(VnMedia) - Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ nói sẽ tăng thời lượng học môn Lịch sử, nhưng trong thực tế nếu không phải thi thì học sinh sẽ không học Sử và nếu có học thì cũng khó đến nơi đến chốn.
Không phải thi, học sinh sẽ không học
Gần đây, thông tin về việc môn Lịch sử sẽ được tích hợp trong một môn học mới có tên gọi là “Công dân với Tổ quốc” đã khiến dư luận có nhiều ý kiến tranh cãi. Có nhiều ý kiến lập luận và khẳng định môn học này vẫn phải duy trì là môn học độc lập, bắt buộc. Nhưng phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lại cho rằng nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với lôgic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới. Bộ cũng khẳng định, trong chương trình mới, thời lượng học môn Lịch sử sẽ tăng lên, môn Sử vẫn được coi trọng chứ không phải sẽ “xóa sổ” môn học này.
Cụ thể theo Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD&ĐT, không phải là học sinh thích thì (chọn) học, không thích thì thôi, xoá sổ môn học Lịch sử. Trái lại, theo Dự thảo Chương trình này, tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc và 1 trong 2 môn Lịch sử hoặc môn Khoa học xã hội.
Ngoài ra, học sinh còn được học trong các môn học khác, nhất là trong môn Ngữ văn và trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; học sinh còn có thể tự chọn thêm các chuyên đề học tập mở rộng hoặc nâng cao về lịch sử. Thời lượng bắt buộc dành cho nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình mới chắc chắn sẽ nhiều hơn trong chương trình hiện hành, điều này là rõ ràng vì chương trình hiện hành bắt buộc học sinh học Lịch sử 1,5 tiết/ tuần; dự thảo chương trình mới bắt buộc học sinh phải học Công dân với Tổ quốc 3 tiết/tuần, cộng thêm môn Khoa học xã hội 3 tiết/tuần hoặc Lịch sử 3 tiết/tuần.
Tuy nhiên, theo phân tích của nhà Sử học Dương Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới có tích hợp môn Lịch sử với một môn học đã được quy định thành Luật mới đây là bộ môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh, thì nguy cơ không cẩn thận sẽ “xóa sổ”, “khai tử” môn Sử. “Dù Bộ trưởng GD&ĐT có nói thời lượng học sẽ nhiều hơn và vẫn dạy bắt buộc, nhưng nếu không thi thì các cháu học sinh cũng sẽ không học nữa, như vậy thực tế ra là “khai tử” môn học chứ còn gì nữa” - ông nói bên lề kỳ họp Quốc hội.
Một phòng thi chỉ có 1 thí sinh thi môn Lịch sử và 2 giám thị coi thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua. (Ảnh Tuổi trẻ) |
Cần quy định bắt buộc thi Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông
Theo GS. Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, vài chục năm qua, đã có nhiều cách đối xử không đúng đắn, thiếu công bằng, có phần tùy tiện của cấp quản lý ngành giáo dục với môn học Lịch sử.
Thực tế, đã có thời gian lấy lý do “giảm tải” cho học sinh, môn Lịch sử không còn là môn thi chính thức trong thi tốt nghiệp THPT. Số phận long đong của môn học này bắt đầu từ chỗ quy định môn Sử và Địa là hai môn thi “luân phiên” (năm nay thi Sử, năm sau thi Địa), rõ ràng không có cơ sở khoa học cho chủ trương này.
Không dừng lại ở đó, có thời điểm môn Lịch sử được quy định là môn thay thế (chỉ nơi nào học sinh không thi ngoại ngữ thì thi Sử). Và có thực trạng (năm học 2013-2014), phần đông học sinh ở thành phố chọn thi ngoại ngữ, những học sinh ở vùng sâu vùng xa mới thi môn Lịch sử.
Trong Kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, môn Lịch sử lại là môn thi tự chọn nên tuyệt đại đa số học sinh thi khối A, B, bỏ rơi môn Lịch sử. Do vậy mới có hiện tượng nhiều hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh thi môn Sử.
“Rõ ràng môn Lịch sử đang bị đẩy lùi từng bước, loại bỏ từng bộ phận, và cuối cùng không còn vị thế của một môn học riêng biệt ngang bằng như các môn học khác” - GS. Ninh khẳng định.
Theo ông, Bộ GD&ĐT cần thay đổi, quy định dứt khoát môn Lịch sử là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, tiến tới coi Lịch sử là môn thi trong kỳ thi tuyển chọn nhân viên vào các cơ quan, doanh nghiệp… và sẽ trở thành môn thi đối với những người muốn nhập quốc tịch Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc