(VnMedia) - Ai sẽ là người dạy môn học Công dân với Tổ quốc, trong khi các trường đại học sư phạm hiện nay ở nước ta và trên thế giới không đào tạo giáo viên dạy những môn học lắp ghép những kiến thức “tổng hợp” như thế.
GS. TS Trần Thị Vinh, Khoa Sử - Đại học Sư phạm Hà Nội đã thẳng thắng đặt ra câu hỏi trên cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
GS. TS. Sử học Trần Thị Vinh (ảnh nguồn GDVN) |
Lắp ghép chỉ khiến học sinh hiểu về Lịch sử thiếu căn bản
Như VnMedia đã đưa tin, gần đây, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, trong đó có đề cập đến việc tích hợp môn Giáo dục công dân với môn Giáo dục quốc phòng và Lịch sử thành môn Công dân với Tổ quốc đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
GS. TS. Trần Thị Vinh cho rằng, việc biến môn Lịch sử trở thành một phân môn trong môn học mới Công dân với Tổ quốc là vô cùng bất cập, thiếu cơ sở khoa học. Theo bà phân tích, ba môn học Giáo dục Đạo đức, Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng - An ninh có đối tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy khác nhau.
Lịch sử là một môn khoa học cơ bản, môn học bản lề trong hệ thống giáo dục phổ thông. Mục tiêu quan trọng nhất của môn Lịch sử là giúp cho học sinh thông hiểu những tri thức lịch sử cốt lõi có hệ thống về toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc, xây dựng cho học sinh kỹ năng tư duy lịch sử. Đối tượng của môn Lịch sử bao gồm toàn bộ tiến trình phát triển của nhân loại, của khu vực, của dân tộc trải qua các thời đại lịch sử trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Nếu so sánh với mục tiêu môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh và môn Giáo dục Đạo đức - Công dân, có thể thấy những điểm khác biệt. Mục tiêu của môn giáo dục quốc phòng là “Bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của lực lượng vũ trang và nghệ thuật quân sự Việt Nam”. Đây là môn học mang tính thực hành cao do tính chất rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, kỹ năng phòng thủ dân sự.
Trong khi đó, mục tiêu của môn Giáo dục Đạo đức - Công dân “chủ yếu là giáo dục giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và một số kỹ năng sống cần thiết chuẩn bị cho học sinh gia nhập xã hội Việt Nam, hội nhập quốc tế với tư cách công dân”.
Như vậy, các môn Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng - An ninh và Giáo dục Đạo đức - Công dân có định hướng khoa học khác nhau. Trên thực tế, môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh và Giáo dục Đạo đức - Công dân có thể sử dụng một số kiến thức Lịch sử để đạt được mục tiêu giáo dục của hai môn học này, trong đó có những kiến thức về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Với ý nghĩa đó, Lịch sử là môn khoa học mang tính bản lề, tạo nền tảng kiến thức cho việc giáo dục đạo đức truyền thống, giáo dục quốc phòng. Tuy nhiên, đối tượng, nội dung của môn Lịch sử không phải chỉ tập trung vào truyền thống chống ngoại xâm, đó chỉ là một phần của lịch sử, đó không phải là toàn bộ lịch sử.
Theo GS, việc biến môn Lịch sử thành một phân môn trong môn học mới Công dân với Tổ quốc sẽ phá vỡ môn Lịch sử. Điều đó thể hiện ở chỗ, học sinh sẽ không nhận thức được tính hệ thống, tính liên tục của dòng chảy lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc. Học sinh sẽ nhìn nhận lịch sử một cách phiến diện với cách nhìn lịch sử chỉ bao gồm chiến tranh, cách mạng. Có thể thấy, nếu lắp ghép lịch sử vào môn giáo dục đạo đức, giáo dục công dân là sự lắp ghép những kiến thức lịch sử rời rạc, những “mảnh vỡ của lịch sử” vào một môn học “tổng hợp” chưa từng có tiền lệ. Sự lắp ghép này chắc chắn sẽ khiến cho hiểu biết của học sinh về Lịch sử thiếu tính hệ thống, thiếu căn bản.
Ảnh minh họa |
Không ai dạy nổi
Ngoài việc chỉ ra sự thiếu khoa học khi tích hợp các bộ môn trên vào một môn, GS. TS. Trần Thị Vinh còn đặt ra câu hỏi về tính khả thi của chương trình này, ai sẽ là người dạy môn học Công dân với Tổ quốc, trong khi các trường đại học sư phạm hiện nay ở nước ta và trên thế giới không đào tạo giáo viên dạy những môn học lắp ghép những kiến thức “tổng hợp”như thế.
Những người soạn thảo chương trình cho rằng, trước mắt giáo viên bộ môn vẫn dạy các nội dung độc lập của 3 phân môn như hiện nay; riêng các chuyên đề tích hợp nhà trường sẽ tùy vào đặc điểm nội dung và năng lực cụ thể của từng giáo viên để phân công. Với cách tiếp cận thiếu cơ sở khoa học như vậy, chất lượng các môn học được gọi là “tích hợp” ở cấp THPT sẽ ra sao và nền giáo dục nước nhà sẽ đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục toàn cầu?
Cũng theo GS. TS. Trần Thị Vinh, việc biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, học tập cho môn học “tổng hợp” Công dân với Tổ quốc hoàn toàn không thể thực hiện được. Bởi lẽ, rất khó có thể tổng hợp 3 môn học có mục tiêu, định hướng khoa học, nội dung khác nhau để xây dựng kết cấu một môn học mới. Hơn nữa, việc xé lẻ kiến thức Lịch sử để đưa vào môn Công dân với Tổ quốc, môn KHXH, môn Lịch sử (Tự chọn 2) và một số chuyên đề chuyên sâu về Lịch sử (Tự chọn 3) ở cấp THPT đồng nghĩa với việc phá nát môn Lịch sử, đồng thời sẽ gây ra sự nặng nề, nhàm chán cho học sinh trong quá trình học tập. Cách lắp ghép ba phân môn Đạo đức - công dân, Lịch sử và Quốc phòng - an ninh thành một môn học, có lẽ, chỉ đạt được mục tiêu giảm bớt số lượng môn học mà học sinh phải học để thi, nhưng sẽ không thể đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông về phát triển toàn diện nhân cách con người.
“Bản thân tôi đã thử viết vài bài tích hợp mà không viết nổi, tôi cũng không thể dạy nổi nếu có môn học tích hợp như vậy. Để dạy được môn học tích hợp này phải là người có kiến thức cực kỳ uyên bác, nhưng tôi chắc là chẳng giáo viên nào có thể dạy nổi” - GS. TS. Trần Thị Vinh nói.
Bà khẳng định, việc định tích hợp môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc là việc làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới. Việc xây dựng một môn học mới là việc làm hệ trọng, có liên quan đến chất lượng giáo dục, sự thành bại của cải cách giáo dục và là tương lai của thế hệ con cháu chúng ta. Nếu xây dựng một môn học mới mà không dựa trên nền tảng khoa học và cơ sở thực tiễn thì chắc chắn sẽ thất bại, hơn nữa sẽ gây ra tình trạng xáo trộn, mất phương hướng trong giáo dục phổ thông.
Ý kiến bạn đọc