |
Phát hành 3.000 triệu đô la Mỹ trái phiếu để đảo nợ
Nghị quyết cũng quy định về việc thực hiện một số nhiệm vụ NSNN năm 2015 và năm 2016. Theo đó, bổ sung 30.000 tỷ đồng vốn ODA ước giải ngân tăng so với kế hoạch vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2015. Sử dụng 40.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần DNNN để đầu tư phát triển. Trường hợp ngân sách trung ương năm 2015 bị hụt thu, cho phép sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Sử dụng 30.000 tỷ đồng đưa vào dự toán NSNN năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.
Đối với việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), Quốc hội đồng ý về đề xuất của Chính phủ về thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn TPCP phát hành trong năm 2015 và năm 2016. Trong đó, chỉ phát hành TPCP có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng phát hành, 70% còn lại kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Cho phép Chính phủ thực hiện việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3.000 triệu đô la Mỹ.
Về số vốn TPCP còn dư 14.259 tỷ đồng của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, sẽ để đầu tư cho các dự án cụ thể theo nguyên tắc chỉ bố trí vốn cho các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, khắc phục việc giảm quy mô gây ách tắc giao thông và từng bước hoàn thành đồng bộ các tuyến tránh, kết nối của 2 tuyến đường này.
Sử dụng ngân sách còn nhiều tiêu cực
Trước đó, nhận xét về chi NSNN và bội chi NSNN năm 2015, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, lãng phí trong sử dụng NSNN còn lớn, chi dàn trải và còn cơ chế xin - cho. Hiệu quả sử dụng NSNN còn thấp, nhiều tiêu cực, thất thoát.
Đồng ý với các ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù công tác quản lý thu, chi ngân sách đã có những tiến bộ nhất định, song vi phạm vẫn xảy ra ở mức độ khác nhau. Qua kết quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước cho thấy, có nhiều sai phạm về quản lý tài chính - ngân sách nên thời gian qua đã được phát hiện, xử lý và thu hồi, giảm thanh toán do chi sai chế độ theo kiến nghị KTNN năm 2009 là 317 tỷ đồng; năm 2010 là 658 tỷ đồng; năm 2011 là 708 tỷ đồng; năm 2012 là 2.252 tỷ đồng; năm 2013 là 5.304,2 tỷ đồng.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp cần thiết để nâng cao hơn hiệu quả thực hiện Luật NSNN, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng, nhằm tăng cường hơn nữa việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính; quản lý chặt chẽ chi NSNN, cương quyết chống lãng phí, tiêu cực, xử lý các sai phạm nhằm thực hiện kỷ luật tài chính, khắc phục triệt để các tồn tại, yếu kém như ý kiến các vị ĐBQH đã nêu.
Ý kiến bạn đọc